Phố hàng cây

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Ngày ấy, nhà tôi nằm trong một dãy phố dưới hàng cổ thụ tỏa bóng. Dưới gốc cây, bác thợ cắt tóc vừa làm việc vừa kể dăm ba câu chuyện vui.

Khi cắt tóc cho khách xong, bác nhẹ vắt chiếc khăn bám đầy những cọng tóc lên vai rồi cười thật hiền. Bác đợi người khách tỉ mẩn đếm tờ tiền lẻ và đưa hai bàn tay nhận. Những tờ tiền ấy lúc thì mùi dầu máy xe, lúc là mùi tanh của cá tôm, có khi còn bám theo vài con kiến kim đang ham lớp mỡ bám từ tay người hàng thịt tranh thủ cắt tóc.

Năm tháng qua đi, cây cứ cặm cụi lá xanh rồi lá vàng, bóng mát tự nói lên tất cả. Dãy phố vốn chỉ lợp ngói đỏ, mái thấp lè tè, hàng hóa loanh quanh chỉ những bấc đèn, kẹo đậu phộng, đá lửa, may quần áo… người qua lại đã tường mặt nhau. Bởi thế, ở đây khang trang nhất là hàng cây, phố có hồn rừng trở nên độc đáo. Cái tên phố hàng cây đã in sâu trong ký ức bao người có lẽ cũng vì thế.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Minh họa: HUYỀN TRANG

Một sớm chủ nhật, tôi dạo quanh phố hàng cây. Ôi chao, gì thế này! Một bác thợ mộc đã tỉ mẩn tiện bộ cờ tướng bằng cành cây gãy. Chiếc bàn cờ cũng mộc mạc như những người đàn ông đang trầm ngâm. Dưới gốc cây thứ hai, bác họa sĩ đưa cây bút chì lướt trên giấy, gương mặt của người đối diện đang dần dần hiện ra. Bác cười dí dỏm: “Tôi vẽ vui, vẽ để dăm ba năm nữa bác xem lại có thấy tôi dự cảm đúng về bác không nhé?”.

Người được vẽ nhẩn nha kể chuyện hàng cây này có từ lúc nào, những người trồng cây đã phải lọc đất thịt ra từ đá, rồi lại lấy đá kẻ thành con đường để đất khỏi xói lở mà thành dãy phố này ra sao... Cứ thế, câu chuyện và ký họa quyện vào nhau.

Ở gốc cây khác, cô Tư vừa bán báo, vừa cho thuê mấy quyển sách. Sách báo thời đó rất ít nên người ra đọc kỹ, ngắm từ bìa, tranh minh họa rồi bàn luận với nhau về từng câu chuyện được thuật lại. Gốc cây nào cũng có người xúm quanh, mấy cái ghế gỗ được bày ra, lại thêm vài cái ghế nữa, ai cũng cảm thấy thư thái dưới bóng cây mát rượi, một hàng cây phủ bóng hạnh phúc lên những cuộc đời.

Một ngày, cha mẹ tôi xếp đồ đạc vào ba lô đưa tôi ra bến xe thị trấn. Bến xe cũng nằm dưới một tán cây lớn, chiếc xe ca nằm im như chờ đến phút biệt ly sẽ kêu lên những tiếng còi từ biệt. Tôi chỉ muốn sống mãi ở đây nhưng cha mẹ tôi khuyên: “Con phải đi thật xa, nghĩ thật lớn mới thấy hết vẻ đẹp quê hương mình. Con phải đi tìm con đường để đến những gì gần gũi thân thương nhất, con đường ấy không phẳng phiu như phố hàng cây đâu con”.

Tôi đỏ hoe đôi mắt nhìn hàng cây xanh dưới nắng đầu thu. Ngày nhập học đã cận kề, xe chuyển bánh, ngoái lại phía sau thấy phố cứ dài mãi phía sau lưng như sợi tơ mỏng mảnh nhưng đâu thể níu giữ tôi ở lại với tuổi thơ.

Sau này, tôi mới biết đến khái niệm cây công trình. Cây xanh cũng là một phần không thể thiếu của phố xá. Nhớ về phố hàng cây, nơi cây làm nên phố lại thấy nôn nao muốn được trở về nhưng lúc ấy tôi đang làm ở một nơi xa, công việc như ghim từng ngày lại không thể bứt ra được. Lúc này, tôi chỉ có thể đứng trên ban công nhìn về xa xăm nơi quê nhà nhưng chỉ thấy những ống khói nhà máy và xe cộ nối đuôi nhau.

Tôi trở về phố xưa một ngày nắng ấm. Giờ đây, cha mẹ tôi đã chuyển hết lên thành phố, phố hàng cây đã được gắn biển, ghi tên, người xe qua lại tấp nập, nhà cửa khang trang, nhiều tòa nhà vươn lên cao hơn cả ngọn cây.

Người dân vẫn dành cho cây một sự trân trọng nhưng đất bị thu hẹp dần, bê tông, gạch lát tạo ra cảm giác ngột ngạt, khó thở. Bác họa sĩ hôm nào giờ là cụ ông râu trắng như cước, chiều chiều chống gậy bước từng bước thật chậm vừa đi vừa ngắm con phố.

Thời gian trôi qua thật nhanh. Những người trẻ tôi gặp chỉ còn hao hao trong ký ức về một thời từng nô đùa dưới tán cây. Ngồi dưới một bóng cây, tôi nhớ sạp báo của cô Tư, nghe tin cô đã về miền mây trắng gần chục năm rồi.

Những người hôm nay ngồi uống trà đá, lướt Facebook bằng smart phone gợi nhớ một thời báo giấy, tờ báo đẫm mồ hôi chuyền qua bao bàn tay người lao động. Một anh thợ xây cũng mê bài thơ tình, chị bán hàng thịt cũng mải theo dõi phần tiếp theo của truyện. Cứ thế, ký ức làm đôi mắt tôi cay cay như hôm nào xa phố huyện.

Có thể bạn quan tâm

Thạch sương sâm - Món quà ký ức

Thạch sương sâm - Món quà ký ức

(GLO)- Khu chợ Bà Định (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) đông đúc kẻ bán người mua với đủ thực phẩm tươi rói vào sáng sớm. Vậy nhưng, hàng thạch sương sâm của bà Nguyễn Thị Hoa (trú tại 34/25 Hoàng Sa, TP. Pleiku) luôn có sức hút đặc biệt. Dù nắng hay mưa, hàng của bà luôn bán hết trước 8-9 giờ sáng.

Gửi lại trên đồi

Gửi lại trên đồi

(GLO)- Đôi khi, một chuyến đi xa chỉ chừng mấy mươi cây số cũng đủ khiến chúng ta bước ra khỏi cái vòng quẩn quanh thường nhật, thu lấy một ít năng lượng mới trước khi mình bị “mòn” đi bởi những trật tự cũ càng.

Chênh chao mùa về

Chênh chao mùa về

(GLO)- Những ngày này, mưa dường như đã ngừng rơi. Khoảng mênh mông bao la chờn vờn mây trắng bỗng trở thành phông nền cho bức tranh thiên nhiên vời vợi nắng. Gió cũng đã thao thiết trở mùa.

Chiếc áo ấm cũ

Chiếc áo ấm cũ

Mấy ngày nay trời trở lạnh. Mẹ lúi húi dọn tủ đồ, rồi lấy ra chiếc áo len đã cũ, phần ống tay đen nhẻm, lại còn bị bung chỉ một đoạn. Thay vì bỏ đi, mẹ vuốt ve rồi lấy kim chỉ ra khâu khâu vá vá.

Về trong tiếng gió

Về trong tiếng gió

(GLO)- Nhiều khi, tôi thấy gió thổi trống không phía sau lưng mình. Thời gian vừa thoáng như chồi biếc đã thấy lá vàng, chẳng để lại gì nhiều nhưng đủ gợi những vời vợi nhớ thương trong cuộc đời.

Vệt phố

Vệt phố

(GLO)- Nương náu phố núi hơn 40 năm ròng nhưng hình như tôi chưa kịp hiểu hết những ngõ ngách thẳm sâu trong lòng phố.

Bước chạy trong mây

Bước chạy trong mây

Một cuốc chạy bộ ngẫu hứng, từ bờ biển Mân Thái lên đỉnh Sơn Trà (TP.Đà Nẵng) cho tôi vỡ ra nhiều điều. Tôi tự nhủ mình đang có những bước chạy trong mây...

Minh họa: HUYỀN TRANG

Hoài niệm thư tay

(GLO)- Khi ngồi bên hiên nhà cùng cơn mưa cuối mùa, tôi lại nhớ về những người bạn thân từ thuở nhỏ. Đã mấy lần cầm điện thoại, định gọi hoặc nhắn tin trong nhóm, nhưng rồi lại thôi.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Bữa cơm ngoài đồng

(GLO)- Tôi sinh ra từ làng, lớn lên cùng cánh đồng mỗi năm 2 vụ chính. Thuở ấu thơ, tôi và cánh đồng cùng đi qua những mùa mưa nắng, cùng đằm vị mồ hôi chát mặn của cha mẹ và niềm vui lan tỏa của những bữa cơm ngoài đồng.

“Có nỗi nhớ không mang tên”

“Có nỗi nhớ không mang tên”

(GLO)- Chiếc xe khách lướt êm trên quốc lộ 14 uốn lượn theo những hàng thông. Mặt trời đã ở phía sau lưng, hoàng hôn lộng lẫy dát vàng lên những tàng cây cao vút. Khi bước chân tôi chạm vào vùng đất đỏ bazan thì sương mù cũng vừa bảng lảng.

Mưa thu

Mưa thu

(GLO)- Mùa thu bao giờ cũng đem đến nhiều xúc cảm, nhất là khi thư thái ngồi lại cùng những cơn mưa.
Đừng vội nản lòng

Đừng vội nản lòng

(GLO)- Ai trồng cây cũng mong đến ngày hái quả. Người ta khi làm việc gì cũng đều mong gặt hái được kết quả. Điều tốt đẹp sẽ đến với những ai biết chờ đợi. Vậy nên, đừng vội nản lòng khi kết quả mình mong đợi chưa đến.
Như cau trước bão

Như cau trước bão

(GLO)- Lúc gia đình tôi chuyển về nơi ở mới, ngay trước cửa đã có hàng cau thẳng tắp. Cây nối nhau, cao tầm hơn chục mét, như chiếc lược lớn chải vào mây trời.

Trăng ngọc ngà

Trăng ngọc ngà

Non đêm, mấy người đàn ông trung niên trong xóm tụ lại trước sân nhà Minh, chơi cờ giết thời gian, ca hát góp vài tiếng lao xao chờ đón trăng lên. Trong đám người lao xao đó có vợ chồng Thụy.
Mây ngũ sắc…

Mây ngũ sắc…

Bà ơi bà! Giá mà bà cháu mình được ngồi đung đưa trên vầng trăng lưỡi liềm kia thì vui phải biết. Hai bà cháu mình ngắm mây bay luồn qua những kẽ ngón chân. Thò tay xuống nhón mây chỗ này thả ra chỗ kia. Nặn lại mấy vầng mây hình thù xấu xí kia thành hình bông hoa, con cún.
Lời sóng vỗ

Lời sóng vỗ

(GLO)- Biển trong mắt người gắn mình với xứ núi hơn 40 năm luôn là một điều bí ẩn. Có lẽ vì thế nên những lần đắn đo lựa chọn điểm đến cho những kỳ nghỉ ngắn hoặc dài ngày, nơi có biển vẫn luôn là ưu tiên.