Thị trấn mùa đông

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

“Đi về giáo đường, ngày chủ nhật buồn, còn ai còn ai…” - giọng hát ngân lên giữa cơn mưa chiều lất phất.

Cũng may, giữa ngồn ngộn thể loại âm nhạc, vẫn có một quán cà phê nép mình bên hông giáo đường, chuyên mở dòng nhạc Trịnh mà Kha thích.

Người ta nói như một lẽ tự nhiên, con người sẽ hút năng lượng cùng tần sóng. Vì sao Kha sống ở nơi này, thay vì những cung đường nhộn nhịp? Vì đâu mà hàng xóm của Kha lại trồng đúng loại cây Kha thích? Vì sao người nhắn tin qua lại với Kha nhiều nhất là Ngọc, mà không phải những người khác?

Minh họa: HIỂN TRÍ
Minh họa: HIỂN TRÍ

Kha dõi mắt qua khung cửa, nhìn về phía khoảng sân rộng trong khuôn viên giáo đường. Tiếng guitar mộc nghe như có chất gây nghiện mà ở đó, ngoài thanh âm, ta còn hình dung ra bối cảnh với những sợi đàn rung lên như lời thổn thức thiết tha.

Mùa này mưa nhiều, rêu xanh phủ kín trên những kẽ đá. Tiếng chim lích rích chuyền cành, vài chiếc lá rơi xao xác trong ánh chiều tà. Giờ này, chắc Ngọc đã rời thị trấn rồi nhỉ?

Chiếc điện thoại “cục gạch” của Kha nằm im ắng nơi kệ sách. Tưởng như đến nghìn năm rồi nó chưa từng rung lên. Thời gian bỗng trở nên lê thê từ khi bóng Ngọc cùng chiếc vali đổ dài trong ánh nắng chiều mất hút khỏi tầm nhìn Kha.

*
* *

Ngọc bảo: “Em muốn đến thị trấn nơi anh ở vào mùa đông này”. “Để làm gì?” - Kha lỡ hỏi một câu không nên. Cũng may, Ngọc là cô bé trong veo như hạt sương chưa vướng bụi đường. “Vì đọc văn anh, thấy nơi ấy bình yên quá! Và cả, muốn nhìn thấy anh. Em không tin nổi thời này mà còn có người không có tài khoản mạng xã hội như anh”.

Kha bật cười: “Còn anh thì không tin thời đại này còn có người mơ mộng như em, tin cả vào bài văn tả cảnh hay sao?”. Ngọc vẫn đinh ninh: “Em tin và em thích”. Kha thấy tim mình lỗi nhịp, dù Ngọc chẳng nói rõ cô thích gì, khung cảnh nơi thị trấn trong những áng văn của Kha, hay thích Kha? “Mơ mộng vừa thôi cô bé” - Kha nhắn lại.

Trong những đêm sâu thao thức, Kha từng ước mơ về một mái ấm gia đình. Ước mơ đó là bình dị với bất cứ ai, ngoài Kha. “Biết bao người tật nguyền, họ vẫn lấy vợ lấy chồng, có con cái đấy thôi!” - lần duy nhất mẹ nhấn mạnh chữ “tật nguyền” với Kha. Kha cũng tròn mắt nhìn mẹ.

Có lẽ, trước khi rời khỏi giường bệnh đến nơi giấc ngủ trần thế, bà đã quá sốt ruột cho đứa con trai duy nhất vẫn một thân một mình. Kha không muốn đôi co với mẹ. Có những vết thương hằn sâu trong tâm trí Kha, tủn mủn thôi nhưng đau.

Đó là lần cô bé hàng xóm mới chừng 15 tuổi, tần ngần chạm vào đóa phù dung đang chuyển từ trắng sang phớt hồng trước cửa nhà Kha. Thấy Kha, cô bé nhìn vào, nở nụ cười thật tươi. Mẹ cô bé khi ấy chỉ cách phía sau chừng vài bước chân, bà đã bắt gặp nụ cười tươi tắn ấy và đọc được điều gì đó khiến bà bất an.

