Với tôi, phiên chợ gắn liền với tuổi thơ, với những buổi sáng sớm theo chân mẹ, có hôm thì nắm chặt bàn tay thô ráp mà ấm áp của bà, len lỏi giữa chộn rộn người mua kẻ bán.
Chợ quê tôi nép mình bên con sông nhỏ, ngay cạnh cánh đồng lúa. Khi mặt trời vừa ló rạng, chợ đã rộn rã tiếng người gọi nhau í ới, tiếng cười nói xen lẫn tiếng rao hàng đặc trưng của các cô, các dì bán hàng rong. Chợ chỉ có vài dãy hàng xếp ngay ngắn theo lối đi, nhưng lại đầy ắp những sản vật tươi ngon từ ruộng vườn.
Ở đó, mỗi món hàng đều mang theo hơi thở của đồng quê, của sự cần mẫn chăm chỉ của người nông dân. Những bó rau muống còn ướt sương sớm, những rổ cà chua chín đỏ, đám cá đồng béo ngậy vẫn còn quẫy mạnh trong chậu.
Tôi thường đứng nhìn mẹ hỏi mua từng mớ rau, con cá. Tiếng cười nói của mẹ vang lên khi gặp bạn hàng quen thuộc. Những câu chuyện dường như chẳng bao giờ kết thúc, từ việc cấy lúa cho đến nuôi gà, từ mùa màng đến con cái.
Người bán hàng quen thường để lại cho mẹ một ít rau thơm hoặc đôi ba quả cà chua chín đỏ kèm theo câu nói: “Mang về nấu cho mấy đứa nhỏ nhé”. Những điều nhỏ nhặt đó khiến tôi cảm nhận được sự yêu thương giữa con người với nhau. Thì ra, người quê tôi đi chợ không chỉ để mua sắm mà còn để gặp gỡ, sẻ chia những buồn vui trong cuộc sống.
Những ngày mưa, chợ lại có một vẻ đẹp rất riêng. Người ta khoác lên mình những chiếc áo mưa, đội nón lá cũ kỹ nhưng vẫn nở nụ cười rạng rỡ, vẫn gặp nhau và trao nhau những cái nhìn ấm áp. Dù có phần ẩm ướt và lạnh lẽo nhưng chợ vẫn là nơi để con người tìm đến sự kết nối và niềm vui.
Khi xa quê, tôi mới hiểu rằng chợ còn là một phần ký ức, một phần hồn quê gắn bó sâu sắc trong lòng mỗi người. Mỗi lần về quê, điều đầu tiên tôi muốn làm là dậy sớm đi chợ, hít hà mùi thơm của những món ăn quen thuộc, nghe tiếng rao hàng thân thương. Chính những điều giản dị đó đã làm nên vẻ đẹp riêng của chợ, một vẻ đẹp đong đầy cảm xúc. Và có lẽ dù cho cuộc sống có bao nhiêu thay đổi đi chăng nữa thì với người xa quê như tôi, chợ vẫn mãi là nơi để tìm về.