Dự hội nghị có đại diện lãnh đạo Sở Công thương, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Gia Lai, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Gia Lai và gần 100 doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu của 18 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Quang cảnh hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2024. Ảnh: Hà Duy |
Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại là sự kiện quan trọng, có ý nghĩa thiết thực, là cơ hội cho doanh nghiệp các tỉnh trong khu vực Tây Nguyên và các tỉnh, thành phố trong nước tham gia quảng bá, giới thiệu các thương hiệu sản phẩm hàng hóa có thế mạnh, có tiềm năng xuất khẩu, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, tăng cường hợp tác xúc tiến thương mại trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương bày tỏ: “Tôi rất vui mừng và cảm kích trước sự hiện diện của rất đông các tỉnh thành trên cả nước tại hội nghị, không chỉ các tỉnh khu vực Tây Nguyên mà còn có các tỉnh, thành thuộc khu vực miền Trung, phía Nam và cả phía Bắc. Tôi tin tưởng rằng với những điều kiện thuận lợi, tiềm năng lợi thế của mỗi địa phương; với sự nỗ lực của các cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị làm công tác xúc tiến thương mại, các hiệp hội, các doanh nghiệp sẽ thúc đẩy mối quan hệ hợp tác, liên kết, phát triển, xuất khẩu giữa các doanh nghiệp nhà cung cấp, nhà phân phối và các tổ chức xúc tiến thương mại khu vực Tây Nguyên, các tỉnh thành và chắc chắn rằng sẽ mang lại nhiều kết quả tốt đẹp hơn trong thời gian tới”.
Bà Đào Thị Thu Nguyệt-Phó Giám đốc Sở Công thương Gia Lai phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: Hà Duy |
Riêng Gia Lai, thời gian qua, hoạt động xuất khẩu của tỉnh liên tục tăng trưởng về quy mô, sản phẩm xuất khẩu ngày càng được nâng cao cả về chất và lượng đến 40 quốc gia, đáp ứng được yêu cầu chất lượng cao đối với thị trường quốc tế: Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... Đồng thời, Gia Lai hiện nay đã có hơn 300 sản phẩm OCOP mang đặc trưng vùng miền tiêu biểu của tỉnh, chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại, có khả năng xuất khẩu như: cà phê, hồ tiêu, mật ong, hạt mắc ca, hạt điều, tổ yến, chè xanh...
Tại hội nghị, các đại biểu tham dự đã xem video giới thiệu tiềm năng, thế mạnh, các sản phẩm đặc trưng của các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên. Một số tham luận với các nội dung về giải pháp xây dựng sản phẩm đặc trưng chất lượng cao, giải pháp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, kinh nghiệm về thực hiện các thủ tục pháp lý mà doanh nghiệp cần thực hiện để xuất khẩu sản phẩm... cũng được đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Lâm Đồng; Hiệp Hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Gia Lai trình bày tại hội nghị.
Đã có 35 biên bản ghi nhớ, ký kết hợp tác kinh doanh giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2024. Ảnh: H.D |
Ngoài ra, một số doanh nghiệp cũng có ý kiến chia sẻ những khó khăn, vướng mắc mà doanh nghiệp đang gặp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, mong được các sở, ngành, các tổ chức có liên quan hỗ trợ tháo gỡ.
Trong khuôn khổ hội nghị, có 35 biên bản ghi nhớ, ký kết hợp tác kinh doanh giữa nhà cung cấp khu vực Tây Nguyên với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại năm 2024.
Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam và các Trung tâm Xúc tiến Thương mại khu vực phía Bắc đã ký kết hợp tác bảo trợ thông tin cho các doanh nghiệp. Ảnh: Hà Duy |
Đồng thời, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh phía Bắc có thêm thông tin, kết nối, liên kết mở rộng hợp tác kinh doanh với các doanh nghiệp thành viên thuộc Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam khu vực Tây Nguyên, Hiệp hội Trang trại và Doanh nghiệp Nông nghiệp Việt Nam và các Trung tâm Xúc tiến Thương mại khu vực phía Bắc đã ký kết hợp tác bảo trợ thông tin cho các doanh nghiệp.