Thị trường phân bón ở Gia Lai: Thật giả khó lường

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT Gia Lai, toàn tỉnh có 771 cơ sở kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Trong 9 tháng năm 2022, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh đã phát hiện 124 trường hợp vi phạm trong kinh doanh phân bón.
Nhiều vụ vi phạm
Trong 9 tháng năm 2022, Cục QLTT tỉnh đã phát hiện 124 trường hợp vi phạm trong kinh doanh phân bón. Hành vi vi phạm chủ yếu là bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Lực lượng QLTT và cấp có thẩm quyền đã xử phạt các trường hợp này với tổng số tiền hơn 1,4 tỷ đồng, tịch thu 176 chai phân bón các loại; buộc thu hồi tái chế 11.350 kg phân bón NPK; đình chỉ hoạt động buôn bán phân bón 6 tháng đối với 11 cơ sở.
Trong số các cơ sở sai phạm, nhiều cơ sở có mức độ vi phạm nghiêm trọng, bị xử phạt với số tiền lớn. Ngày 19-4, Đội QLTT số 2 tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh Trần Văn Cường (Đại lý phân bón Cường Tương, thôn 1, xã Ia Ka, huyện Chư Păh). Kết quả thử nghiệm mẫu đối với lô phân bón NPK bổ sung trung vi lượng DTĐ NPK 21-6-6+3,5S+TE là sản phẩm của Công ty cổ phần Sản xuất và nhập khẩu Thành Hưng (địa chỉ 107F Trần Hưng Đạo, phường Hải Cảng, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) xác định chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Cục QLTT tỉnh đã chuyển hồ sơ trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh này về hành vi bán hàng hóa có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn tương ứng.
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra một cửa hàng kinh doanh phân bón. Ảnh: Vũ Thảo
Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra một cửa hàng kinh doanh phân bón. Ảnh: Vũ Thảo
Ngày 20-4, Đội QLTT số 2 tiếp tục kiểm tra hộ kinh doanh Nguyễn Ngọc Thanh (Đại lý phân bón Thành Lai, thôn Ia Lâm, thị trấn Ia Ly, huyện Chư Păh). Kết quả mẫu thử nghiệm đối với lô phân bón NPK bổ sung vi lượng NPK Âu Châu 22-5-4+TE của Công ty cổ phần Sinh học Thế Kỷ (địa chỉ tại phường Tân Hưng, Quận 7, TP. Hồ Chí Minh) cho thấy, chất lượng không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Cục QLTT tỉnh đã trình Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định xử phạt 290 triệu đồng đối với hộ kinh doanh này; đồng thời, buộc thu hồi tái chế 8.000 kg phân bón NPK bổ sung vi lượng NPK Âu Châu 22-5-4+TE.
Tiếp đến, ngày 21-4, Đội QLTT số 2 phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) tiến hành kiểm tra định kỳ đối với hộ kinh doanh Nguyễn Văn Tuấn (Đại lý phân bón Tuấn Cường, thôn Ngô Sơn, xã Chư Đang Ya, huyện Chư Păh) bán phân bón NPK Đầu Ngựa 17-9-19+9S của Công ty cổ phần Đầu tư Hưng Phú Thịnh. Toàn bộ số phân bón còn tồn tại Đại lý phân bón Tuấn Cường vào ngày 7-6-2022 đang bị tạm giữ tại Đội QLTT số 2 gồm 54 bao phân bón NPK Đầu Ngựa 17-9-19+9S loại 50 kg/bao là phân bón giả theo kết quả thử nghiệm của Viện Năng suất chất lượng DEMING. Xét thấy vụ việc có yếu tố hình sự, Đội QLTT số 2 đã tiến hành chuyển hồ sơ cho Công an tỉnh tiếp tục điều tra làm rõ.
Siết chặt kiểm tra, kiểm soát
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và PTNT, toàn tỉnh có 771 cơ sở kinh doanh phâ-n bón, thuốc bảo vệ thực vật. Ông Nguyễn Tiến Sỹ-Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Trong giai đoạn 2016-2021, đơn vị đã tiến hành 18 cuộc thanh tra vật tư nông nghiệp ở 589 cơ sở; đã xử lý 209 cơ sở vi phạm với tổng số tiền xử phạt là 788 triệu đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là: buôn bán phân bón không có quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam; buôn bán phân bón khi không có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh phân bón; buôn bán phân bón hết hạn sử dụng; buôn bán hàng hóa trên nhãn có chữ viết và các thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hóa; nhãn hàng hóa không ghi đầy đủ nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa… “Hiện nay, tình trạng phân bón giả, kém chất lượng, hết hạn sử dụng, vi phạm nhãn mác vẫn còn diễn ra; nhận thức của người dân về tiêu chuẩn, chất lượng các sản phẩm vật tư nông nghiệp còn hạn chế. Đặc biệt, thời gian qua, giá nông sản xuống thấp, nông dân ít đầu tư, một số cơ sở kinh doanh thua lỗ, ngừng hoạt động nên ngành chức năng không tiến hành thanh tra được theo đúng kế hoạch. Bên cạnh đó, một số cơ sở kinh doanh mang tính thời vụ, nhỏ lẻ, hoạt động không thường xuyên nên rất khó khăn trong thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật”-ông Sỹ cho hay.
Theo ông Đinh Văn Hà-Phó Cục trưởng Cục QLTT tỉnh: Thời gian tới, lực lượng QLTT sẽ tập trung kiểm tra nhóm hàng vật tư nông nghiệp, trong đó chú trọng kiểm tra việc cấp phép sản xuất, khảo nghiệm, cấp giấy chứng nhận hợp quy các loại phân bón vô cơ và hữu cơ, việc sản xuất kinh doanh các loại phân bón trên thị trường nhằm xử lý nghiêm các hành vi sản xuất kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng. Bên cạnh đó, kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh phân bón về niêm yết giá và bán theo giá niêm yết; điều kiện kinh doanh, hành vi kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng... góp phần bình ổn thị trường, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhất là bà con nông dân.
VŨ THẢO

Có thể bạn quan tâm

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Tọa đàm, ký kết tiêu thụ sản phẩm chanh dây

Tọa đàm, ký kết tiêu thụ sản phẩm chanh dây

(GLO)- Ngày 30-10, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Păh và UBND xã Nghĩa Hòa tổ chức tọa đàm liên kết tiêu thụ sản phẩm chanh dây trên địa bàn xã với sự tham gia của các hợp tác xã và 25 hộ trồng chanh dây trên địa bàn.

Kông Chro quảng bá nông sản thông qua hội chợ

Kông Chro quảng bá nông sản thông qua hội chợ

(GLO)- Từ đầu năm đến nay, huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) tổ chức thành công 4 hội chợ, phiên chợ và hội thi giới thiệu nông sản an toàn. Đây là dịp để các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp và người dân kết nối cung cầu, quảng bá sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Gạo Đài Thơm 8 Ia Lâu vươn ra thị trường

Gạo Đài Thơm 8 Ia Lâu vươn ra thị trường

(GLO)- Với quyết tâm đưa gạo Đài Thơm 8 đến với người tiêu dùng, chị Hà Thị Thuẩn-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) đã tích cực tuyên truyền, quảng bá và giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức.