Ao sen trước ngõ nước trong xanh, chỉ còn trơ lại những đài sen khô in bóng xuống mặt hồ một cách bình yên. Cặp cá lia thia rải chùm bọt trắng để báo hiệu mùa hạnh ngộ yêu đương của mình. Những chiếc lá tre úa tàn lững thững rơi theo làn gió nhẹ. Bầu trời trong xanh và nắng dịu.
Minh họa: HUYỀN TRANG |
Chiều nào, mẹ tôi cũng quét lá mù u quanh vườn vun thành ụ rác. Lá mù u khô cháy đượm, nổ lép bép, cuộn khói trắng bốc lên cao lẫn vào hàng cây xanh thẳm. Đám kiến vàng đu bám trên thân cây mù u hít phải khói nháo nhác vội tìm về tổ ẩn nấp. Khi mùa hạ rớt, tôi nhìn thấy từng tổ kiến vàng trên nhánh mù u như những trái bóng màu xanh được kết nối bởi lá trên chính cành cây ấy do kiến thợ kiến thiết bằng chất tơ màu trắng của ấu trùng.
Ngày mà những “ngôi nhà” kiến vàng bắt đầu ngả màu úa xám là lúc ấu trùng bên trong tổ đã nhiều. Tôi bắt đầu mùa đánh bắt cá sông. Ấu trùng kiến vàng là mồi ngon của lũ cá trắng ở sông quê tôi. Vì thế, tôi dùng sào có móc câu kéo cho tổ kiến vàng trên cây mù u rụng xuống rồi lấy ấu trùng đi nhử cá.
Nước sông Trầu mùa này không sâu, chảy lững lờ. Tôi bỏ ấu trùng vào chiếc lồng bắt cá được đan bằng nan tre rồi nhấn chìm dưới đáy sông bằng viên đá nặng ở nơi thích hợp mà đàn cá thường bơi qua. Sát đáy lồng có chừa một cửa để cá chui vào nhưng không thể trở ra. Gặp mồi ngon, cá trắng đua nhau vào lồng đánh chén. Ngày nào trúng mánh, tôi thu hoạch được cả ký cá trắng, còn hôm nào ít cũng đầy trã kho nghệ, ăn cả ngày không hết.
Mùa nào thức nấy. Khi những giọt mưa thu nhè nhẹ rơi cũng là lúc những trái móc, trái mua bắt đầu chín tới. Tôi nhớ tới câu ca mẹ hát ru em: “Trời mưa lâm râm/Cây trâm có trái/Con gái có duyên/Đồng tiền có lỗ/Bánh tổ thì ngon/Bánh giòn thì béo” và không quên mùa trâm chín. Những buổi chiều được nghỉ học, tôi thả đàn bò trên gò đồi, rồi rong chơi tìm cây trâm rừng hái quả ngọt. Lũ trẻ quê tôi trông chờ mùa trâm chín như trông mẹ đi chợ về.
Từ đầu hè, khi cây trâm ra hoa, chúng đã để ý, chờ đợi từng ngày. Đến thời điểm giao mùa, xuất hiện làn gió thu phơn phớt kéo theo vài ba chiếc lá vàng lảo đảo rời cành thì những chùm trâm trên cây bắt đầu ửng hồng rồi chuyển dần sang màu tím đậm.
Lũ trẻ chăn bò cứ nháo nhác xí phần đánh dấu những cây trâm đang chín rộ. Có nhiều cây trâm cổ thụ cao hàng chục mét cũng không cản được lũ trẻ leo trèo như sóc. Miệng đứa nào cũng tím rịm. Có đứa ăn no bụng, còn hái đầy túi quần và đựng trong bịch ni lông đem về cho người thân. Các chị, các cô thường đội cả rổ quả trâm chín mọng ra chợ phiên bán.
Đó là trâm trong vườn nhà, được chăm bón nên tươi tốt hơn cây trâm mọc hoang ở gò đồi. Những quả trâm này thường lớn hơn, chín đen và mọng nước, rất hấp dẫn nên chỉ trong chốc lát người ta đã mua sạch thúng.
Ở quê tôi, khi đến cuối thu, sau những cơn mưa rây hạt thì măng tre, trúc bắt đầu vươn lên mạnh mẽ. Vì vậy, người dân có thói quen ăn măng tre nhiều hơn vào mùa này. Những mụt măng sau khi bóc vỏ, đem luộc lên rồi chẻ sợi nấu với cá đồng hoặc muối chua để dành nấu canh hay xào. Món măng thường xuất hiện trong các bữa cơm đạm bạc nhưng rất ngon miệng.
Nhìn hàng mù u trổ hoa trắng xóa trong nắng thu, tôi lại nhớ mẹ! Nhớ tiếng chổi tre xào xạc quét lá, nhớ làn khói trắng quẩn quanh khu vườn như thương nhớ ai. Người đã ra đi cũng từ mùa thu năm ấy để lại sự trống vắng cho quê nhà. Những chiếc lá mù u khô rụng như không còn ai nhắc tới nằm rũ rượi. Bầy kiến vàng ngẩn ngơ!