Tăng phạt nguội, giảm CSGT làm nhiệm vụ trên đường

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Cục CSGT sẽ tiếp tục đầu tư hệ thống camera để "phạt nguội" nhằm giảm tối đa CSGT làm nhiệm vụ trên đường mà vẫn bảo đảm trật tự an toàn giao thông.



Ngày 9-12, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia, đã chủ trì hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự, ATGT giai đoạn 2016-2020 và Năm ATGT 2020.

Tăng ứng dụng công nghệ xử phạt vi phạm

Tại hội nghị, đại diện Bộ Công an khẳng định qua so sánh giai đoạn 2016-2020 với giai đoạn 2011-2015, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) giảm 42,71%, số người chết giảm hơn 19% và số người bị thương giảm 53,91%, trong khi điều kiện dân số, nhu cầu đi lại và phương tiện cơ giới tăng nhanh. Đặc biệt, năm 2020, số vụ TNGT giảm trên 18%, số người bị thương giảm gần 20%; lần đầu tiên số người chết do TNGT giảm xuống dưới 7.000 người. Đây là mức giảm sâu nhất trong vòng 10 năm qua.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Trung, Cục trưởng Cục CSGT, cho biết trong 5 năm, lực lượng CSGT đã xử lý hơn 20 triệu trường hợp vi phạm, phạt tiền trên 14.000 tỉ đồng. Theo ông Trung, lực lượng CSGT đã ứng dụng công nghệ để giám sát, phát hiện các hành vi vi phạm và phạt nguội vi phạm. Qua hệ thống giám sát trong 3 tháng qua, lực lượng chức năng đã phạt nguội trên 42.000 trường hợp.


 

Đội CSGT-TT quận 2 (TP HCM) đo nồng độ cồn tại vòng xoay Trần Não - Trần Thái Ảnh: Ý LINH
Đội CSGT-TT quận 2 (TP HCM) đo nồng độ cồn tại vòng xoay Trần Não - Trần Thái Ảnh: Ý LINH



"Cục CSGT sẽ tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống này trên toàn quốc, bao phủ các tuyến quốc lộ để hỗ trợ lực lượng chức năng áp dụng công nghệ vào xử lý vi phạm giao thông. Khi hoàn thiện toàn bộ hệ thống camera, chúng tôi đặt mục tiêu giảm tối đa cảnh sát làm nhiệm vụ trên đường mà vẫn bảo đảm giữ trật tự ATGT, xử lý vi phạm" - ông Trung nói.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể cho hay Nghị định 100/2019 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ - đường sắt và Nghị định 10/2020 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải đã hình thành khung pháp lý về quản lý vận tải và xử phạt vi phạm. Qua đó, tạo đột phá lớn trong bảo đảm ATGT, giảm TNGT. "Đây là bài học mà Bộ GTVT sẽ tiếp tục phát huy trong quá trình sửa Luật Giao thông đường bộ. Giải pháp này không tốn kém kinh phí mà phát huy hiệu quả cao trong bảo đảm ATGT" - ông Nguyễn Văn Thể phát biểu.

Bộ trưởng GTVT cũng cho hay trong 5 năm, Bộ GTVT cũng đã xử lý gần 1.200 điểm đen TNGT. Bộ GTVT sẽ ứng dụng cân điện tử hiện đại đủ điều kiện xử phạt nguội xe quá tải. Mô hình này sẽ áp dụng ở các cảng, mỏ vật liệu, đầu nguồn hàng, các tuyến trọng điểm có nhiều xe quá tải.

Điểm sáng về Nghị định 100

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình nhấn mạnh: "Việc triển khai Nghị định 100 là điểm sáng trong nhiệm kỳ này của Chính phủ. Nhiều người ví Nghị định 100 cũng hiệu quả như nghị định cấm đốt pháo trước đây, được sự đồng thuận ủng hộ trong nhân dân".

Đánh giá cao những kết quả đạt được như TNGT giảm cả 3 tiêu chí nhưng Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng tình hình trật tự, ATGT vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, số vụ, số người chết và bị thương vì TNGT vẫn còn ở mức cao; vẫn còn để xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe kinh doanh vận tải.

Từ năm 2016 đến nay, tình hình vi phạm tải trọng ôtô trên đường bộ vẫn còn diễn biến phức tạp trên địa bàn có nhiều mỏ vật liệu, cửa khẩu, cảng biển, bến sông. Tái diễn hiện tượng xe chở quá tải chạy qua nhiều tỉnh mà không bị phát hiện, xử lý; còn hiện tượng cơi nới thành, thùng xe. Tình trạng ùn tắc giao thông diễn biến rất phức tạp không chỉ tại TP Hà Nội, TP HCM.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh trong năm 2021 cần tập trung xây dựng dự án Luật Giao thông đường bộ sửa đổi; quy định về quản lý hoạt động vận tải nội bộ bằng ôtô; kinh doanh vận tải bằng ôtô, xe máy qua phần mềm. Bộ Công an, Bộ GTVT và các tỉnh, thành phố ưu tiên sử dụng nguồn kinh phí xử phạt để mua sắm, lắp đặt và kết nối hệ thống camera giám sát, hỗ trợ xử phạt vi phạm giao thông và bảo đảm an ninh trật tự; lập đề án kiểm soát tải trọng xe tự động trên đường bộ. Trong năm 2021, Bộ GTVT khẩn trương ứng dụng công nghệ để giám sát và tự động đánh giá, sát hạch để cấp giấy phép lái xe, lái tàu.

Theo BẢO TRÂN (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.