Ngóng mẹ đi chợ về

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngóng mẹ đi chợ về luôn là cả một niềm yêu thích với tuổi thơ của chị em chúng tôi. Mỗi lần mẹ đi chợ là chị em mau mải chạy ra cổng hoặc tận đầu ngõ, trốn dưới một bóng cây nào đó và mắt thì cứ liên tục ngóng ra phía mẹ đi về.

Thường trước khi đi chợ là mẹ phải dặn các con ở nhà chơi với nhau thật ngoan, khi về mẹ sẽ mua quà. Cái từ ngoan mọi ngày chẳng phát huy tác dụng mấy với đám trẻ hay so đo, chành chọe nhau. Nhưng vào cái hôm mẹ đi chợ thì chị em tự khắc biết bảo ban nhau.

Sau khi khuất bóng mẹ ở cuối dốc, mấy chị em lút cút kéo nhau chạy về nhà. Giờ thì chị Hai đã đầy đủ uy quyền để chia việc cho từng đứa em, đứa quét nhà, đứa nhóm bếp, đứa hái rau, còn chị giặt đồ với thằng út ngồi kế bên nghịch nước.

Ảnh minh họa, nguồn internet

Ảnh minh họa, nguồn internet

Mọi khi đứa quét nhà thường chểnh mảng, quét dăm ba nhát chổi đã bảo xong rồi chạy đi chơi nhưng nay cũng chăm chỉ hơn. Đứa nhóm lửa thì cẩn thận hơn vì củi lửa mà, dễ cháy lan. Nhất là cái bếp ngày nhỏ làm tạm bằng tranh tre, gỗ nứa, có gì làm nấy, miễn có cái chỗ để nấu ăn là được. Chưa kể là trong bếp luôn phải chất đầy củi; củi khô thì để tránh xa bếp lửa một chút, còn củi tươi thì cứ dựng để hong xung quanh bếp, không để ý là rất dễ bén lửa cháy hết. Thế nên, việc bếp núc vẫn phải chọn đứa cẩn thận, với lại chị Hai giặt xong đồ là vào phụ nấu ăn.

Lúc chị Hai vào bếp nấu ăn thì hai đứa phơi đồ, một đứa phụ bếp để chị sai vặt. Làm nhanh nhanh chóng chóng và nhịp nhàng để trước khi mẹ đi chợ về là nhà cửa đã tươm tất, mọi công việc cũng đâu vào đấy hết cả. Đến khi nhận được cái gật đầu của chị Hai thì tất cả mới được ù té chạy lên gốc cây to đầu đường để đợi mẹ đi chợ về.

Cái dáng của các bà mẹ trong xóm thì lũ trẻ đều đã thuộc lòng nên chẳng bao giờ nhận nhầm người. Có điều, trong xóm có mẹ và cô Tiễu dáng hao hao giống nhau. Cô Tiễu có dáng người cao cao, dong dỏng, đến cả chiếc nón lá và mái tóc dài đều giống mẹ. Nhưng mẹ thì không biết đi xe nên luôn đi bộ, còn cô Tiễu biết đi xe đạp và có cái làn bằng nhựa thường treo một bên xe.

Mỗi lần đi chợ là mẹ thường mua đồ ăn cho nhiều ngày; cộng với việc nhà đông con nên lần nào đi chợ, chiếc túi của mẹ cũng nặng trĩu. Nếu gặp người quen đi xe đạp cùng đường thì mẹ nhờ được họ một đoạn. Còn không thì mẹ cứ thế xách cái túi căng phồng, nặng trĩu đi bộ cả đoạn đường xa để về nhà.

Đám con đợi sẵn từ trên dốc, nơi có bóng cây mát rượi. Hễ thấy bóng mẹ là vui mừng hét lên rồi cứ thế mà chạy ùa đến bên mẹ. Mỗi đứa một tay, xúm vào giúp mẹ. Hai đứa xách hai bên cái giỏ, vừa đi vừa ngó xem mẹ mua những gì, có bánh quà cho mấy chị em không. Mẹ biết vậy, chỉ cười vui.

Về đến nhà, chị Hai vội chạy vào lấy cho mẹ ly nước chè xanh đã được rót sẵn để nguội, mặc cho các em lục tìm quà bánh. Lần nào cũng vậy, mẹ luôn để dành khúc mía, cái bánh đa, miếng đường đen hay vài chiếc kẹo cau cứng rắc gói trong tờ giấy nâu sạch sẽ để gọn một góc trong cái làn. Lấy được quà rồi thì chúng tôi chẳng đứa nào để ý đến việc soạn rau củ, đồ ăn giúp mẹ nữa mà cứ hau háu nhìn phần quà đợi mẹ rửa tay rồi chia; chỉ có chị Hai vẫn bận rộn giúp mẹ.

Đến lúc mẹ chia quà xong thì chị Hai mới ngừng tay nhận quà. Thằng út tham ăn nên vèo cái đã ăn hết phần của mình và lại mè nheo đòi thêm phần của chị. Chị Hai bao giờ cũng có tính nhường nhịn các em nên sẵn sàng để cho út cấu véo phần quà ít xỉn của mình.

Những phần quà bánh của tuổi thơ mà chúng tôi được ăn đều chẳng thể so sánh được với thức quà từ những buổi đợi mẹ đi chợ về. Vì những khi ấy đâu chỉ là chút quà bánh nhỏ, mà còn là sự chờ mong, đón đợi và yêu thương vô bờ bến của những đứa trẻ dành cho mẹ. Còn mẹ thì chỉ cần thấy những cái bóng nhỏ lũn cũn chạy ra đón mình là bao mệt nhọc cũng đã tan biến trong những ríu ran, vui vẻ của đàn con.

