Quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm: Nhiều khó khăn, bất cập

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ thịt gia súc, gia cầm dự báo tăng cao. Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và ngăn chặn nguồn dịch bệnh lây lan, các cơ quan chuyên môn đã tăng cường công tác kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm. Tuy nhiên, công tác này hiện gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.
Toàn tỉnh hiện có 322 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm. Trong số đó, chỉ có 4 cơ sở giết mổ tập trung tại các huyện Đức Cơ, Ia Grai, Chư Sê và Krông Pa; còn lại là cơ sở giết mổ nhỏ lẻ. Tại TP. Pleiku hiện có khoảng 70 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhưng chỉ có 6 cơ sở được cấp các loại giấy tờ liên quan. Trong số này, chỉ có 3 cơ sở giết mổ gà và 1 cơ sở mổ dê được Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thành phố kiểm soát hoạt động giết mổ theo đúng quy định.
Bà Đặng Thị Tứ-Chủ cơ sở giết mổ gia cầm Tuân Cường (tổ 4, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) cho biết: Cơ sở hoạt động từ năm 2006 đến nay. Thời điểm đó, dịch cúm gia cầm bùng phát nên bà xây dựng cơ sở giết mổ với mục đích cung cấp sản phẩm gà sạch, an toàn dịch bệnh đến người tiêu dùng. Những năm trước, mỗi ngày, cơ sở giết mổ vài trăm con gia cầm nhưng nay chỉ còn khoảng 100-130 con/ngày, chủ yếu cung cấp cho những khách hàng quen. “Trong quá trình hoạt động, chúng tôi từng bước xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên, do người tiêu dùng có thói quen mua gia cầm sống bán tại các chợ nên số lượng tiêu thụ giảm dần. Số lượng tiêu thụ gia cầm giết mổ giảm nhưng cơ sở vẫn duy trì hoạt động hàng ngày để cung cấp nguồn thực phẩm sạch đến người tiêu dùng”-bà Tứ chia sẻ.
Ông Phạm Thế Vũ-cán bộ kỹ thuật Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku-cho hay: Trung tâm có 3 người làm công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm. Cứ khoảng 1-2 giờ sáng, anh em bắt đầu ra Trung tâm Thương mại Pleiku và các chợ Trà Bá, An Phú, Biển Hồ, Yên Thế, Phù Đổng để kiểm phẩm lăn dấu thịt. Công việc nhiều nhưng lực lượng mỏng nên mới chỉ kiểm soát được phần ngọn chứ chưa quản lý được tại gốc bởi không có lò giết mổ gia súc tập trung. Bên cạnh đó, hoạt động giết mổ thường diễn ra vào ban đêm nên khó kiểm soát. Nhiều tiểu thương không hợp tác trong kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm. “Nếu làm đúng thì kiểm tra từ lúc nhập gia súc, gia cầm vào lò đến giết mổ đưa ra thị trường tiêu thụ. Không những vậy, hiện nay, các lò giết mổ nhỏ lẻ do các xã, phường quản lý còn chuyên môn do lực lượng thú y quản lý nên quá trình thực hiện gặp không ít khó khăn”-ông Vũ nói.
Buôn bán thịt gia súc, gia cầm tại chợ Trà Bá, TP. Pleiku. Ảnh: Nguyễn Diệp
Buôn bán thịt gia súc tại chợ Trà Bá, TP. Pleiku. Ảnh: Nguyễn Diệp
Còn theo bà Nguyễn Thị Thùy Dung-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp TP. Pleiku: Hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm chủ yếu quy mô nhỏ lẻ nên chưa đảm bảo vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Nguyên nhân là do quy mô chăn nuôi còn nhỏ lẻ, phân tán, địa phương chưa có khu giết mổ tập trung. Đặc biệt, quy định cơ sở giết mổ nhỏ lẻ do xã, phường quản lý nên cơ quan thú y khó kiểm soát theo đúng quy định của Luật Thú y. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp, không phải cơ quan quản lý nhà nước nên việc xử lý vi phạm hành chính cũng như phối hợp trong kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ cũng gặp khó. Quy định bắt buộc về kiểm dịch vận chuyển động vật và sản phẩm động vật nội tỉnh đã bãi bỏ nên việc kiểm soát, truy xuất nguồn gốc sản phẩm động vật cũng gặp nhiều khó khăn.
Trao đổi với P.V, ông Đoàn Ngọc Có-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho biết: Hiện nay, công tác quản lý hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh còn nhiều khó khăn, bất cập do chưa có cơ sở giết mổ quy mô lớn để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cũng như an toàn dịch bệnh; chăn nuôi trang trại chưa gắn chặt với giết mổ tập trung… “Để đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh trong thời gian tới, Sở sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn và đề nghị các địa phương tăng cường kiểm soát hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, tập trung thu hút và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng các cơ sở giết mổ tập trung gắn với vùng chăn nuôi hàng hóa, xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh thú y và an toàn dịch bệnh; tổ chức sản xuất chăn nuôi theo hướng hiện đại gắn các chuỗi liên kết với doanh nghiệp, hiệp hội và hợp tác xã đảm bảo thu hút nhiều người tham gia”-Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.
NGUYỄN DIỆP

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.