Gia Lai tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hợp tác xã

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 2-8, tại khách sạn Pleiku Palace (22 Phan Đình Giót, TP. Pleiku), Liên minh Hợp tác xã (HTX) tổ chức hội nghị gặp mặt HTX để nắm bắt, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các HTX. 

Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Tuấn Anh-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành thuộc tỉnh; lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố; đại diện một số doanh nghiệp lớn và trên 100 HTX tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội nghị gặp mặt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hợp tác xã. Ảnh: Hà Duy
Quang cảnh hội nghị gặp mặt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hợp tác xã. Ảnh: Hà Duy

Báo cáo tại hội nghị cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 498 tổ hợp tác với 4.305 tổ viên; các tổ hợp tác chủ yếu liên kết sản xuất trong nông nghiệp, khai thác công trình thủy lợi, tạo việc làm và thu nhập cho nhân dân. Tính đến ngày 25-7, toàn tỉnh có 457 HTX (trong đó có 368 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, 13 HTX hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, 39 HTX hoạt động trong lĩnh vực giao thông vận tải, 11 HTX hoạt động lĩnh vực xây dựng, 20 HTX thương mại và 6 Quỹ Tín dụng nhân dân).

Trong 7 tháng đầu năm 2024, có 75 HTX ngưng hoạt động (tăng 8 HTX so với cuối năm 2023); 16 HTX chưa chuyển đổi theo Luật HTX (giảm 3 HTX so với cuối năm 2023); có 26 HTX thành lập mới, đạt 96,3% so với Nghị quyết Ban Chấp hành Liên minh HTX tỉnh lần thứ 8 đề ra; 8 HTX giải thể.

Tổng số vốn điều lệ (theo giấy phép đăng ký kinh doanh) của các HTX trên địa bàn là 933,724 tỷ đồng; doanh thu ước đạt 136,163 tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước 1,955 tỷ đồng. Tổng số thành viên HTX là 19.086 người và giải quyết việc làm cho 1.887 lao động tại địa phương.

Đại diện các HTX phát biểu, nêu những khó khăn của mình tại buổi gặp mặt. Ảnh: Hà Duy
Đại diện các HTX phát biểu, nêu những khó khăn của mình tại buổi gặp mặt. Ảnh: Hà Duy

Hiện có 95 HTX tham gia chuỗi liên kết sản xuất các loại cây trồng. Thông qua hoạt động liên doanh, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, các HTX đã thể hiện được vai trò cầu nối, tạo điều kiện cho các thành viên, hộ nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, góp phần giải quyết việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động, tạo được niềm tin cho thành viên.

Toàn tỉnh có 54 HTX ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp; có 6 HTX được cấp mã vùng trồng; có 133 sản phẩm của 40 HTX được chứng nhận OCOP đạt 4 sao, 3 sao (trong đó có 11 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao; 47 HTX đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá, dịch vụ và 7 HTX triển khai truy xuất nguồn gốc sản phẩm).

Một số khó khăn, vướng mắc đã được đại diện các HTX đưa ra tại hội nghị để tìm giải pháp tháo gỡ, tập trung vào các vấn đề như: HTX khó tiếp cận nguồn vốn vay; cán bộ được hỗ trợ về làm việc tại HTX đã chuyển công tác, đề nghị được tuyển người mới có trình độ chuyên môn phù hợp với nhu cầu của HTX; đề nghị triển khai lớp đào tạo nghề giám đốc HTX và tạo điều kiện cho HTX được tiếp cận chính sách hỗ trợ cán bộ trẻ về làm việc; HTX khó tìm đầu ra cho sản phẩm; cần có quy định mức giá nước áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ; một số HTX chưa có trụ sở làm việc, đề nghị được bố trí cho thuê đất để làm trụ sở...

Một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Hà Duy
Một số sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu được trưng bày tại hội nghị. Ảnh: Hà Duy

Sau khi nghe các kiến nghị, đề xuất của các HTX cũng như nội dung trả lời từ các sở, ban, ngành có liên quan, kết luận tại hội nghị, ông Nguyễn Thế Hùng-Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh nhấn mạnh: “Thời gian tới, Liên minh HTX sẽ tiếp tục chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, địa phương thực tốt các chủ trương, chính sách của tỉnh và Trung ương về phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn tỉnh; tiếp tục mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ HTX để nâng cao trình độ, năng lực hoạt động sản xuất kinh doanh cho các HTX thành viên.

Chú trọng phát triển những mô hình liên kết giữa doanh nghiệp-hợp tác xã-nông dân với ứng dụng công nghệ cao, xây dựng HTX gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực địa phương. Tiếp tục tư vấn, hướng dẫn các HTX vay vốn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX tỉnh và Quỹ hỗ trợ phát triển HTX Liên minh HTX Việt Nam để có thêm điều kiện để phát triển sản xuất kinh doanh. Liên minh HTX tỉnh Gia Lai cũng đề nghị các HTX cần năng động, chủ động và đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động và sức cạnh tranh của HTX”.

Có thể bạn quan tâm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

Công nhận sản phẩm OCOP 4 sao cho 18 sản phẩm

(GLO)-Ngày 14-1, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp ký ban hành Quyết định số 28/QĐ-UBND về việc công nhận kết quả đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm đợt II-2024.

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

(GLO)- Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.