Tiểu đội dân quân thường trực xã Ia Pnôn: Lá cờ đầu trong tăng gia sản xuất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Bên cạnh nhiệm vụ trực, sẵn sàng chiến đấu, Tiểu đội dân quân thường trực xã Ia Pnôn (huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) còn thực hiện tốt công tác tăng gia sản xuất. Mới đây, đơn vị đã đạt giải nhất tại Cuộc thi tiểu đội dân quân thường trực tăng gia sản xuất giỏi của tỉnh.

Dẫn chúng tôi ra thăm vườn tăng gia sản xuất của đơn vị, anh Rơ Chăm Tuấn-Tiểu đội trưởng Tiểu đội dân quân thường trực xã Ia Pnôn-cho biết: Tiểu đội được thành lập ngày 1-8-2003. Từ đó đến nay, đơn vị luôn hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Tiểu đội có 9 cán bộ, chiến sĩ nhưng do tính chất công việc nên có thời gian, quân số tại đơn vị chỉ có 3 người, nhất là trong giai đoạn phòng-chống dịch Covid-19. Do các cán bộ, chiến sĩ của đơn vị trực 24/24 giờ tại trụ sở nên công tác tăng gia sản xuất để nâng cao đời sống luôn được chú trọng.

Các chiến sĩ dân quân thường trực xã Ia Pnôn tăng gia sản xuất. Ảnh: V.H

Các chiến sĩ dân quân thường trực xã Ia Pnôn tăng gia sản xuất. Ảnh: V.H

Để đảm bảo tăng gia sản xuất lâu dài, Ban Chỉ huy Quân sự xã đã báo cáo Đảng ủy, UBND xã quy hoạch các khu đất trống trong khuôn viên để đầu tư thành khu tăng gia của đơn vị. Ngoài thời gian cơ động thực hiện các nhiệm vụ, tranh thủ ngày nghỉ, giờ nghỉ, các cán bộ, chiến sĩ của Tiểu đội tổ chức khai hoang đất, lên luống, làm giàn che, chuồng chăn nuôi. Ngoài ra, đơn vị còn vận chuyển đất từ nơi khác về để đảm bảo trồng được các loại rau; ngâm ủ các loại lá để làm phân vi sinh chăm bón cho vườn rau. Tùy theo thời tiết và từng mùa, Tiểu đội chọn những loại rau củ phù hợp để trồng. Ngoài ra, cán bộ, chiến sĩ còn tích cực làm giàn che mưa, nắng cho các luống rau, sử dụng các loại chế phẩm sinh học để phun phòng trừ sâu bệnh. Vì vậy, rau củ do đơn vị làm ra luôn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đến nay, diện tích tăng gia sản xuất của Tiểu đội có gần 500 m2. Nhờ tăng gia sản xuất có hiệu quả, đơn vị đảm bảo nguồn thực phẩm sạch và đa dạng nên chất lượng bữa ăn hàng ngày cho cán bộ, chiến sĩ được nâng lên. Ông Hoàng Văn Hưng-Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã-cho biết: “Ban Chỉ huy Quân sự xã đã đưa vào bữa ăn hàng ngày tăng thêm thường xuyên từ 2.500 đồng đến 3.000 đồng/người; ăn thêm các ngày lễ, Tết từ 100 ngàn đồng đến 120 ngàn đồng/người. Cũng nhờ tăng gia sản xuất, chúng tôi tạo được nguồn quỹ để mua sắm một số đồ dùng phục vụ các hoạt động của đơn vị. Nguồn quỹ tự tạo cũng được dùng để thăm hỏi, động viên gia đình, người thân cán bộ, chiến sĩ gặp khó khăn, hoạn nạn, đau ốm và tổ chức sinh nhật đồng đội trong Tiểu đội. Từ đó, tình cảm đồng chí, đồng đội ngày càng đoàn kết, gắn bó”.

