Quảng bá sản phẩm qua hội chợ, lễ hội
Vừa qua, cơ sở sản xuất trà Nam Phúc (huyện Chư Prông) đã tham gia Hội chợ công thương khu vực Tây Bắc-Điện Biên năm 2024 và Hội chợ OCOP tại tỉnh Nghệ An. Chị Phạm Thị Bình-Chủ cơ sở sản xuất trà Nam Phúc-chia sẻ: “Hàng năm, cơ sở thường tham gia khoảng 20-25 chương trình XTTM tại các tỉnh, thành phố trên cả nước, mỗi chuyến đi kéo dài 3-7 ngày. Việc tham gia các chương trình này giúp cơ sở tìm hiểu nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng ở từng thị trường để hoàn thiện sản phẩm của mình”. Cũng theo chị Bình, khi tham gia Hội chợ OCOP tại tỉnh Nghệ An, cơ sở đã kết nối với 2 khách sỉ tiêu thụ trà mãng cầu và trái cây tươi. Đây là tiền đề để cơ sở mở rộng thị trường trong thời gian tới.
Gian hàng của Gia Lai tại Hội chợ công thương khu vực Tây Bắc-Điện Biên năm 2024 (ảnh đơn vị cung cấp). |
Tương tự, để đưa sản phẩm của địa phương ngày một vươn xa, Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai (huyện Chư Pưh) thường xuyên tham gia chương trình hội chợ triển lãm tại các tỉnh, thành phố lớn. Ông Võ Thành Tuân-Giám đốc Công ty-cho hay: Công ty vừa được Sở Công thương tạo điều kiện tham gia Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc-Hà Nội năm 2024. Tại hội chợ, Công ty trưng bày các sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh là cốt gừng mật ong AGILA, atiso đỏ mật ong AGILA, tinh bột nghệ đỏ, viên tinh nghệ AGILA… Ngoài trưng bày, Công ty còn tổ chức các hoạt động để tăng trải nghiệm cho người tiêu dùng. Công ty kỳ vọng qua hội chợ này sẽ tiếp cận với nhiều đối tác, tạo sự kết nối trong tiêu thụ sản phẩm OCOP của Gia Lai đến với các tỉnh, thành trong cả nước. “Cuối tháng 5 này, Công ty được Sở Nông nghiệp và PTNT kết nối tham gia lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP. Hồ Chí Minh năm 2024. Lễ hội này kỳ vọng sẽ tạo môi trường XTTM và đầu tư cho các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp của Gia Lai”-ông Tuân thông tin.
Theo các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh, hiện nay, bên cạnh việc đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho nông sản, sản phẩm đặc sản, đặc trưng thì việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra thị trường đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, hoạt động XTTM truyền thống thông qua các hội chợ, triển lãm trực tiếp… sẽ tạo tiền đề kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp sau chế biến.
Cơ hội kết nối tiêu thụ sản phẩm
Gia Lai hiện có 41 sản phẩm OCOP 4 sao và 264 sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh còn trong hạn sử dụng nhãn hiệu OCOP của 161 chủ thể (30 doanh nghiệp, 40 hợp tác xã, 91 cơ sở sản xuất kinh doanh). Cùng với đó, tỉnh cũng có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, cùng nhiều mặt hàng đặc sản, đặc trưng có chất lượng tốt được người tiêu dùng đánh giá cao. Đây là tiềm năng để phát triển sản phẩm ra thị trường.
Theo bà Nguyễn Thị Bích Thu-Giám đốc Trung tâm Khuyến công và XTTM (Sở Công thương): Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã hỗ trợ nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất kinh doanh tham gia các chương trình hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước. Tại chương trình “Triển lãm TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành hữu nghị tại Savannakhet lần thứ 4” diễn ra hồi đầu tháng 4-2024, Gia Lai trưng bày chủ yếu là hàng nông sản chế biến như: cà phê, hồ tiêu, mật ong, hạt điều, chanh dây, mắc ca, các sản phẩm thảo mộc… Đây là sự kiện XTTM quan trọng với mục tiêu quảng bá hình ảnh quốc gia và thương hiệu Việt, tăng cường phát triển sản phẩm chủ lực có thế mạnh của các địa phương, giới thiệu quảng bá đến nước bạn Lào.
Việc tham gia các chương trình hội chợ sẽ giúp các hợp tác xã, cơ sở sản xuất nhỏ có cơ hội tìm kiếm và mở rộng thị trường (ảnh đơn vị cung cấp). |
“Gần đây nhất, vào cuối tháng 4, Hội chợ công thương khu vực Tây Bắc-Điện Biên năm 2024 cũng là sự kiện XTTM nổi bật nhằm giới thiệu và quảng bá các sản phẩm truyền thống, giàu tính cạnh tranh của vùng. Hội chợ có quy mô 300 gian hàng, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất của 40 tỉnh, thành trên cả nước tham gia. Gia Lai có một số đơn vị tham gia với các sản phẩm OCOP 3-4 sao như: bò khô, mật ong, cà phê, hồ tiêu, hạt điều, trà thảo mộc và một số sản phẩm đặc trưng tiêu biểu của tỉnh. Đây là dịp để các doanh nghiệp, hợp tác xã và địa phương trưng bày, quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm. Cùng với đó, các đơn vị được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh, liên kết, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu”-bà Thu cho hay.