(GLO)- Sáng 3-8, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7-2022 bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với 63 tỉnh, thành. Dự họp tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quang ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Tại đầu cầu 63 tỉnh, thành phố có Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố.
Phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, tình hình 7 tháng đầu năm 2022 có nhiều biến động và có những vấn đề chưa có tiền lệ như: cạnh tranh chiến lược, xung đột Ukraine, các vấn đề an ninh phi truyền thống; giá nguyên vật liệu, giá xăng dầu tăng cao; an ninh năng lượng, lương thực; lạm phát xảy ra ở nhiều nước; thiên tai, dịch bệnh có nhiều bất ngờ, chưa có tiền lệ... Ở trong nước, quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở nền kinh tế lớn, khả năng chống chịu cú sốc bên ngoài còn hạn chế.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự đồng hành của Quốc hội, sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, đất nước ta đạt kết quả hết sức tích cực: kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn và tăng trưởng, chuỗi cung ứng lao động phục hồi nhanh; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững; hoạt động đối ngoại được thúc đẩy…
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7 năm 2022 (Ảnh: TTXVN). |
Song, Thủ tướng cũng nhấn mạnh còn nhiều vấn đề không thể chủ quan như: áp lực nguy cơ lạm phát; giá cả các mặt hàng chiến lược biến động; giải ngân đầu tư công đạt thấp; một số nội dung chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội chưa đạt yêu cầu... Do đó, nhiệm vụ tháng 8 và những tháng tiếp theo còn rất nặng nề. Thủ tướng yêu cầu các thành viên chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận phân tích nguyên nhân khách quan, chủ quan thành tựu đã đạt được; tập trung đánh giá những khó khăn, hạn chế để rút ra bài học kinh nghiệm, từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các nhiệm vụ.
Cũng tại phiên họp, Thủ tướng chỉ rõ việc điều hành phát triển kinh tế-xã hội thực hiện trên tinh thần “4 ổn định, 3 tăng cường, 2 đẩy mạnh, 1 tiết giảm và 1 không”. Cụ thể: ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo các cân đối lớn; ổn định các loại thị trường; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; ổn định đời sống vật chất, tinh thần nhân dân. Tăng cường nắm tình hình; tăng cường y tế dự phòng, y tế cơ sở, tiêm vắc xin; tăng cường kỷ luật, kỷ cương. Đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, tạo công ăn, việc làm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tiết giảm chi tiêu đối với những khoản không cần thiết và không điều hành giật cục.
Theo chương trình phiên họp thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình công tác phòng-chống dịch Covid-19; tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và tình hình triển khai 3 Chương trình mục tiêu Quốc gia.
HUỲNH LÊ (tổng hợp)