Những bước chân của bà sải dài hơn để nhanh đến chỗ con gái, bằng một động tác kéo tay rất mạnh, bà đẩy cô con gái đi nhanh hơn trước khi ném vào Kha cái nhìn khó chịu. Ánh mắt ấy như lưỡi hái sắc lẹm có thể cắt lìa sự sống của Kha chỉ trong một ánh nhìn.
“Nếu mẹ có con gái, mẹ có đón nhận chàng rể cả đời ngồi xe lăn như con không?” - Kha chưa kịp hỏi câu đó, mẹ đã rời Kha trong một đêm mưa dai dẳng.

*
* *

Ngọc đến trong một ngày đầu đông nhạt nắng. Nắng chơi trò cút bắt, thấy đó rồi mất đó. Tin nhắn của Ngọc đến trong lúc Kha đang cầm sẵn điện thoại trong tay. “Em đã đến thị trấn trong những áng văn của anh, đúng vào mùa đông”. Ngọc không hẹn gặp anh, vì cô ấy đinh ninh rằng mối quan hệ của họ thừa thân thiết cho một cuộc gặp. Ngọc lại là khách từ xa đến.

Ở góc nhìn của mình, Kha thấy Ngọc trong trang phục đầm phớt hồng. Nhẹ nhàng như một áng mây. Khoảnh khắc ấy, nhịp tim Kha khẽ rung lên. Anh đã quên mất đi đôi chân lỏng lẻo chẳng thể đứng được của mình, nhổm lên.

Những ngón tay của Kha bấu chặt thành bàn, cố hết sức để đỡ thân thể mình lên. Biết đâu với một sức mạnh nào đó sẽ như một phép màu để Kha có thể đứng lên. Nhưng cái ý nghĩ ấy bị dập tắt rất nhanh, khi những hạt mồ hôi trên trán anh đã rịn ra, hai cánh tay anh đã gồng hết sức có thể nhưng đôi chân vẫn buông thõng trên chiếc xe lăn.

Thứ sống còn của Kha, ngoài thức ăn cho cơ thể vật lý, còn khả năng làm chủ được cảm xúc.

Một tin nhắn khác của Ngọc vừa gửi tới: “Em đã thấy ngôi giáo đường trong những áng văn của anh”. Lát sau, Ngọc nhắn tiếp: “Và cả đang nghe “Ướt mi” của Trịnh…”. Trong thanh âm vọng lại từ cơn gió chiều, Kha cũng vừa nghe tới đoạn: “Ai còn buồn khi lá rớt rơi trong một cuối đông”…

Kha từng muốn biết ai là chủ nhân của quán cà phê có giàn bông giấy phủ rợp lối vào, ngay bên hông nhà thờ chỉ mở duy nhất dòng nhạc Trịnh ấy.

Điều này chẳng có gì khó. Kha có thể vào quán trên chiếc xe lăn của mình, thưởng thức ly cà phê trong cái nắng buổi chiều vừa tan loãng trước sân. Khi ấy, quán vắng, sẽ chẳng có ánh mắt nào dõi về phía Kha. Nhưng vì điều gì đó khiến những vòng bánh xe của Kha vẫn ngập ngừng không vào. Kha tin, mọi thứ đều là duyên may. Mọi quyết định được đưa ra đều là đúng đắn nhất với mình.

Nhưng trong lúc này, Kha nghĩ có khi nào Ngọc đang ngồi trong quán cà phê nhạc Trịnh? Có vậy, cô ấy mới cùng đang nghe nhạc với Kha? Cái ý nghĩ vào quán cà phê ập đến với Kha rất nhanh. Dù gì, Ngọc đâu biết anh là ai. Thật may vì điều đó.

Kha đọc lại từng tin nhắn của Ngọc, cũng là để chậm lại một nhịp, xem mình có quyết định nào khác không? Cuối cùng, anh chọn đến quán cà phê. Bằng những thao tác đã khá thuần thục, Kha lấy thêm áo khoác hòng khi trời trở lạnh, trước khi lăn vòng bánh xe ra ngoài.

