Thủ tướng Chính phủ tiếp Bộ trưởng kinh tế, doanh nghiệp và du lịch Romania

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Chiều 20-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania Stefan-Radu Oprea đang thăm, làm việc và tham dự Khóa họp lần thứ 17 Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế Việt Nam-Romania tại Việt Nam.

Chào mừng Bộ trưởng Stefan-Radu Oprea trở lại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho biết, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Romania; đánh giá cao Romania đã ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng và phát triển đất nước ngày nay, trong đó đã giúp đỡ đào tạo nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania. Ảnh nguồn chinhphu.vn

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Doanh nghiệp và Du lịch Romania. Ảnh nguồn chinhphu.vn

Thủ tướng Chính phủ cũng cảm ơn và đánh giá cao Romania trong vai trò Chủ tịch luân phiên EU năm 2019 đã hỗ trợ rất lớn trong việc thúc đẩy hoàn tất đàm phán, ký kết Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và cũng là một trong 3 nước EU đầu tiên phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (EVIPA); cảm ơn Romania đã tặng 300.000 liều vaccine COVID-19 cho Việt Nam năm 2021.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Stefan-Radu Oprea vui mừng nhận thấy quan hệ song phương Việt Nam-Romania đang phát triển tốt đẹp trên nhiều mặt chính trị, ngoại giao, kinh tế, an ninh, quốc phòng, văn hóa, giáo dục đào tạo... Trong đó, kim ngạch thương mại 2 chiều năm 2022 đạt 425 triệu USD, tăng 14,8% so với năm 2021, song chưa tương xứng với tiềm năng và quan hệ 2 nước.

Thủ tướng cho biết Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, là bạn tốt, là đối tác tin cậy, thành viên tích cực, có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế; xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả; thực hiện chính sách quốc phòng "bốn không". Thời gian tới, cùng với tăng cường trao đổi đoàn cấp cao và các cấp, trên tất cả các kênh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên cần xác định hợp tác kinh tế-đầu tư-thương mại là trụ cột quan trọng trong quan hệ song phương thời gian tới, xứng tầm quan hệ chính trị, ngoại giao. Hai bên cần tăng cường kết nối vận tải, trong đó có vận tải hàng không; tận dụng hiệu quả Hiệp định EVFTA, mở cửa hơn nữa thị trường hai nước cho hàng hóa của nhau, trong đó có nông sản, hải sản Việt Nam như như cà phê, chè, hạt tiêu, tôm, cá tra, cá basa…; tăng cường trao đổi, kết nối doanh nghiệp, thu hút đầu tư vào các lĩnh vực, nhất là nông nghiệp, chuyển đổi số, năng lượng tái tạo…; đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực lao động, giáo dục-đào tạo nhất là đào tạo nguồn nhân lực dầu khí, lĩnh vực y tế, dược phẩm…

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam đề nghị Romania vận động các nước thành viên khác trong EU sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cảm ơn và mong phía Romania tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng người Việt Nam ổn định cuộc sống và làm ăn lâu dài, bảo vệ quyền lợi chính đáng của lao động Việt Nam đang làm việc tại Romania.

Bộ trưởng Stefan-Radu Oprea cho biết rất tự hào được đóng góp cho quan hệ song phương và quan hệ Việt Nam-EU; khẳng định hai nước có cơ hội và tiềm năng hợp tác rất lớn trên các lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục, gồm cả những lĩnh vực truyền thống như dầu khí và những lĩnh vực mới như chuyển đổi số, năng lượng tái tạo…

Romania luôn coi trọng và mong muốn làm sâu sắc hơn quan hệ hợp tác với Việt Nam; sẵn sàng làm cửa ngõ vào thị trường Liên minh châu Âu cho Việt Nam. Bộ trưởng đề nghị hai bên tiếp tục phát huy truyền thống, tích cực thúc đẩy quan hệ hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn; khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với phía Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước tác hiệu quả hơn nữa, nhất là trong các lĩnh vực Thủ tướng đã có ý kiến.

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nói về các bước đi của Philippines, Trung Quốc ở Biển Đông

Việt Nam nói về các bước đi của Philippines, Trung Quốc ở Biển Đông

Tổng thống Philippines gần đây ký ban hành Đạo luật Vùng biển và Đạo luật Đường biển của quần đảo. Trung Quốc công bố tên gọi tiêu chuẩn một phần các đảo, rạn san hô, bao gồm 64 cấu trúc ở Biển Đông. Việt Nam đề nghị các quốc gia khác tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam.