Na là con gái của chị Bảy, học cùng lớp với con gái tôi. Mẹ đi làm thuê, Na buổi sáng đi học, buổi chiều xin vào các vườn cà phê đã thu hoạch để mót những quả còn sót lại. Các bạn trong lớp thông tin những vườn cà nhà vừa thu hoạch xong để Na mau chân đến mót.
Câu hỏi của con gái làm tôi nhớ lại những ngày đã qua của gia đình mình, cách nay chừng 30 năm. Ngày ấy, đến mùa thu hoạch cà phê là nhà tôi rậm rịch cả đêm. Người lớn vội vàng lo chuyện thu hoạch của người lớn, còn mấy chị em tôi trứng gà trứng ngỗng thì tranh cãi ỏm tỏi để phân chia thời gian, công việc và cả “địa bàn” mót cà. Cuối tuần được nghỉ học, tha hồ từ sáng sớm đến tối mịt đi mót cà mà không phải mắt trước mắt sau lo chạy về kẻo trễ học.
Chúng tôi đứa nào cũng ham mót cà phê. Đơn giản chỉ vì tiền mót cà bán được, mẹ cha cho làm của riêng, được tự do mua sắm theo ý thích của mình. Chị Hai mải mê làm đẹp thích mua kẹp cài, cậu út mơ làm họa sĩ có bao nhiêu tiền chỉ để mua bút chì màu, còn tôi nhặt mót từng hạt cà cũng chỉ mong có tiền mua chiếc áo khoác có mũ trùm đầu phía sau.
Đó chưa phải là đỉnh điểm của những cuộc tranh cãi ồn ào vì cái nơi mà bất cứ đứa trẻ nào trong khu tập thể cũng muốn đến để mót là vườn cà phê nhà ông Hùng. Cũng bởi, nhà ông có một vườn cà phê quả trĩu cành. Một mình ông hái không kịp nên chín rụng nhiều. Mấy con chồn cũng khôn ăn, chọn những trái chín mọng ăn xong rải đầy xung quanh, thỉnh thoảng lại gặp được những ụ cà phê như thể ai hái rồi đổ ra đấy cho bọn trẻ nhìn thấy, chỉ việc hốt lấy hốt để mang về.
Vậy nên, một buổi mót cà vườn ông Hùng bằng cả tuần đi mót vườn cà nhà khác. Vườn cà nhà ông vừa lấp ló sắc đỏ, lũ trẻ trong khu tập thể đã nghĩ trăm phương ngàn kế để được vào vườn.
Trong khi lũ trẻ khu tập thể đứa canh me, đứa mắt trước mắt sau vạch hàng rào tìm cách chui vào thì chị em chúng tôi chỉ dám đứng chờ cho đến khi ông xuất hiện thì lí nha lí nhí xin vào. Rồi lần nào cũng vậy, khi đến chỗ chúng tôi mót cà, ông cũng rầm rì hỏi chuyện ở trường lớp và khuyên chúng tôi chăm chỉ học hành, chịu khó đọc sách để có nhiều kiến thức, sau này không phải mót cà nữa.
Sau này, cha tôi cho biết: Vườn cà phê của ông Hùng chẳng phải thần kỳ gì mà khi quả rụng xuống lại lăn vào gom dồn thành đống.
Là chính ông Hùng đã hái cà rồi rải gốc cây, ngay cái nơi lũ trẻ chúng tôi dễ dàng nhìn thấy nhất để rồi đứa nào cũng vỡ òa niềm vui, hôm nay mình mót được nhiều. “Sao ông Hùng lại rắc rối vậy làm chi? Thì cứ đưa luôn cho tụi con có phải hơn không?”. Tôi cắc cớ hỏi cha. Cha hỏi ngược lại tôi: Người ta cho và tự tay mình làm ra, cái nào khiến con vui vẻ tự hào hơn? Tay mình làm ra là phải hơn rồi, còn nhận của ai bất cứ thứ gì dù là nhỏ nhất vẫn canh cánh trong lòng mắc nợ mang ơn.
Mùa thu hoạch cà phê cũng là lúc báo hiệu cho mọi người biết Tết đang đến rất gần, mùa xuân đang cận kề ngoài ô cửa. Mọi thứ như đang chạy đua cùng thời gian và dù vội vàng thế nào gia đình tôi cũng học ông Hùng, chừa vài ba cây hái còn sót quả nhiều, để những trẻ nghèo có thêm niềm vui ngày Tết.