“Chú bộ đội” của tuổi thơ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Làng hóa thành binh trạm, nhà hóa doanh trại. Làng tôi (Minh Lệ, xã Quảng Minh, huyện Quảng Trạch) là một trong hàng trăm ngôi làng như thế ở Quảng Bình thời đánh Mỹ.

Bắt đầu từ cuối năm 1965 cho đến khi ký Hiệp định Paris, người dân làng tôi hầu như chẳng ai nhớ nổi bao nhiêu đơn vị bộ đội đã dừng chân ở nhà mình. Đêm tiếp đêm, cứ vào độ gà gáy cữ đầu là mọi nẻo đường làng lại rậm rịch bước chân bộ đội, để rồi sáng ra lại thấy võng chăng khắp nhà.

Với lũ trẻ chúng tôi, mỗi đơn vị bộ đội đến làng là mỗi cảm xúc mới mẻ. Chỉ cần nửa buổi sáng là chúng tôi đã biết trong xóm nhà ông nào, bà nào có bao nhiêu chú bộ đội dừng chân. Và đặc biệt nhà ai có chú “mang súng lục” đang ở. Súng lục tức súng ngắn. Với chúng tôi thì đó là sự ngưỡng mộ, khao khát không gì hơn được.

Còn đối với các chú bộ đội, trẻ con chúng tôi đương nhiên cũng là đối tượng được các chú yêu thương nhất. Có gì mang theo từ ngoài kia vào là các chú đem hết ra cho, từ cuốn sách truyện đến cây bút, chiếc huy hiệu. “Các chú sắp vào mặt trận rồi, tặng các cháu để nhớ nhau”.

Đặc biệt, bữa cơm của các chú bộ đội thì gần như không bao giờ vắng trẻ con. Dân làng tôi cũng như bao người dân miền Bắc lúc bấy giờ, gạo dành chiến trường, trừ 3 ngày Tết hoặc giỗ chạp, hầu như nhà ai cũng quanh năm cơm độn mì, độn khoai.

cfb3e8c29a5820067949.jpg
Minh họa: Nguyễn Văn Chung

Thực ra, cơm bộ đội ăn lúc ấy được nấu bằng thứ gạo để lâu trong kho, nghe lừng mùi mốc, mùi bao bì nhưng với chúng tôi, nó vẫn là một thứ quyến rũ không gì cưỡng nổi.

Biết vậy, các gia đình vẫn dặn con: “Hễ thấy các chú ăn cơm thì phải tránh đi”. Tuy nhiên, dù có tránh ở đâu, các chú vẫn cứ tìm ra, bắt ăn cơm cho bằng được. Cũng có những lúc vội lên đường, không thể tìm thấy chúng tôi, các chú vẫn để phần.

Mỗi đoàn quân đến làng là mỗi kỷ niệm, mỗi nỗi nhớ in sâu vào tuổi thơ thế hệ chúng tôi dù đã hơn nửa thế kỷ trôi qua. Trong bao nhiêu là hình ảnh cao đẹp về “chú bộ đội” của thời thơ ấu, xin được kể ra đây một câu chuyện có lẽ chỉ có ở thời “một đi không trở lại” ấy.

Chuyện là, chỉ còn 4 hôm nữa là đến Tết Mậu Thân (1968). Mưa rả rích, lê thê một nhịp điệu ướt át, buồn tẻ. Đang mơ màng trong hơi ấm ổ rơm, tôi chợt thức bởi ánh đèn pin quét loang loáng và tiếng ai nói khẽ: “Bé con mắc võng vào cây cột chỗ anh đây này”.

Chỉ gián đoạn một thoáng rồi trở về giấc ngủ, lâu đã thành nếp nhưng đêm đó tôi nằm thao thức mãi. Cái từ “bé con” cứ khuấy động trong tôi nỗi tò mò, chỉ mong cho trời mau sáng.

