Ra Bắc, vào Nam

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Hơn nửa đời người, tôi loay hoay đi về giữa 2 miền Nam-Bắc. Miền Bắc là quê hương, là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Còn miền Nam là nơi tôi học tập và trưởng thành.

Tôi có đủ nét tính cách đặc trưng của những miền đất gắn bó với cuộc đời mình. Và tôi luôn thấy mình may mắn bởi cái hành trình sống pha trộn giữa 2 miền đất.

ra-bac-vao-nam-bg.jpg
Minh họa: HUYỀN TRANG

Cha tôi là một quân nhân. Cuộc đời quân ngũ của ông ở đâu thì đưa theo cả gia đình đi cùng. Đó là lý do tôi đã chia nhỏ mấy chục năm tuổi của mình cho những miền đất khác nhau. Có những năm, tôi được đón Tết cùng cha ở đơn vị. Cha cùng với đồng đội tự gói bánh chưng, bày mâm ngũ quả, trang trí bàn thờ Tết.

Mùa xuân phương Nam có những cành mai vàng rực rỡ. Đó là những mùa xuân như những chồi non biêng biếc mãi xanh trong ký ức của tôi. Những năm tháng trong quân ngũ, tôi biết cha chưa bao giờ nguôi ngoai nỗi nhớ quê nhà, nỗi nhớ xứ Bắc. Cha tôi trồng một cây mai và một cây đào ở lối đi bên ngõ nhà, đối xứng nhau. Mỗi độ giáp Tết, cha dành một ngày, tỉ mẩn ngắt từng chiếc lá để hoa nở đúng dịp.

Trên đất bazan, sắc vàng, sắc thắm của hai loài hoa như nhuộm nắng xuân thêm rực rỡ. Cây đào cha tôi mang từ quê vào là đào bích được chiết từ vườn nhà ông bà tôi. Còn cây mai, cha đem về từ một lần vào núi lấy lá dong gói bánh. Nhìn 2 cây cùng lớn lên, được cha chăm chút cẩn thận, tôi như đọc được tình cảm của một người đã đi gần trọn cuộc đời cùng tình cảm được chia đều cho 2 miền Nam-Bắc.

Thỉnh thoảng, cha về quê chơi, xong được ít hôm lại thấy ông bảo muốn về Nam. Con người ta là như vậy, luôn phải phân mảnh tình cảm của mình theo hành trình sống đôi khi không định trước.

Tôi luôn rất hào hứng với những gì xưa cũ. Quá khứ luôn là thứ khiến trí tưởng tượng của tôi bay bổng. Với tôi, chẳng có gì bí ẩn hơn những câu chuyện đã lặng ngủ trong lớp lớp tháng năm. Một lần, từ trên đỉnh Nghĩa Lĩnh, trước thành quách lăng mộ rêu phong, tôi đã hình dung về một đời sống tự hàng ngàn năm trước.

Từ cái khoảng không gian trập trùng đồi núi ấy, con người đã mất bao lâu để làm cuộc di cư xuống đồng bằng? Và trải qua nhiều ngàn năm nữa để mảnh đất hình chữ S mở rộng dần về phương Nam. Trên hành trình mở rộng đất đai cương vực luôn mang theo những con người với những nét tính cách và cả nếp sinh hoạt, văn hóa khác nhau, góp phần làm đa dạng, phong phú thêm mỗi vùng đất.

Chiếc bánh chưng Lang Liêu dâng cúng trời đất, tổ tiên trong truyền thuyết, khi vào đến miền Trung, miền Nam thì thành bánh tét. Dẫu có khác nhau về hình dạng, nhưng vẫn cùng chung nguyên liệu. Vẫn hương vị của gạo nếp, đậu xanh, thịt heo ướp hạt tiêu ấm thơm hương vị ngày Tết sum vầy. Vẫn tròn đầy ý nghĩa gói ghém trong lớp lá dong xanh về sự đoàn viên, quấn túm của đất trời, của lòng người.

Ra Bắc ăn miếng bánh chưng cùng củ hành muối chua hăng nồng, vào Nam ăn miếng bánh tét cùng củ kiệu chua ngọt đậm đà cay xé lưỡi. Dẫu ra Bắc hay vào Nam, vẫn thân thương vồn vã câu chúc lời chào khi Tết đến, xuân về. Dẫu âm thổ vùng miền khác nhau nhưng đều chắt ra từ tình cảm mến thương vô cùng và đời đời nhân hậu của người Việt chúng ta. Người Việt có một triết lý sống giản dị nhưng thâm sâu vô cùng, đó là quan niệm lá rụng về cội. Dẫu tha phương cầu thực xứ nào, ngày Tết cũng lo thu xếp để trở về bên gia đình.

Ngày trước, tam tứ đại đồng đường cùng chung sống dưới một mái nhà. Giờ không gian có rộng mở hơn đôi chút, nhưng lòng người vẫn hướng về quê hương nguồn cội. “Con người có tổ có tông/Như cây có cội như sông có nguồn”, bao đời người ta nhắc nhau câu ca ấy.

Trong hành trình ra Bắc vào Nam, tôi đã gặp nhiều người, nhiều việc khiến tôi để tâm và suy ngẫm để đối sánh với chính mình. Trên những chuyến xe di chuyển ngược xuôi, tôi thường chú ý đến những đứa trẻ. Có những em bé chỉ mới vài tháng tuổi, có những bạn đã trưởng thành. Những đứa trẻ có giọng nói không giống với cha mẹ. Bởi các con được sinh ra ở một nơi hoàn hoàn khác với cha mẹ mình.

Một lần ngược lên miền núi phía Bắc, cùng chuyến xe với tôi hôm ấy có một gia đình trẻ. Vợ chồng tầm ngoài ba mươi và 2 đứa con đang ở độ tuổi học sinh tiểu học. Đám trẻ phát âm giọng Sài Gòn rất chuẩn. Quãng đường di chuyển khá xa, đủ để chúng tôi bắt chuyện làm quen. Mỗi người một lý do, không ai giống ai, để ở lại bắt đầu một hành trình mới trên một miền đất khác, không phải quê hương mình. Nhưng chúng tôi đều giống nhau ở một điểm, đó là luôn mong muốn con cái mình biết đến quê hương nguồn cội.

Đó là lý do trên những chuyến đi, không khi nào vắng mặt những đứa trẻ. Tiếng nói cười ríu rít, những câu hỏi ngây ngô của chúng làm cho chặng hành trình như được rút ngắn và rất nhiều sự ấm áp được nhen lên.

Tôi có nhiều bạn bè gốc Bắc sống xa quê. Xa quê có vô vàn nỗi nhớ. Nhớ người thân, nhớ bạn bè, nhớ kỷ niệm ấu thơ, nhớ món quê, nhớ một màu hoa xuân, nhớ cả thời tiết bốn mùa khác biệt.

Có người mỗi năm, dù bận bịu đến đâu cũng phải trở về Bắc để xúng xính áo khăn thưởng nốt cái rét vào dịp Tết. Người thì tìm đặt mua những món ăn quê, như là một cách để được sống lại những tháng ngày đã trôi qua.

Người ta có rất nhiều lý do để nhớ thương một điều gì đó. Và với tôi, nhớ thương làm cho cuộc đời dịu lại, mềm đi, lắng sâu trước bộn bề áo cơm vất vả. Từ cha mẹ tôi, từ tôi, như cái cây bị bứng khỏi chốn quê nhà, đem trồng lên mảnh đất mới, dẫu khác biệt hoàn toàn về không gian, đất đai, thổ nhưỡng, khí trời, song vẫn sinh trưởng, vẫn ra lá đơm hoa đúng mùa. Đó là sự thích nghi, là mến thương dành cho đất, cho miền quê mới.

Trời se se lạnh. Lại thấy cha tôi loanh quanh đầu ngõ với cây mai, cây đào. Chắc ông lại lo hoa nở không đúng ngày nếu lỡ quên không ngắt lá. Tôi chưa thấy ông quên bao giờ, nhưng năm nào ông cũng lo vậy. Trên nền đất bazan son đỏ, tôi như đã thấy màu hoa nhuộm thắm quyện vào màu đất, màu nắng trong hương xuân đượm nồng.

Có thể bạn quan tâm

Cõi hoa vàng

Cõi hoa vàng

(GLO)- Không biết đã bao lần tôi thả bước giữa những đồi chè Biển Hồ xanh ngát. Nơi ấy có những cây muồng già sum suê tỏa bóng, đan xen trong vườn chè. Mùa hoa muồng nở rộ, những chùm hoa vàng dắt díu, đung đưa, ánh lên trong nắng sớm. 

Về nhà

Về nhà

Mấy cơn gió rượt đuổi nhau làm trời đêm mát rượi. Tân ngủ mê trên ghế bố kê cạnh chiếc xe khách mặc kệ cho phía bên kia đường mấy bài hát xuân vẫn ra rả vọng ra từ chiếc loa kẹo kéo.

Thời khắc thiêng liêng

Thời khắc thiêng liêng

(GLO)- Khi mâm cúng tất niên được bày biện tươm tất hay lễ cúng trừ tịch (cúng Giao thừa) hiện diện trong mỗi nếp nhà, có lẽ đó là những thời khắc thiêng liêng với mỗi gia đình.

Nhớ quê

Nhớ quê

(GLO)- Ai cũng có một tuổi thơ gắn liền với miền quê thân thương. Nơi đó có ba mẹ, anh chị em sum vầy, ríu rít tiếng cười, đầy ắp niềm vui. Đi qua những ngày cuối năm, một người con xa xứ như tôi lại bồi hồi tìm về ký ức xưa.

Ký ức yêu thương

Ký ức yêu thương

(GLO)- Những ngày trời lạnh như thế này, tôi thường có thói quen co ro trong chăn ấm và để ký ức thức dậy cùng biết bao kỷ niệm thời thơ ấu. Ký ức ngọt ngào, chan chứa yêu thương ấy luôn khiến lòng tôi mềm mại, ấm áp đến lạ kỳ.

Cây sẽ cho lộc

Cây sẽ cho lộc

Không chỉ cây lá mới cho lộc, mà bất cứ công việc gì nếu như mình làm bằng tất cả yêu thương và say mê, chắc chắn sẽ hái quả ngọt

Hoài niệm Tết xưa

Hoài niệm Tết xưa

Không chỉ những người cao tuổi luôn nhớ Tết xưa, mà trẻ thuộc thế hệ Gen Y, Z cũng hoài niệm về Tết với những hương vị, sắc màu, phong tục đậm chất Việt Nam.

Minh họa: Huyền Trang

Gió qua sông…

(GLO)- Tôi ngồi trên một cù lao giữa thênh thênh sông nước miền Tây. Bốn bề ngăn ngắt màu xanh cây trái phủ sẫm cả một vùng. Con sông rộng mênh mông, phải nheo mắt mới nhìn thấy dáng phố xa xa khuất lấp sau những miệt vườn. Gió chênh chao lướt qua mặt sông.

Thắng cảnh Biển Hồ. Ảnh: Phạm Quý

Phố núi tình thân

(GLO)- Pleiku đang trở thành điểm đến yêu thích của nhiều du khách. Vẻ đẹp hoang sơ và tình cảm của con người nơi đây khiến không ít người tìm đến Pleiku như là một điểm dừng chân thú vị.

Ảnh minh họa: Phùng Tuấn Ngọc

Hoài niệm Tết

(GLO)-Tết vừa gợi nên biết bao yêu thương nhưng cũng là nỗi lo của người lớn. Nhưng Tết hiện diện trong suy nghĩ của trẻ con thì khác, nó háo hức, chộn rộn trong tiếng cười, trong tiếng vỗ tay reo vui khi thấy mẹ bắt đầu dọn dẹp nhà cửa và mua bánh kẹo. Và, Tết luôn đầy màu sắc, đầy tiếng cười vui.

Xuân về khoe áo mới

Xuân về khoe áo mới

Tết đến, Xuân về ai cũng muốn mọi điều đều mới mẻ, tốt đẹp. Nên cùng với việc dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa thì việc được quan tâm nhiều, háo hức nhiều là sắm sửa quần áo mới.

Hoa mùa xuân

Hoa mùa xuân

(GLO)- Mùa này, trên khắp nẻo núi đồi, thung xa hay trong mỗi vườn nhà, những chồi non lộc biếc bắt đầu mởn xanh trong gió, rực rỡ đón chào năm mới.

Dốc xưa

Dốc xưa

(GLO)- Nhìn từ trên cao xuống, bạn sẽ thấy đèo dốc như những dải lụa mềm mại. Ấy vậy mà khi đặt chân đến đó, bạn sẽ thấy nó như một thách thức lớn khiến ta phải ngẫm nghĩ thật nhiều. Nhưng, không phải lúc nào chênh vênh cũng làm ta ngã mà lại bồi đắp nên nghị lực và ý chí vượt khó.

Hoa rù rì bên dòng Pô Cô

Hoa rù rì bên dòng Pô Cô

(GLO)- Dòng Pô Cô huyền thoại uốn lượn qua miền biên giới Ia Grai trước khi chảy qua Campuchia hợp lưu với sông Mê Kông. Mỗi độ cuối đông đầu xuân, ven bờ sông và trên cồn bãi xuất hiện một loài hoa rất đẹp, người Jrai gọi là bra tang hay còn gọi là hoa rù rì.

Công nhân Công ty 74 vận hành máy băm trộn cỏ làm thức ăn cho bò. Ảnh: T.S

Tình ca du mục miền Ia Kla

“Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời/Cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát đồng”. Giai điệu ca khúc lãng mạn của những năm tuổi trẻ cứ nhẹ nhàng lẩn quất trong tâm trí khi tôi đến thăm trại bò siêu thịt của Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) trên địa bàn xã Ia Kla, huyện Đức Cơ.