Thăm xã biên giới Ia Mơr

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Những ngày đầu xuân, từ TP. Pleiku, chúng tôi xuôi theo tỉnh lộ 665 đến xã biên giới Ia Mơr, huyện Chư Prông. Sau khi được cải tạo, nâng cấp, tỉnh lộ 665 trở nên rộng thoáng, phẳng phiu và tấp nập người qua lại.
Xã Ia Mơr có 595 hộ/2.577 khẩu với 9 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó, người Jrai chiếm 67,7%. Mỗi dân tộc có phong tục riêng, nhưng vài năm trở lại đây, cộng đồng các dân tộc anh em nơi đây đều cùng nhau đón Tết cổ truyền. Năm nay, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 nên người dân các làng đón Tết đơn giản, gọn nhẹ, không tổ chức ăn uống kéo dài, hạn chế đến thăm nhà nhau. Bà Siu Kéo (làng Krông) cho biết: “Người dân trong làng chấp hành nghiêm các biện pháp phòng dịch và nêu cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh ngăn chặn các loại tệ nạn và tội phạm, nhất là tình trạng xuất-nhập cảnh trái phép”.
Đầu xuân người dân trong xã phấn khởi xuống đồng làm cỏ cho lúa nước. Ảnh : Anh Huy
Đầu xuân, người dân xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) xuống đồng làm cỏ cho lúa nước. Ảnh : Anh Huy
Ngay sau những ngày Tết, người dân đã ra đồng, lên rẫy tiếp tục chăm sóc điều, mì, lúa. Đặc biệt, đây là năm đầu tiên 10 hộ dân thuộc 2 làng Klăh và Krông gieo trồng 8,25 ha lúa nước. Ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr-cho biết: Đây là mô hình điểm, là bước đệm giúp người dân trong xã nắm bắt kỹ thuật canh tác lúa nước 2 vụ để khi hệ thống kênh mương hoàn thiện, nước từ công trình thủy lợi Ia Mơr dẫn vào chân ruộng, bà con bắt tay ngay vào canh tác mà không bị bỡ ngỡ. Từng công đoạn, từ vệ sinh đồng ruộng, gia cố bờ bao, làm đất, bón lót, gieo sạ… đều được cán bộ xã trực tiếp xắn quần lội ruộng “cầm tay chỉ việc”. “Chúng tôi thường xuyên kiểm tra, theo dõi quá trình sinh trưởng của cây lúa, hướng dẫn người dân cách chăm sóc phù hợp với từng giai đoạn. Ngoài những hộ trực tiếp tham gia mô hình, chúng tôi cũng vận động người dân các làng học tập và ghi chép cẩn thận để sau này vận dụng”-Phó Chủ tịch UBND xã cho hay.
Người dân xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) đưa cơ giới vào sản xuất lúa nước. Ảnh: Anh Huy
Người dân xã Ia Mơr (huyện Chư Prông) đưa cơ giới vào sản xuất lúa nước. Ảnh: Anh Huy
Là 1 trong 10 hộ dân tham gia mô hình trồng lúa nước, ông Ksor Giới (làng Klăh) phấn khởi cho biết: Trước đây, người dân trong xã chỉ canh tác lúa vụ mùa. Do phụ thuộc vào nước trời nên năng suất không cao. Năm nay, nước hồ thủy lợi đã dẫn về một số tuyến kênh chính, cán bộ xã hướng dẫn người dân đưa nước vào đồng ruộng, ngâm ủ lúa giống và gieo sạ trước Tết. Hiện tại, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt. Gia đình thường xuyên thăm đồng, chăm sóc cẩn thận.
Cùng với việc vận động người dân tham quan, học hỏi mô hình sản xuất lúa Đông Xuân để sẵn sàng làm lúa nước 2 vụ khi thủy lợi Ia Mơr đưa vào khai thác, người dân cũng tích cực chăm sóc cây mì, cây điều. Ông Siu Chuyên-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Hnáp-cho hay: “Làng có 123 hộ dân, diện tích sản xuất 125 ha. Phần lớn người dân trồng điều, mì và lúa 1 vụ. Hiện đang là thời điểm cây điều ra hoa, đậu trái”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơr, không lâu nữa, khi các tuyến kênh dẫn nước vào ruộng, hơn 300 ha lúa nước 2 vụ và trên 1.000 ha cây trồng các loại sẽ cho năng suất, sản lượng vượt trội và cuộc sống người dân sẽ khởi sắc mạnh mẽ.
ANH HUY

Có thể bạn quan tâm

Bình yên làng Lơ Pơ

Bình yên làng Lơ Pơ

(GLO)- Nằm sâu giữa đại ngàn Trường Sơn, làng Lơ Pơ (xã Chư Krêy, huyện Kông Chro, tỉnh Gia Lai) vẫn còn giữ vẻ bình yên đến lạ. Để vào được làng, du khách phải men theo nhiều đoạn đường đất uốn lượn rồi vượt qua những con đường mòn vắt vẻo giữa đồi núi quanh co.

Cả nhà bị bệnh

Cả nhà bị bệnh

(GLO)- Gần 2 năm qua, ông Đặng Chí Thành (thôn 1, xã Ia Tôr, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) phải chạy vạy khắp nơi để có tiền chữa bệnh u ác tính cho vợ là bà Lê Thị Xuân Bích. Cuộc sống của gia đình càng trở nên túng quẫn khi 2 cha con ông Thành cũng bị bệnh.
Hội chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ya Hội: Cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm

Hội chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ya Hội: Cơ hội giới thiệu, quảng bá sản phẩm

(GLO)-

Ngày 25 và 26-4, tại sân vận động xã Ya Hội (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) diễn ra hội chợ-giao lưu văn hóa, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là cơ hội để người dân giới thiệu, quảng bá văn hóa và sản phẩm của địa phương.

Rác thải điện tử về đâu?

Rác thải điện tử về đâu?

(GLO)- Trong khi cả thế giới đang loay hoay với cuộc chiến chống rác thải nhựa, rác thải thời trang thì một mối nguy khác đang ập tới, đó là rác thải điện tử.
Chư Prông: Hơn 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

Chư Prông: Hơn 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

(GLO)- Phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” được các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Chư Prông chú trọng, phát động thường xuyên. Đến nay, huyện có trên 3.500 hộ nông dân đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi năm 2024.