Nhưng mới tang tảng sáng, đang trong mơ màng đã nghe mẹ tôi nói chuyện với một chú tên là Sáng. Tôi dỏng tai nghe. Chú Sáng kể: “Bé con đi theo đơn vị lúc ở Hà Tĩnh kia chị ạ. Đêm đó, chúng em dừng chân nghỉ lại ở một ngôi làng thì phát hiện ra. Chỉ cho biết mình tên là Đẵng, 15 tuổi, đang học dở lớp 6 (hệ phổ thông 10 năm ở miền Bắc lúc ấy) còn quê quán ở đâu thì không chịu nói.

Lần nào chuẩn bị hành quân, cậu ấy cũng bám theo khóc lóc: “Các anh cho em đi đánh Mỹ với, em quyết không về đâu”. Hết cách, chỉ huy đành cho theo, bảo để vào các binh trạm phía trong rồi tính. Thương quá, đơn vị em đều gọi chú ấy là “bé con”.

Mãi đến gần trưa, “bé con” mới thức dậy. Đánh một cái nháy mắt cho tôi thay lời chào, chú nhanh nhẹn gấp võng rồi ra giếng rửa mặt. Hôm đó, mẹ con tôi đang hì hụi đánh đất dưới ao lên để đắp hầm tránh bom. Các chú cùng xúm vào hỗ trợ. “Bé con” thấy vậy cũng cầm rổ nhảy xuống ao. Mẹ tôi chặn lại, giằng lấy chiếc rổ không cho làm nhưng chú vẫn kiên quyết không chịu… Chú Sáng bảo: “Tối nay 9 giờ mới đến lượt đơn vị mình sang sông. Cơm chiều xong, bé con mắc võng tranh thủ ngủ nghe chưa. Lúc nào lên đường thì anh gọi”.

Ngày đông trời sập tối rất nhanh. Mưa như rây bột. Cái rét nghe đắng ngắt cả đầu chót lưỡi. Đang học bài, tôi giật mình vì tiếng còi lanh lảnh gọi đơn vị tập hợp. Chú Sáng vội vã đánh thức “bé con”: “Dậy đi cậu, tới giờ rồi”. Nhưng đáp lại chỉ là một sự im lặng kéo dài rồi tiếng ú ớ cất lên vẻ bực bội. Chú Sáng đành ôm cổ “bé con” dựng dậy, giọng đầy vẻ đe dọa: “Không chịu dậy là lại đuổi về đấy nhé”.

Như chạm phải hòn than lửa, “bé con” vùng dậy tháo võng cho vào ba lô... Thẫn thờ nhìn theo bóng đoàn quân đang dần mất hút vào màn đêm mù mịt, mẹ tôi bỗng bật khóc: “Trời ơi, không biết rồi các chú ấy có được ăn Tết không. Mà cái chú bộ đội bé con, nghe chú ấy ú ớ thấy có khác nào đứa trẻ chưa rời lòng mẹ. Chẳng biết con cái nhà ai mà thương quá”.

Rồi chợt nhớ ra, mẹ tôi vội vã xuống bếp vớt trong nồi ra 2 đòn bánh tét. Khẩu phần ăn Tết hợp tác xã chia cho 2 mẹ con chỉ 4 lạng thịt, 1 lít mật mía và gạo nếp chỉ đủ gói ngần ấy bánh. Khoác chiếc tơi lá vào người, mẹ tôi băng vào bóng tối theo hướng đoàn quân vừa khuất. “Bé con ơi! Bé con!”-tiếng mẹ tôi xa dần, ướt mèm trong đêm lạnh.

Có thể bạn quan tâm

Dốc xưa

Dốc xưa

(GLO)- Nhìn từ trên cao xuống, bạn sẽ thấy đèo dốc như những dải lụa mềm mại. Ấy vậy mà khi đặt chân đến đó, bạn sẽ thấy nó như một thách thức lớn khiến ta phải ngẫm nghĩ thật nhiều. Nhưng, không phải lúc nào chênh vênh cũng làm ta ngã mà lại bồi đắp nên nghị lực và ý chí vượt khó.

Ra Bắc, vào Nam

Ra Bắc, vào Nam

(GLO)- Hơn nửa đời người, tôi loay hoay đi về giữa 2 miền Nam-Bắc. Miền Bắc là quê hương, là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Còn miền Nam là nơi tôi học tập và trưởng thành.

Ảnh minh họa: Phùng Tuấn Ngọc

Mùi Tết

(GLO)- Có một ngày, tôi bỗng ngồi nhớ nhung mùi Tết, để rồi tự hỏi mùi của Tết là gì? Phải chăng đó là mùi của nồi bánh chưng đang sôi lục bục ở góc sân đêm 29 Tết hay là mùi thơm nồng của dưa hành dưa kiệu mới ngấu?

“Mùa đi cùng tháng năm”

“Mùa đi cùng tháng năm”

(GLO)- Rồi thời gian cũng sớm vẫy mùa xuân trở lại. Tôi đoán thế khi đang đứng ở hành lang một dãy phòng học nhìn ra buổi sáng mà mọi vật như còn bỡ ngỡ với “cơn nắng se ngang trời đông”. Như thể ngày hôm qua và cả hôm kia nữa, chưa hề gió lạnh.

Cầu Bến Mộng. Ảnh: Phạm Quý

Bên kia bờ sông Ba

(GLO)- Nhà tôi ở bên hữu ngạn sông Ba, nơi phố thị tấp nập, náo nhiệt. Ở nơi đông vui, thuận tiện cho sinh hoạt, nhưng đôi khi tôi lại cảm thấy ngột ngạt, tù túng bởi sự chật chội, ồn ào.

Đèo An Khê. Ảnh: Phan Nguyên

Bâng khuâng chiều An Khê

(GLO)- Tôi trở lại An Khê vào một chiều mưa. Cơn mưa không ồn ào mà rơi êm vào ký ức, đánh thức một miền nhớ xa xôi, thuở nơi đây còn là một thị trấn nhỏ bình lặng nằm ven quốc lộ 19.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Mùa về trên lưng áo mẹ

(GLO)- Từ khi còn nhỏ, tôi đã có thói quen dậy sớm. Mỗi khi tiếng mấy con gà ở chái bếp cất lên, tiếng đòn gánh dựng ở góc nhà sơ ý va vào liếp cửa, tôi lại nghe tiếng ho cố nén của mẹ. Lại thấy thương mẹ nhiều hơn.

Ảnh minh họa: Phạm Quý

Mùa lá rụng

(GLO)- Phố nhỏ của tôi đã vào mùa cây trút lá. Lang thang dọc con đường quen, tôi nhận ra bên hè phố, từng đám lá khô buông dày. Muôn vàn chiếc lá nương theo gió sà xuống những ô gạch cũ, la đà trên mái ngói hiên bàng bạc gam màu trầm. Tôi ngồi trong một góc phố, miên man nghĩ về triền xanh hoa cỏ.

Minh họa: H.T

Ký ức chợ quê

(GLO)- Khi tiếng gà gáy vang lên trên mái nhà, mẹ tôi vội trở dậy chuẩn bị ra chợ. Không chỉ riêng mẹ tôi, việc đi chợ lúc sáng sớm đã trở thành nếp quen của nhiều người dân quê.

Ảnh: Phạm Quý

Bây giờ đang thắm mùa hoa

(GLO)- Từ dưới chân núi, tôi ngước nhìn vòm trời xanh văn vắt treo đầy những cụm mây trắng xốp. Nổi bật trong không gian cao rộng là màu đỏ của đất bazan và ngờm ngợp sắc hoa, nhất là màu vàng của dã quỳ.

Bước ra ngày mới

Bước ra ngày mới

(GLO)- Lúc còn đi học, mỗi buổi sớm mai, tôi thường nghe thấy tiếng bánh xe lăn trên đường rồi sau đó mới là tiếng những cánh cổng sắt được mở ra, tiếng người đi thể dục lao xao.

Ảnh minh họa: Minh Lê

Mây giăng mắt núi

(GLO)- Qua ngày lập đông, còn bao nhiêu heo may gió cũng mang về theo mùa hun hút. Trên đầu dốc, cây bằng lăng núi lá đã chuyển thành màu đỏ sậm như những nốt son ấm áp giữa bao la xanh. Và mây ở đây, bốn mùa cứ lờn vờn khắp các triền đồi.