Các chiến sĩ dân quân thường trực chăm sóc vườn tăng gia. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Các chiến sĩ dân quân thường trực chăm sóc vườn tăng gia. Ảnh: Vĩnh Hoàng

Hiện nay, toàn tỉnh có 10 tiểu đội dân quân thường trực. Lực lượng này luôn có mặt 24/24 giờ tại trụ sở để thực hiện các nhiệm vụ được giao, đặc biệt là khi địa phương có các tình huống về an ninh, quốc phòng, thiên tai, hỏa hoạn. Chính vì thế, đảm bảo đời sống, nơi ăn ở ổn định cho cán bộ, chiến sĩ lực lượng dân quân thường trực luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Trụ sở Tiểu đội dân quân thường trực xã Ia Pnôn hiện chưa xây xong nên đơn vị đang ở trong khuôn viên UBND xã. Trong thời gian này, Tiểu đội đã tận dụng những khoảng đất trống để làm khu tăng gia sản xuất. Khu tăng gia không chỉ đảm bảo về rau xanh, thịt và trứng cho các cán bộ, chiến sĩ mà còn tạo cảnh quan xanh-sạch-đẹp trong khuôn viên UBND xã.

Ông Phan Ngọc Tuấn-Chủ tịch UBND xã Ia Pnôn-cho hay: Do luôn có mặt tại đơn vị nên cán bộ, chiến sĩ Tiểu đội dân quân thường trực có nhiều thời gian để tăng gia sản xuất. Cán bộ, chiến sĩ coi vườn tăng gia của đơn vị như của nhà mình nên ai cũng có trách nhiệm cao trong công tác này. Nhờ được đầu tư xây dựng, bố trí khoa học, trồng được nhiều loại rau củ quả nên vừa qua, Tiểu đội dân quân thường trực xã đã được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh công nhận là đơn vị tăng gia sản xuất giỏi nhất tỉnh.

Có thể bạn quan tâm

Ia Grai: Tặng bò giống cho phụ nữ khó khăn

Ia Grai: Tặng bò giống cho phụ nữ khó khăn

(GLO)- Sáng 15-4, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức trao tặng bò giống sinh sản cho 3 gia đình hội viên phụ nữ là hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Ia Hrung.

Trao bò giống cho 3 hộ nghèo huyện Đak Pơ

Trao bò giống cho 3 hộ nghèo huyện Đak Pơ

(GLO)- Ngày 14-4, tại Trung tâm Giống vật nuôi huyện Đak Pơ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) tổ chức bàn giao mô hình sinh kế thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Đức Cơ phối hợp tuần tra, bảo vệ đường biên (ảnh đơn vị cung cấp).

Phụ nữ Đức Cơ góp sức bảo vệ bình yên biên giới

(GLO)- Huyện Đức Cơ có 3 xã biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Chính sự phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các xã biên giới và đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị và bảo vệ bình yên biên giới.

Ông Nay Chin (ở giữa) tuyên truyền cho người dân về tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Ảnh: M.P

Ông Nay Chin vì bình yên thôn, làng

(GLO)- Với uy tín của mình, ông Nay Chin (thôn Điểm 9, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện thường xuyên phối hợp với chính quyền, lực lượng an ninh cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động những người từng lầm lỡ theo “Tin lành Đê ga” quay trở lại sinh hoạt tôn giáo thuần túy được Nhà nước công nhận.

Bà Rơ Ô H’Hieng-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Tul (xã Ia Broăi) hướng dẫn em Rơ Ô H’Tra học bài. Ảnh: R.H

Điểm tựa cho trẻ mồ côi

(GLO)- Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN xã Ia Broăi (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã tích cực triển khai hoạt động hỗ trợ trẻ mồ côi và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đường từ trung tâm xã Đăk Song đến các xã phía Đông huyện Kông Chro đã được bê tông hóa. Ảnh: N.D

Xã vùng sâu chuyển mình

(GLO)- Những ngày tháng tư lịch sử, có dịp thăm lại các xã phía Đông huyện Kông Chro (gồm Sró, Đăk Song, Đăk Pling, Đăk Kơ Ning), chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự khởi sắc của vùng quê một thời đối diện với bao khó khăn, thiếu thốn.

Gia đình anh Rơ Châm Nek có nguồn thu khoảng 200 triệu đồng/năm từ trồng trọt. Ảnh: T.D

“Làng Campuchia” trên đất Gia Lai

(GLO)- Gần nửa thế kỷ sau cuộc trốn chạy khỏi nạn diệt chủng Pol Pot để đến định cư ở làng Triêl (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), cuộc sống của những người dân Campuchia đã ổn định và ngày càng sung túc.