*
* *

Không gian quán rộng hơn Kha nghĩ. Cả một khoảng sân chỉ kê rất ít bàn nơi gốc cây lộc vừng, khế và cả ngọc lan. Mùi hương này Kha đã quen lắm mà không biết được gió đưa đến từ nơi nào.

Chỗ Ngọc ngồi là chiếc bàn màu trắng xinh xinh cạnh gốc ngọc lan. Mùa này ngọc lan nở trắng cây, như ướp hương cho không gian nơi đây. Kha dễ dàng nhận ra Ngọc, vì bên cạnh cô ấy là chiếc vali. Sẽ chẳng ai đi uống cà phê cùng chiếc vali to đùng như vậy.

Kha chọn bàn có tầm nhìn dễ quan sát Ngọc nhất, vừa lúc cậu phục vụ đi tới, giọng nhã nhặn: “Anh ơi, bàn này đã có khách đặt, anh có thể chọn bàn khác giúp em”. Kha nhìn quanh, chỉ còn chiếc bàn duy nhất cạnh chỗ Ngọc ngồi.

Bằng cách nào đó, khoảng cách giữa Kha và Ngọc ngày càng gần lại. Kha tin vào nguồn năng lượng cùng tần sóng sẽ hút nhau. Nếu đây là bộ phim, Kha rất tò mò muốn biết diễn biến tiếp theo.

Khi đã yên vị với ly cà phê đen đá, Kha mới nhận ra hình như nhiệt độ đã xuống thấp hơn. Cái lạnh từ đâu tới rất nhanh. Kha kéo cao cổ áo.

Bất giác, Kha đánh rơi bức ảnh của mẹ trong túi. Bức ảnh trắng đen, cũ nhàu nhưng vẫn rõ nét mặc dù được mẹ chụp từ thời con gái. Trong lúc những ngón tay của Kha đang cố gắng chạm vào bức ảnh thì có ai đó đã nhặt lên cho anh, là Ngọc.

Ngọc nở nụ cười thật hiền: “Của anh đây!”. Kha là người theo thiên hướng tự nhiên. Anh tin, trong những tình huống xảy ra, người thầy bên trong sẽ chỉ cho anh biết phải xử lý như thế nào.

Kha đón lấy bức ảnh từ tay Ngọc, vừa lúc điện thoại của cô ấy đổ chuông. Ngọc tự nhiên nghe máy: “Con đến nơi khi nãy rồi mẹ. Con đang ở quán cà phê. Mọi thứ đang rất ổn”. Đã có lúc Kha quên đi việc mỗi cô gái đều có mẹ và ở tuổi trưởng thành của các cô gái, chàng rể “ra trò” là nguồn hy vọng to lớn với họ hơn cả.

Cái ý nghĩ bắt chuyện với Ngọc dừng lại hẳn trong anh. Ngọc là cô gái đáng yêu. Cô ấy cần một người đồng hành khác Kha. “Hãy để cho Kha chỉ là một nhân vật trong truyện ngắn có kết thúc mở với cô ấy” - người thầy bên trong Kha đã lên tiếng như một hiệu lệnh.

Có người đến chở Ngọc, là một cô gái. Ngọc cũng từng kể với Kha về Liên - cô bạn cùng quê ngày xưa sống cùng thị trấn với Kha, nhưng Ngọc chưa từng đến thăm.

Ngọc còn nói rằng, Ngọc cảm thấy hổ thẹn vì nếu không có áng văn của Kha và cả Kha, liệu Ngọc có vượt qua chặng đường hơn nghìn cây số để gặp Liên? Từ những chia sẻ, Kha biết Ngọc là cô gái thiện lành. Kha tin, sẽ có trang sách mới mở ra với cô ấy, trọn vẹn hơn.

Bản tin thời tiết lúc chiều nói thị trấn sắp đón bão. Đây sẽ là cơn bão sau cùng của năm. Những ngày sau đó trời quang mây tạnh cho đến mùa xuân. Hèn chi, Kha nghe tiếng gió rít ngoài trời.

