Qatar xem xét lại vai trò trung gian hòa giải của mình trong xung đột Hamas- Israel

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Hãng tin Reuters ngày 18/4 cho biết, Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Qatar - ông Mohammed bin Abdulrahman Al Thani nói nước ông đang xem xét lại vai trò trung gian hòa giải tiến trình đàm phán ngừng bắn giữa Israel và Hamas.
Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Qatar Mohamed bin Abdulrahman al- Thani. Ảnh: AFP

Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Qatar Mohamed bin Abdulrahman al- Thani. Ảnh: AFP

Lý do của việc “xem xét lại” là bởi Qatar lo ngại những nỗ lực hoà giải của mình đang bị phá hoại bởi các chính trị gia muốn tìm cách ghi điểm. Thủ tướng Qatar cho hay có bên muốn “lạm dụng hòa giải này vì lợi ích chính trị hẹp hòi... đòi hỏi Qatar phải thực hiện đánh giá đầy đủ về vai trò này”.

Tuy nhiên, ông Al Thani không nêu đích danh chủ thể ông muốn nhắc đến.Thủ tướng Qatar cũng nhấn mạnh rằng vai trò trung gian hòa giải có giới hạn.

Trước đó ngày 16/4, ông Al Thani cho biết các cuộc đàm phán về thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza đang ở “giai đoạn nhạy cảm”.“Chúng tôi đang cố gắng hết sức có thể để giải quyết trở ngại này” - ông Al Thani cho hay nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Thủ tướng Qatar cũng lên án điều mà ông mô tả là chính sách “trừng phạt tập thể” của Israel ở Gaza và sự leo thang bạo lực mới nhất của Tel Aviv ở Bờ Tây.

Trong một diễn biến liên quan, Đại sứ quán Qatar tại Mỹ hôm 16/4 chỉ trích phát ngôn của Hạ nghị sĩ Dân chủ Mỹ Steny Hoyer khi ông này cho rằng Qatar phải có biện pháp răn đe Hamas “tiếp tục ngăn chặn tiến trình thả các con tin và thiết lập một lệnh ngừng bắn tạm thời”. Ông Hoyer cũng kêu gọi Mỹ “đánh giá lại” mối quan hệ với Qatar, theo Reuters.

Tiến trình đàm phán ngừng bắn ở Gaza do Qatar và Ai Cập làm trung gian đang diễn ra trong bối cảnh thảm họa nhân đạo ngày càng nghiêm trọng ở Gaza. Người Palestine tại đây đang thiếu lương thực, thuốc men và nhu yếu phẩm trầm trọng.

Các quan chức Qatar đã tham gia vào nhiều quá trình dàn xếp đàm phán ở Ukraine, Lebanon, Sudan, Iran, Afghanistan và Dải Gaza, bao gồm cả quá trình tiếp đón các lãnh đạo của nhóm Taliban và cánh chính trị của Phong trào Hồi giáo Hamas.

Giới quan sát tin Qatar tích cực đảm nhận vai trò này vì, là một quốc gia nhỏ bé nhưng giàu có nhờ sở hữu nguồn khí đốt hóa lỏng khổng lồ, nước này cần trở thành một phần không thể thiếu đối với cộng đồng quốc tế và được bảo vệ khỏi sự can thiệp không mong muốn từ các nước láng giềng lớn hơn như Arab Saudi và Các Tiểu vương quốc Ảrập thống nhất.

Qatar không tán thành việc Hamas thực hiện vụ đột kích đẫm máu vào lãnh thổ Israel ngày 7/10, nhưng tin trách nhiệm một phần thuộc về Israel vì quân đội Do Thái đã chiếm đóng các vùng lãnh thổ của người Palestine.

Doha đã đưa ra những thông điệp cứng rắn lên án Israel, cáo buộc vi phạm Công ước Geneva. Chính phủ Qatar cũng đề cập đến những gì họ coi là tiêu chuẩn kép của một số trong cộng đồng quốc tế.

Có thể bạn quan tâm