Đó là mùa hè năm 1992, lần đầu tôi đến Gia Lai, không phải một cuộc thăm chơi mà theo gia đình vào Pleiku định cư. Hành trình nào ở tuổi niên thiếu mà chẳng khiến ta háo hức, chờ mong xen lẫn lo âu, hồi hộp? Nhất là khi người ta không còn quá nhỏ để ngây thơ, hồn nhiên nhưng cũng chưa đủ lớn để ung dung, trầm tĩnh trước những đổi thay có tính bước ngoặt của cuộc đời.
Tuổi ấy, người ta chưa trưởng thành nhưng đã biết dùng dằng giữa hai cảm giác: muốn đổi thay và muốn yên ổn. Khát vọng khám phá chân trời mới giục giã hãy đi xa nhưng nỗi e ngại khi phải chuyển đến sinh sống ở một vùng đất mới lại níu người ta ở lại.
Hôm ấy, khi xe vừa lên khỏi con đèo quanh co chìm trong mưa giăng mây phủ, hành khách có ai đó hỏi: “Đến An Khê chưa? Cho tôi xuống thị trấn nhé!”. Trái với hình dung của tôi, An Khê trong cơn mưa chiều năm ấy khá quạnh hiu.
Quốc lộ 19 chạy xuyên qua phố huyện nhưng chỉ lác đác mấy căn nhà liền kề, đôi ba cửa hàng tạp hóa nho nhỏ. Dẫu không có đường sắt và những chuyến tàu lao nhanh trong đêm tối, thị trấn nhỏ này vẫn khiến tôi liên tưởng đến phố huyện trong truyện ngắn của nhà văn Thạch Lam.
Bẵng đi bao năm tôi không trở lại An Khê. Và, ký ức về An Khê chỉ sống dậy trong lòng khi cơ duyên đưa tôi về với phố biển, trở thành sinh viên Văn khoa của Trường Đại học Sư phạm Quy Nhơn. Mỗi năm dăm ba bận, tôi về thăm nhà, ngang qua thị trấn.
An Khê trở thành cột mốc để tôi đong đếm thời gian, quãng đường trong mỗi lần đi về giữa phố biển và phố núi. Khi từ nhà đi, tôi lại mong cho chóng đến thị trấn An Khê bởi đi đến đó là xem như đã đi được hai phần ba quãng đường.
Còn mỗi lần từ phố biển về nhà, tôi cũng lại mong cho nhanh về tới An Khê vì như vậy nghĩa là đã đến đất Gia Lai, gần về đến nhà. Chỉ cần vượt đèo An Khê, nhìn thấy tấm biển ghi dòng chữ “Địa phận tỉnh Gia Lai” là lòng tôi lại rộn ràng.
Cứ vậy, suốt 4 năm đại học, tôi qua lại thị trấn không biết bao lần, riết thành quen, đến mức thuộc lòng từng khúc quanh, từng ngã tư, những quãng đường gồ ghề hay khu công viên trung tâm…
Khi đã bước vào nghề giáo, nhiều lần được cử đi làm nhiệm vụ coi thi tốt nghiệp THPT ở An Khê, tôi lại phát hiện thêm những điều mới mẻ, lý thú về mảnh đất này.
Thì ra phố huyện có một lịch sử hào hùng gắn với những chiến công hiển hách của Nhân dân ta trong các cuộc chiến chống ngoại xâm, nhất là chiến thắng của anh em nhà Tây Sơn đánh tan quân Xiêm La phía Nam và bè lũ quân Mãn Thanh phương Bắc.
Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tây Sơn Thượng đạo như minh chứng cho những trận thắng oanh liệt vẻ vang của cha ông, ghi danh những người đã góp công làm nên cơ đồ và lịch sử đáng tự hào cho vùng đất cửa ngõ của tỉnh.
Lần gần nhất tôi về làm nhiệm vụ thi tốt nghiệp ở thị xã An Khê là tháng 6 vừa rồi. Được bạn bè đưa đi thăm Di tích khảo cổ Rộc Tưng-Gò Đá ở xã Xuân An, tôi lại thêm ngỡ ngàng, thán phục mảnh đất đã lưu dấu những vết tích của người nguyên thủy thời sơ kỳ Đá cũ với niên đại 7-8 trăm ngàn năm trước.
Thị trấn nhỏ buồn vắng năm nào trong ký ức tôi giờ đã thành thị xã, phố phường đông vui, đường chạy dọc ngang như bàn cờ. Thị xã hôm nay đang vươn mình phát triển.
Thêm một lần tôi trở lại An Khê trong cơn mưa chiều nhưng không còn cảnh phố buồn vắng lạnh trong mưa giăng mờ đường dài hun hút. Dạo phố, lòng tôi bâng khuâng nhớ thuở xa xôi, khi An Khê còn là một thị trấn nhỏ bình lặng nằm ven quốc lộ 19.