Trong khu vườn nơi khuôn viên nhà thờ, trên những ngọn cây, tiếng cành cây gãy rơi xuống khô khốc, vụn vỡ, chợt thấy nhớ mong vô cùng thanh âm có tin nhắn từ Ngọc gửi đến, với những câu từ chỉ là vu vơ.

Rồi đây, tất cả sẽ trở thành nỗi nhớ dội về trong những ngày trời nhiều gió.

Đôi khi, cả nỗi nhớ cũng chẳng thể gọi tên, vì có ai đi nhớ một ngày nhiều gió?

Theo LA THỊ ÁNH HƯỜNG (QNO)

Có thể bạn quan tâm

Giai âm tiếng lòng

Giai âm tiếng lòng

(GLO)- Nếu tin rằng mọi thứ đều có nguyên do thì lý do ra đời của cây đàn guitar chắc hẳn là niềm ưu ái vô bờ mà thượng đế đặc biệt ban tặng cho con người.

 Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

Thơ Lữ Hồng: Bầu trời trở lại

(GLO)- "Bầu trời trở lại" của Lữ Hồng là bài thơ giàu hình ảnh và cảm xúc, gợi lên sự chuyển mình của thiên nhiên, lòng người. Bài thơ là bức tranh thiên nhiên đẹp đẽ, cũng là một hành trình nội tâm sâu sắc, nơi con người giao hòa với đất trời, với những giấc mơ và niềm tin vào ngày mai.

Xôn xao chợ núi

Xôn xao chợ núi

(GLO)- Chợ núi cũng như bao khu chợ ở nhiều vùng miền khác, là nơi mua bán trao đổi, gặp gỡ chuyện trò. Song, chính sự chân chất, bình dị của những phiên chợ này lại khiến bao người nhớ nhung.

Theo cánh ong bay

Theo cánh ong bay

(GLO)- Giữa một ngày chớm hạ, bầy ong mật ở đâu bất chợt vần vũ trên khóm hoa xuyến chi trước sân nhà, khiến tôi xao động. Bên khóm hoa muốt trắng nhụy vàng dịu dàng có bao đôi cánh mỏng tang, rộn rã bên ngày mới.

Nhớ hội trại ngày ấy

Nhớ hội trại ngày ấy

(GLO)- Cứ mỗi dịp tháng 3, khi thấy học sinh nô nức chuẩn bị cho hội trại, lòng tôi lại xao xuyến nhớ về những ngày áo trắng tung bay trên sân trường đầy nắng với bao ước mơ, hoài bão.

Chờ đợi tầm xuân

Chờ đợi tầm xuân

(GLO)- Tầm xuân đã trở thành cái tên rất quen thuộc với chúng ta, nằm lòng như mấy câu lục bát: “Trèo lên cây bưởi hái hoa/Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/Em có chồng anh tiếc lắm thay”.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Nếp nhăn của mẹ

(GLO)- Từ lúc còn nhỏ, tôi đã quen với hình ảnh của mẹ-một người phụ nữ cần mẫn, tảo tần từ sáng đến tối. Mẹ như bông lúa chín, dẻo dai trước nắng mưa nhưng vẫn mang trên mình những dấu ấn của thời gian. 

Minh họa: HUYỀN TRANG

Bảng lảng mùa sương

(GLO)- Chiếc xe bắt đầu sang số, nhấn ga để vào địa phận đèo dốc. Trước mặt chúng tôi, sương giăng đầy. Sương bao trùm đỉnh núi, bám phủ quanh rừng cây, buông mình lên những vạt cỏ, xóa luôn dấu vết con đường quanh co, khúc khuỷu. Kính xe mờ, mặt người đẫm lạnh.

Minh họa: Huyền Trang

Nẻo về Pleiku

(GLO)- Tôi ngồi gõ những dòng này vào ngày đầu tiên thí điểm mở thông tuyến đường Trần Hưng Đạo đoạn đi qua phía trước Tượng đài Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên (TP. Pleiku).

