Krông Pa: Kết nghĩa để hỗ trợ buôn làng phát triển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với tổ dân phố, buôn làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) được kỳ vọng giúp người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, từng bước nâng cao đời sống, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác kết nghĩa giữa các cơ quan, đơn vị với thôn, làng đồng bào DTTS và Kế hoạch số 139-KH/HU ngày 15-5-2024 của Ban Thường vụ Huyện ủy Krông Pa, UBND huyện đã phân công 51 cơ quan, đơn vị tổ chức kết nghĩa với 13 tổ dân phố, buôn làng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện.

Đến nay, các cơ quan, đơn vị đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn và các tổ dân phố, buôn làng đồng bào DTTS tiến hành khảo sát, thống nhất nội dung và tổ chức lễ kết nghĩa. Trong đó, các cơ quan, đơn vị phân công cán bộ bám nắm địa bàn, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân để có hướng giúp đỡ hiệu quả.

Các đơn vị kết nghĩa tặng quà hộ nghèo buôn Chư Ung. Ảnh: L.N

Các đơn vị kết nghĩa tặng quà hộ nghèo buôn Chư Ung. Ảnh: L.N

Mới đây, 4 đơn vị gồm: Phòng Kinh tế-Hạ tầng, Văn phòng Đăng ký đất đai-Chi nhánh huyện, Chi cục Thống kê huyện, Đội Xây dựng giao thông và Dịch vụ đô thị đã tiến hành kết nghĩa với buôn Chư Ung, xã Chư Ngọc.

Ông Ksor Bao-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Chư Ung-cho biết: Buôn có 204 hộ với 915 khẩu, hộ DTTS chiếm 92,6%. Buôn hiện còn 24 hộ nghèo (chiếm 11,76%) và 41 hộ cận nghèo (chiếm 20,09%). Người dân chủ yếu dựa vào cây mì, bắp, lúa rẫy, lúa nước và chăn nuôi dê, bò. Do phụ thuộc vào tự nhiên nên năng suất cây trồng đạt thấp.

“Qua công tác kết nghĩa, người dân buôn Chư Ung mong muốn được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, tiếp cận các giống cây trồng chất lượng, năng suất cao, phù hợp để đưa vào gieo trồng. Bên cạnh đó, chúng tôi mong các đơn vị hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 12 hộ có hoàn cảnh khó khăn; giới thiệu việc làm, đào tạo nghề cho người dân; hỗ trợ các thiết bị như bàn ghế, âm thanh phục vụ cho nhà sinh hoạt cộng đồng để đảm bảo công tác tổ chức các ngày hội, cuộc họp, sinh hoạt của buôn”-ông Ksor Bao đề nghị.

Ông Trần Văn Lương-Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng, đơn vị được phân làm Tổ trưởng của 4 cơ quan kết nghĩa với buôn Chư Ung-cho hay: Sau khi tổ chức kết nghĩa, các đơn vị phân công cán bộ bám địa bàn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; rà soát, nắm số liệu cụ thể các hộ DTTS có hoàn cảnh khó khăn để có kế hoạch giúp đỡ, phấn đấu mỗi năm giúp 1-2 hộ vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, các đơn vị sẽ tuyên truyền, vận động người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất và chi tiêu hợp lý; đồng thời, xây dựng điểm một số mô hình sản xuất để người dân học tập và làm theo.

Ngoài ra, các đơn vị sẽ hỗ trợ người dân giống cây trồng, vật nuôi phù hợp với tình hình địa phương; tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, không lấn chiếm đất lâm nghiệp, phá rừng hoặc mua bán, sang nhượng đất sản xuất được cấp; ngăn chặn các hành vi lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc gây mất an ninh chính trị, trật tự xã hội.

Tương tự, ngày 27-7 vừa qua, 4 cơ quan gồm: Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Bưu điện huyện, Hội Cựu chiến binh huyện và Hội Nông dân huyện đã tổ chức lễ kết nghĩa với buôn Tơ Nia, xã Chư Gu.

Ông Lê Thanh Tùng-Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, đơn vị làm Tổ trưởng của 4 cơ quan kết nghĩa-cho hay: Các cơ quan sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, giúp đỡ các hộ nghèo; phấn đấu mỗi năm lựa chọn 1-2 hộ để hỗ trợ vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đồng thời, tranh thủ nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ buôn Tơ Nia; vận động người dân thực hiện tốt quy ước, hương ước, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư, tăng cường đoàn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống.

Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Bưu điện huyện, Hội Cựu chiến binh huyện, Hội Nông dân huyện kết nghĩa với buôn Tơ Nia, xã Chư Gu. Ảnh: L.N

Ban Tuyên giáo Huyện ủy, Bưu điện huyện, Hội Cựu chiến binh huyện, Hội Nông dân huyện kết nghĩa với buôn Tơ Nia, xã Chư Gu. Ảnh: L.N

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Tiến Đãng-Phó Chủ tịch UBND huyện-cho biết: Huyện xác định việc phân công các cơ quan, đơn vị kết nghĩa với các tổ dân phố, buôn làng đồng bào DTTS nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ đoàn kết gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân.

Thông qua hoạt động kết nghĩa, các cơ quan, đơn vị vận động người dân tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Đặc biệt, các cơ quan, đơn vị tập trung giúp đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Đây là nhiệm vụ cấp bách và lâu dài nên các cơ quan, đơn vị cần thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân; hàng năm có đánh giá tổng kết để làm rõ những mặt chưa đạt, từ đó có kế hoạch tổ chức thực hiện tốt hơn”-Phó Chủ tịch UBND huyện thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”

Ấm áp “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”

(GLO)- Những ngày cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, nhiều tổ chức Công đoàn và doanh nghiệp tỉnh Gia Lai đã tổ chức “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng”. Đây là dịp để công nhân, người lao động và lãnh đạo doanh nghiệp ngồi lại với nhau trong bầu không khí chia sẻ, ấm áp tình đoàn kết.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng 50 suất quà Tết cho đoàn viên, công nhân khó khăn

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai tặng 50 suất quà Tết cho đoàn viên, công nhân khó khăn

(GLO)- Tối 16-1, tại xã Đak Yă (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần chăn nuôi bò thịt-bò sữa Cao Nguyên tổ chức “Bữa cơm Công đoàn-Mừng Xuân ơn Đảng” và trao quà Tết của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho đoàn viên, công nhân có hoàn cảnh khó khăn.