Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân: Hiệu quả thiết thực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Với sự vào cuộc của hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, vận động triển khai bảo hiểm xã hội (BHXH) toàn dân, tỷ lệ tham gia BHXH tự nguyện, bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình tăng lên đáng kể. 
Trong Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân, ngành BHXH đã rà soát, phân loại chủ thể tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình để có nội dung, hình thức, phương pháp truyền thông phù hợp. Trên cơ sở rà soát, đánh giá, BHXH các huyện, thị xã đã phân loại chủ thể tham gia thành 3 nhóm. Nhóm 1 gồm người dân có thu nhập ổn định, có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, chủ trang trại; người nhận khoán đất, khoán rừng, khoán mặt nước; thợ thủ công, lao động trong các hợp tác xã, làng nghề truyền thống; người làm nghề tự do như buôn bán, kinh doanh cá thể, tiểu thương, chủ nhà trọ, bán hàng online, tài xế xe công nghệ; người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng lương; người hoạt động không chuyên trách ở thôn, làng, tổ dân phố… Nhóm 2 gồm hộ gia đình nông dân, hộ nông-lâm- ngư nghiệp có mức sống trung bình; người buôn bán nhỏ tại các khu chợ; lao động thuộc các hội, hiệp hội... Nhóm 3 là những người có hoàn cảnh khó khăn, thu nhập không ổn định, khó có điều kiện tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình (trừ nhóm được ngân sách nhà nước đóng).
Ông Y Nglưn-Trưởng thôn Nhă Prong (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã quyết định tham gia đóng BHXH tự nguyện sau khi dự hội nghị tư vấn, đối thoại chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Ảnh: Như Nguyện
Ông Y Nglưn-Trưởng thôn Nhă Prong (phường Thắng Lợi, TP. Pleiku) đã quyết định tham gia đóng BHXH tự nguyện sau khi dự hội nghị tư vấn, đối thoại chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Ảnh: Như Nguyện
Qua quá trình phân loại, BHXH tỉnh định hướng nội dung trọng tâm truyền thông phù hợp đến từng nhóm. Theo đó, BHXH tỉnh đã tổ chức hàng chục hội nghị tư vấn, đối thoại chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình và các cuộc tuyên truyền lưu động đến người dân, giúp mọi người hiểu rõ quyền lợi thiết thực khi tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình cũng như các chính sách hỗ trợ mức đóng BHXH tự nguyện của Nhà nước, BHYT hộ gia đình từ ngân sách nhà nước, ngân sách địa phương để tham gia.
Khi tham gia hội nghị tư vấn, đối thoại chính sách BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tổ chức tại phường Thắng Lợi (TP. Pleiku), ông Y Nglưn-Trưởng thôn Nhă Prong đã quyết định tham gia đóng BHXH tự nguyện. Ông chia sẻ: “Tôi tham gia BHYT được gần 20 năm, còn BHXH tự nguyện thì chưa. Được cán bộ tuyên truyền nên tôi nhận thấy việc tham gia BHXH tự nguyện là hết sức thiết thực. Sau này, mình sẽ được nhận lương hưu để có khoản tiền chi tiêu lúc tuổi già. Ngoài ra, khi tham gia BHXH tự nguyện mình còn được Nhà nước hỗ trợ mức đóng và nhiều quyền lợi thiết thực khác. Không chỉ tham gia BHXH tự nguyện, tôi sẽ vận động người thân, họ hàng và người dân trong làng tham gia”.
Ông Lê Tiến Mạnh (người đứng)- Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH tỉnh) thông tin về chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình đến người dân phường Thắng Lợi, TP. Pleiku. Ảnh: Như Nguyện
Ông Lê Tiến Mạnh (người đứng)- Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH tỉnh) thông tin về chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình đến người dân phường Thắng Lợi, TP. Pleiku. Ảnh: Như Nguyện
Ông Lê Tiến Mạnh-Trưởng phòng Truyền thông và Phát triển đối tượng (BHXH tỉnh) thông tin: Về chính sách BHYT thì hầu hết mọi người đã hiểu rõ quyền lợi khi tham gia. Trong khi đó, nhiều người vẫn chưa hiểu rõ về chính sách BHXH. Vì vậy, tại các hội nghị tư vấn, đối thoại, bên cạnh tuyên truyền chính sách BHYT hộ gia đình thì chúng tôi phổ biến các chính sách BHXH tự nguyện đến người dân. Theo quy định, người tham gia BHXH tự nguyện phải đủ từ 15 tuổi trở lên và không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng lương hưu hàng tháng khi về già; được cấp BHYT suốt thời gian hưởng chế độ hưu trí (quyền lợi hưởng đến 95% chi phí trong quy định); được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí khi tham gia (hỗ trợ mức đóng 30% đối với hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo và 10% cho các đối tượng khác). Ngoài ra, người tham gia BHXH tự nguyện còn được lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của bản thân. Đối với người đã có thời gian tham gia trên 10 năm mà đủ tuổi nghỉ hưu, có nguyện vọng thì đóng một lần để hưởng chế độ hưu trí. Nếu chẳng may người tham gia qua đời thì thân nhân được hưởng chế độ trợ cấp mai táng (10 lần lương cơ sở) và chế độ tuất.
Nhờ đẩy mạnh tuyên truyền dưới nhiều hình thức, nhất là trong đợt truyền thông cao điểm trong tháng 5 vừa qua, số người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình tăng đáng kể so với các tháng trước đó. Ông Lê Quốc Khánh-Phó Giám đốc BHXH tỉnh-cho biết: Trong tháng 5-2022, số người tham gia BHXH tăng 3.208 người, lũy kế tham gia BHXH là 140.005 người, chiếm 14,78% lực lượng lao động trong độ tuổi; trong đó có 123.537 người tham gia BHXH bắt buộc và 16.468 người tham gia BHXH tự nguyện. Số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng 797 người, lũy kế tham gia là 111.455 người, chiếm 11,76% lực lượng lao động trong độ tuổi. Số người tham gia BHYT toàn tỉnh tăng 17.795 người, lũy kế tham gia là 1.361.437 người, chiếm 85,52% dân số toàn tỉnh. Thời gian tới, ngành BHXH tỉnh tiếp tục tập trung triển khai các giải pháp phát triển số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp, đảm bảo linh hoạt, phù hợp với từng thời điểm, đặc thù của từng xã, phường, thị trấn, góp phần nâng cao tỷ lệ người tham gia đạt và vượt các chỉ tiêu đề ra trong năm.
NHƯ NGUYỆN

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

Xã Gào đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo

(GLO)- Bên cạnh phát huy hiệu quả các nguồn lực của Nhà nước, thời gian qua, xã Gào (TP. Pleiku) đã đẩy mạnh công tác truyền thông giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Qua đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, nâng cao thu nhập của người dân và giảm nghèo bền vững.