Thiện nguyện Sài Gòn

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nhóm Thiện nguyện Sài Gòn thành lập được 6 năm với hơn 20 thành viên chủ chốt, đã cùng nhau miệt mài đi làm việc thiện trên mọi miền đất nước, nhất là thể hiện tinh thần đồng lòng chống dịch ở TP.HCM.

Theo danh sách đã lập trước đó, người dân lần lượt đến nhận quà hỗ trợ của nhóm Thiện nguyện Sài Gòn. Ảnh: ĐÀO NGUYÊN
Theo danh sách đã lập trước đó, người dân lần lượt đến nhận quà hỗ trợ của nhóm Thiện nguyện Sài Gòn. Ảnh: Đào Nguyên



Trước đợt dịch Covid-19 thứ 4, nhóm Thiện nguyện Sài Gòn chủ yếu tổ chức các chuyến đi ngắn ngày đến vùng cao và biển đảo để giúp đỡ hàng trăm em học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Nhóm chú trọng đến các hoạt động hỗ trợ những trẻ em không có điều kiện học tập, hoàn cảnh éo le, đặc biệt là các em nhỏ ở mái ấm mồ côi, các hộ gia đình khuyết tật. Hiện tại nhóm đang bảo trợ học bổng xuyên suốt cho 18 em học sinh, sinh viên khó khăn mồ côi ở nhiều nơi trên cả nước cho đến khi các em trưởng thành, học xong đại học.

Động viên nhau cùng cố gắng

Chị Lê Phước Thanh Bình (một trong những thành viên chủ chốt của nhóm) cho biết: “Trong những chuyến thiện nguyện đầu tiên, anh em trong nhóm tự vận động quỹ với nhau để làm. Dần dần, sự tin tưởng ủng hộ được tạo dựng từ sau mỗi chuyến đi ngày càng tích cực. Nhờ đó, nhiều nhà hảo tâm đã biết tới nhóm và gửi gắm tấm lòng để anh em trong nhóm cùng nhau kịp thời giúp đỡ những mảnh đời khó khăn”.

Đợt dịch thứ 4 bùng phát ở TP.HCM khiến các chuyến đi thiện nguyện ở các nơi xa mà nhóm đã lên kế hoạch phải tạm dừng, nhưng không vì thế tinh thần tương thân tương ái của nhóm chững lại. “Chúng tôi vẫn ấp ủ những chuyến đi đã chuẩn bị trước vào một dịp khác thích hợp hơn. Còn hiện tại trên địa bàn TP.HCM đang có quá nhiều hoàn cảnh khó khăn cần được chung tay giúp đỡ. Anh em trong nhóm vẫn luôn động viên lẫn nhau phải cùng cố gắng, ra sức hỗ trợ trong khả năng của nhóm”, chị Thanh Bình nói.

Hơn 3 tháng qua, nhóm Thiện nguyện Sài Gòn đã chi hỗ trợ tổng cộng 600 triệu đồng giúp người dân gặp khó khăn, bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 ở TP.HCM. Trong đó, 300 triệu đồng dùng mua các nhu yếu phẩm, gạo, mì gói, rau củ quả để phát cho những khu cách ly, người thất nghiệp do dịch, các F0 đang điều trị tại nhà và 300 triệu còn lại tặng tiền mặt để người dân chủ động trong chi phí sinh hoạt.


Khi có danh sách hoặc tin nhắn gửi về nhóm Thiện nguyện Sài Gòn nhờ giúp đỡ, các thành viên sẽ liên lạc với lãnh đạo của phường, quận nơi người dân khó khăn đang sinh sống để ngỏ lời được đến tận nơi thăm hỏi và trao quà, đồng thời kết nối với các tổ trưởng dân phố, công an khu vực để nắm tình hình và địa điểm cụ thể.

Không quản ngại khó khăn

Ngày 21.9, nhóm Thiện nguyện Sài Gòn đã trao 44 phong bì (500.000 đồng/phong bì) hỗ trợ các gia đình khuyết tật ở Nhà May Mắn (Q.Bình Tân ). Ngày 22.9, nhóm trao 255 phong bì (200.000 đồng/phong bì) giúp người dân ở xóm lao động nghèo, các khu nhà trọ gặp khó khăn, những hộ dân có người nhiễm Covid-19 đang thực hiện cách ly tại nhà trên địa bàn P.Tân Sơn Nhì (Q.Tân Phú) và P.Thới An (Q.12).

Anh Lê Quý Thiệu, thành viên nhóm Thiện nguyện Sài Gòn, cho biết khi đến những nơi bà con cần sự giúp đỡ, dù là hẻm hóc hay khu vực xa xôi, nhóm luôn nhắc nhau cố gắng đến từng địa chỉ để thăm hỏi động viên. “Anh em trong nhóm chia nhau đi từng nhà, từng xóm trọ chỉ để trao tận tay tấm lòng của nhóm đến bà con, dù nắng dù mưa, địa chỉ khó tìm cũng không ngăn được những bước chân của anh em”, anh Thiệu chia sẻ trong lúc đang cùng mọi người tìm đến một khu trọ nằm ở hẻm 3/2 Nguyễn Văn Săng (P.Tân Sơn Nhì, Q.Tân Phú).

 

Nhóm Thiện nguyện Sài Gòn hỗ trợ thực phẩm cho người dân trong khu cách ly. Ảnh: TNSG
Nhóm Thiện nguyện Sài Gòn hỗ trợ thực phẩm cho người dân trong khu cách ly. Ảnh: TNSG


Hẻm 3/2 Nguyễn Văn Săng là một khu nhà trọ xập xệ ẩm thấp, nơi trú ngụ của hơn 60 người kiếm sống bằng nghề bán báo dạo, bán vé số, nhặt ve chai. Khi dịch bùng phát, họ không thể tiếp tục đi làm, mất đi thu nhập nên mỗi ngày trôi qua là đối mặt những khốn khó, nguy cơ đứt bữa. Khi được trao tận tay phong bì tiền mặt của nhóm Thiện nguyện Sài Gòn, bà Vũ Thị Huệ (44 tuổi, sống ở khu nhà trọ 3/2 Nguyễn Văn Săng) xúc động không kìm được nước mắt: “Thật lòng mà nói gia đình chúng tôi thời gian qua sống nhờ vào từng cân gạo, bó rau mà các đoàn thể, chính quyền địa phương cũng như các đoàn thiện nguyện cho, mới có thể cầm cự đến bây giờ. Đối với chúng tôi bây giờ đừng nói là ngần này tiền, chỉ giúp một đồng thôi cũng vô cùng quý giá bởi mấy tháng rồi không làm gì ra một đồng”.

Rời Q.Tân Phú với nhiều chia sẻ thân tình từ bà con, nhóm Thiện nguyện Sài Gòn tiếp tục di chuyển đến KP.1, P.Thới An (Q.12) để tặng quà cho người khó khăn. Tại đây, bà con ai nấy đều không giấu được sự vui mừng, nhiều người chia sẻ họ đã trông ngóng nhóm từ sáng. Bà Nguyễn Thị Thu An (52 tuổi, ngụ P.Thới An) cho biết bà làm giáo viên mầm non, mấy tháng dịch vừa qua trường đóng cửa nên thất nghiệp. Con trai đang trong những tháng học cuối trên giảng đường đại học, bao nhiêu chi phí phải lo nên khó khăn chồng khó khăn… “Cơ quan có hỗ trợ tiền nhưng không thấm vào đâu. Tôi một mình nuôi con nên khó càng thêm khó. Nhờ phường cho gạo cho rau, hai mẹ con cầm cự chờ đến khi hết dịch. Trước ngày nhóm thiện nguyện xuống, tôi mừng đến không ngủ được. Đối với tôi bao nhiêu đây là mừng lắm rồi, tôi rất biết ơn”, bà An nói khi nhận quà và không quên chào nhóm Thiện nguyện Sài Gòn thêm lần nữa trước khi về.

Niềm vui đong đầy từ những điều đơn giản

Khi được hỏi về động lực duy trì nhóm thiện nguyện, anh Phạm Thanh Phúc, thành viên nhóm Thiện nguyện Sài Gòn, cho biết bản thân anh đã góp công giúp sức cùng anh em trong nhóm từ những buổi đầu tiên, đến bây giờ cảm giác hạnh phúc khi hỗ trợ được những mảnh đời cơ cực vẫn nguyên vẹn như ngày đầu.

“Từ lúc bắt đầu hoạt động thiện nguyện với nhóm tới nay, khó khăn trong quá trình làm thiện nguyện không ít, nhưng tôi chưa từng có ý định dừng lại. Mỗi lời cảm ơn, những nụ cười hay cái gật đầu chào của bà con tuy đơn giản nhưng chính là niềm vui, động lực để anh em tiếp tục cùng nhau giúp đỡ mọi người”, anh Phúc chia sẻ.


 

 

Theo Đào Nguyên (TP.HCM)

 

Có thể bạn quan tâm

Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao tại Chư Pưh

Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao tại Chư Pưh

(GLO)- Sáng 20-11, đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Võ Thị Bảo Ngân-Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh làm Trường đoàn đã giám sát 2 thôn, làng của xã Chư Don và làm việc với UBND huyện Chư Pưh về công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao.

Chuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

E-magazineChuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

(GLO)- Nằm ở cuối đường Bùi Dự (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), Trạm cứu hộ chó, mèo Gia Lai có diện tích khá rộng rãi. Đây là mái ấm của những chú chó, mèo bị bỏ rơi hay may mắn thoát ra từ lò mổ hoặc bị thương do xe tông được “biệt đội” cứu hộ đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng.

 Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

(GLO)- Thời gian qua, phường Thống Nhất (TP. Pleiku) đã tập trung phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, người dân đã chủ động phát triển sản xuất, chăn nuôi giúp tăng thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm dần qua các năm.

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

(GLO)- Nhìn những bằng khen, giấy khen treo trên tường nhà, ít ai ngờ rằng, ông Kpă Dõ-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) từng một thời chìm trong lầm lỗi. Nhờ được cảm hóa và giúp đỡ, ông đã mạnh mẽ “đứng dậy” làm lại cuộc đời.

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức ASIF tại Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã triển khai có hiệu quả Dự án “Giếng sạch trao buôn” giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch để sử dụng.

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

(GLO)- Ngày 12-11, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) cho huyện Krông Pa và huyện Chư Pưh thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG.