Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên biển. Ảnh: AAP |
"Hành vi như vậy không chỉ vi phạm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS 1982) mà còn vi phạm các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, trong đó quy định mỗi quốc gia có trách nhiệm phải kiềm chế sử dụng vũ lực hoặc gây hấn để thực thi, đặc biệt trong trường hợp này, các yêu sách lãnh thổ bất hợp pháp trên biển", ông Teodoro phát biểu tại lễ kỷ niệm của hải quân Philippines.
Nhiều vụ va chạm đã xảy ra giữa Philippines và Trung Quốc ở Biển Đông trong thời gian qua, trong đó một số lần tàu hải cảnh Trung Quốc phun vòi rồng vào các tàu của Manila, gây thương tích cho các thành viên thủy thủ đoàn.
Tuần này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định các quy định mới nhằm bảo vệ trật tự hàng hải và không cần phải lo lắng nếu cá nhân và tổ chức liên quan không có hành vi bất hợp pháp.
Việt Nam ngày 23/5 đã lên tiếng về quy định mới nhằm thực thi Luật hải cảnh năm 2021 của Trung Quốc ( ban hành hôm 15/5 và sẽ có hiệu lực vào ngày 15/6). Theo đó, Điều 257 của quy định mới này cho phép lực lượng hải cảnh Trung Quốc tạm giữ tới 30 ngày người nước ngoài vi phạm luật xuất nhập cảnh, gây nguy hiểm cho an ninh và lợi ích quốc gia hoặc có hành vi hỗ trợ người khác vi phạm luật xuất nhập cảnh Trung Quốc.
Phó phát ngôn Đoàn Khắc Việt ngày nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, cơ sở lịch sử để khẳng định chủ quyền với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là phù hợp với luật pháp quốc tế, cũng như quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển được xác lập phù hợp với UNCLOS 1982.
"Việt Nam luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam tại các vùng biển, cũng như lợi ích hợp pháp chính đáng của công dân Việt Nam phù hợp với UNCLOS 1982 và luật pháp của Việt Nam", phó phát ngôn Bộ Ngoại giao khẳng định.