Có thể bạn quan tâm

Dốc xưa

Dốc xưa

(GLO)- Nhìn từ trên cao xuống, bạn sẽ thấy đèo dốc như những dải lụa mềm mại. Ấy vậy mà khi đặt chân đến đó, bạn sẽ thấy nó như một thách thức lớn khiến ta phải ngẫm nghĩ thật nhiều. Nhưng, không phải lúc nào chênh vênh cũng làm ta ngã mà lại bồi đắp nên nghị lực và ý chí vượt khó.

Ra Bắc, vào Nam

Ra Bắc, vào Nam

(GLO)- Hơn nửa đời người, tôi loay hoay đi về giữa 2 miền Nam-Bắc. Miền Bắc là quê hương, là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Còn miền Nam là nơi tôi học tập và trưởng thành.

Ảnh minh họa: Phùng Tuấn Ngọc

Mùi Tết

(GLO)- Có một ngày, tôi bỗng ngồi nhớ nhung mùi Tết, để rồi tự hỏi mùi của Tết là gì? Phải chăng đó là mùi của nồi bánh chưng đang sôi lục bục ở góc sân đêm 29 Tết hay là mùi thơm nồng của dưa hành dưa kiệu mới ngấu?

“Mùa đi cùng tháng năm”

“Mùa đi cùng tháng năm”

(GLO)- Rồi thời gian cũng sớm vẫy mùa xuân trở lại. Tôi đoán thế khi đang đứng ở hành lang một dãy phòng học nhìn ra buổi sáng mà mọi vật như còn bỡ ngỡ với “cơn nắng se ngang trời đông”. Như thể ngày hôm qua và cả hôm kia nữa, chưa hề gió lạnh.

Hoa rù rì bên dòng Pô Cô

Hoa rù rì bên dòng Pô Cô

(GLO)- Dòng Pô Cô huyền thoại uốn lượn qua miền biên giới Ia Grai trước khi chảy qua Campuchia hợp lưu với sông Mê Kông. Mỗi độ cuối đông đầu xuân, ven bờ sông và trên cồn bãi xuất hiện một loài hoa rất đẹp, người Jrai gọi là bra tang hay còn gọi là hoa rù rì.

Công nhân Công ty 74 vận hành máy băm trộn cỏ làm thức ăn cho bò. Ảnh: T.S

Tình ca du mục miền Ia Kla

“Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời/Cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát đồng”. Giai điệu ca khúc lãng mạn của những năm tuổi trẻ cứ nhẹ nhàng lẩn quất trong tâm trí khi tôi đến thăm trại bò siêu thịt của Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) trên địa bàn xã Ia Kla, huyện Đức Cơ.

Cầu Bến Mộng. Ảnh: Phạm Quý

Bên kia bờ sông Ba

(GLO)- Nhà tôi ở bên hữu ngạn sông Ba, nơi phố thị tấp nập, náo nhiệt. Ở nơi đông vui, thuận tiện cho sinh hoạt, nhưng đôi khi tôi lại cảm thấy ngột ngạt, tù túng bởi sự chật chội, ồn ào.

Đèo An Khê. Ảnh: Phan Nguyên

Bâng khuâng chiều An Khê

(GLO)- Tôi trở lại An Khê vào một chiều mưa. Cơn mưa không ồn ào mà rơi êm vào ký ức, đánh thức một miền nhớ xa xôi, thuở nơi đây còn là một thị trấn nhỏ bình lặng nằm ven quốc lộ 19.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Mùa về trên lưng áo mẹ

(GLO)- Từ khi còn nhỏ, tôi đã có thói quen dậy sớm. Mỗi khi tiếng mấy con gà ở chái bếp cất lên, tiếng đòn gánh dựng ở góc nhà sơ ý va vào liếp cửa, tôi lại nghe tiếng ho cố nén của mẹ. Lại thấy thương mẹ nhiều hơn.

Ảnh minh họa: Phạm Quý

Mùa lá rụng

(GLO)- Phố nhỏ của tôi đã vào mùa cây trút lá. Lang thang dọc con đường quen, tôi nhận ra bên hè phố, từng đám lá khô buông dày. Muôn vàn chiếc lá nương theo gió sà xuống những ô gạch cũ, la đà trên mái ngói hiên bàng bạc gam màu trầm. Tôi ngồi trong một góc phố, miên man nghĩ về triền xanh hoa cỏ.

Minh họa: H.T

Ký ức chợ quê

(GLO)- Khi tiếng gà gáy vang lên trên mái nhà, mẹ tôi vội trở dậy chuẩn bị ra chợ. Không chỉ riêng mẹ tôi, việc đi chợ lúc sáng sớm đã trở thành nếp quen của nhiều người dân quê.

Bước ra ngày mới

Bước ra ngày mới

(GLO)- Lúc còn đi học, mỗi buổi sớm mai, tôi thường nghe thấy tiếng bánh xe lăn trên đường rồi sau đó mới là tiếng những cánh cổng sắt được mở ra, tiếng người đi thể dục lao xao.

Ảnh minh họa: Minh Lê

Mây giăng mắt núi

(GLO)- Qua ngày lập đông, còn bao nhiêu heo may gió cũng mang về theo mùa hun hút. Trên đầu dốc, cây bằng lăng núi lá đã chuyển thành màu đỏ sậm như những nốt son ấm áp giữa bao la xanh. Và mây ở đây, bốn mùa cứ lờn vờn khắp các triền đồi.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Vườn bắp của ba

(GLO)- Nhiều năm ở phố nhưng tôi đã quen với đất đồng, quen với sự bình yên làng mạc. Bởi vậy, hễ có dịp là tôi tranh thủ về quê, chẳng nhất thiết là phải cuối tuần.