Hoa muộn

Hoa muộn

(GLO)- Người xưa yêu chuộng hoa mai, xem mai là loài hoa biểu trưng cho người quân tử, có cốt cách chính trực, phong nhã.

Màu xoan thương nhớ

Màu xoan thương nhớ

(GLO)- Trong những chiều hoa rụng, mẹ nói với bố là mẹ nhớ quê, nhớ cây xoan già bên cạnh cầu ao. Mẹ kể, sau ngày mẹ lấy chồng, ông ngoại đã xẻ hết cây xoan quanh nhà để ngâm dưới ao. Ông bảo phải ngâm trước mới kịp để sau này có gỗ cho bố mẹ làm nhà.

Hương phố, hương đồi

Hương phố, hương đồi

(GLO)- Thường thì khi gắn bó với một nơi quá quen thuộc, chúng ta hay mặc nhiên nghĩ rằng những gì đang hiện diện là hết sức bình thường, chẳng đáng bận tâm. Chỉ đến khi xa vắng mới thấy lòng thật chông chênh, khắc khoải.

Hương cau mùa cũ

Hương cau mùa cũ

(GLO)- Mỗi lần đi ngang qua vườn cau, lòng tôi lại xao động bởi mùi hương thanh khiết mà dịu dàng của những chùm hoa nở rộ. Hương cau không nồng nàn như hoa sữa mà thoảng nhẹ như một ký ức xa xăm, gợi nhớ những mùa cũ đã đi qua trong đời.

Hương lúa

Hương lúa

(GLO)- Tuổi thơ tôi gắn liền với cánh đồng lúa bát ngát với mùi hương lúa thơm nồng mỗi mùa vụ. Đó là hương thơm của quê hương, của những ngày tháng gắn bó với ruộng đồng, của những ký ức tuổi thơ êm đềm và tình yêu đất mẹ thiêng liêng.

Chạm miền thương nhớ

Chạm miền thương nhớ

(GLO)- Chiếc xe rẽ trái đưa chúng tôi vào con đường làng. Cánh đồng xanh giữa những vườn dừa tươi tốt dần hiện ra trước mắt. Một cảm xúc thật lạ kỳ đang dâng lên trong lòng.

Minh họa: H.T

Nơi những cánh chim trở về

(GLO)- Ngày bé, tôi thường phải ở nhà một mình. Với một đứa trẻ, điều ấy chẳng những không thú vị mà còn đáng sợ. Nếu ai đã từng xem bộ phim “Ở nhà một mình” của đạo diễn Chris Columbus sẽ thấy cậu bé Kevin phải đối diện với những hiểm nguy ra sao. 

Phụ nữ là để yêu thương

Phụ nữ là để yêu thương

(GLO)- Không phải ngẫu nhiên mà xưa nay danh xưng “phái đẹp” lại chỉ dùng khi nói về phụ nữ. Họ còn được ví như những bông hoa tươi thắm với tất cả sự nâng niu, yêu mến bởi cái đẹp tự thân không thể phủ nhận.

Tháng ba

Tháng ba

(GLO)- Tháng ba về, vùng đất Tây Nguyên lại chuyển mình trong một bản hòa ca của sắc màu và hương thơm. Đây là một trong những thời điểm đẹp và đặc biệt nhất trong năm của cao nguyên đầy nắng gió này. Cả đất trời trở nên thơ mộng hơn bao giờ hết, dễ khiến lòng người lưu luyến nhớ thương.

Hoa vàng anh nơi miền sơn cước

Hoa vàng anh nơi miền sơn cước

(GLO)- Một người bạn đã rủ tôi xuôi đường xuống Vĩnh Thạnh, Bình Định. Đây là huyện miền núi sát với huyện Kbang, Gia Lai. Mùa này, hai bên bờ suối khoác lên mình một tấm áo rực rỡ của hàng trăm cây vàng anh, nổi bật trên nền trời xanh thắm.