Chủ trì buổi làm việc có các ông: Vũ Hải Hà-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại (Quốc hội Việt Nam); Linkham Douansavanh-Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Công nghệ và Môi trường (Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào); Sous Yara-Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông (Quốc hội Vương quốc Campuchia).
Tham dự buổi làm việc còn có lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội 3 nước cùng đại diện các bộ, ngành 3 nước; lãnh đạo các tỉnh trong khu vực Tam giác phát triển. Về phía tỉnh Gia Lai có bà Siu Hương-Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; ông Nguyễn Hữu Quế-Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Hợp tác cùng phát triển
Khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam được hình thành từ năm 1999. Trải qua hơn 20 năm phát triển và hợp tác, khu vực này đã phát huy vai trò là cơ chế hiệu quả, gắn kết 3 nước láng giềng thân thiết, đảm bảo hòa bình, an ninh chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương trong khu vực Tam giác phát triển của Việt Nam đã quan tâm tạo điều kiện thuận lợi về chính sách, đầu tư phát triển hạ tầng phục vụ giao thương; công tác quản lý nhà nước tại các cửa khẩu biên giới từng bước được đổi mới, nâng cao năng lực, hiệu quả, hiệu lực thực thi nhiệm vụ. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế 5 tỉnh thuộc khu vực Tam giác phát triển của Việt Nam đạt 8,62%; cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực. Tỷ trọng khu vực nông-lâm-thủy sản trong GRDP vùng là 29,4%; công nghiệp-xây dựng chiếm 27,4%; dịch vụ đạt 38,7%. Tổng sản phẩm bình quân đầu người trên địa bàn 5 tỉnh năm 2022 đạt 60,6 triệu đồng. Trong 9 tháng năm 2023, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Lào đạt 1,197 tỷ USD, giảm 1,96% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 395 triệu USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 802 triệu USD. Còn kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Campuchia 9 tháng năm 2023 đạt 6,5 tỷ USD, giảm 23% so với cùng kỳ năm trước; trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia đạt 3,73 tỷ USD, nhập khẩu của Việt Nam từ Campuchia đạt 2,77 tỷ USD.
Trưởng đoàn 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: Đ.T |
Phát biểu khai mạc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Vũ Hải Hà nhấn mạnh: Đây là hoạt động hết sức quan trọng và có ý nghĩa nhằm chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam lần thứ nhất dự kiến diễn ra vào tháng 12-2023. Đồng thời, góp phần gìn giữ mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết và hợp tác nhiều mặt giữa 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam. Tháng 11-2022, tại Phnom Penh (Vương quốc Campuchia), việc Chủ tịch Quốc hội 3 nước đã ký Tuyên bố chung nhất trí nâng cấp cơ chế Hội nghị hiện nay giữa các ủy ban của Quốc hội 3 nước thành “Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam” là điểm nhấn lịch sử nhằm tăng cường và củng cố quan hệ hữu nghị, tình đoàn kết chặt chẽ và hợp tác toàn diện. Điều này thể hiện sâu sắc tinh thần đồng hành của Quốc hội với Chính phủ góp phần đưa khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam thành một khu vực phát triển bền vững, bao trùm, hòa bình, ổn định, hài hòa và tự cường, mang lại sự thịnh vượng cho tất cả người dân.
Quang cảnh buổi làm việc. Ảnh: Đ.T |
“Trong chuyến khảo sát chung lần này, chúng ta cùng thăm các cửa khẩu quốc tế, các dự án đầu tư tại Gia Lai, Kon Tum (Việt Nam); Stung Treng (Campuchia); Champasak (Lào) nhằm đánh giá việc triển khai thực hiện các thỏa thuận, chương trình hành động, dự án hợp tác trong khu vực Tam giác phát triển trên lĩnh vực đối ngoại, kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh đã được Chính phủ 3 nước ký, các hiệp định đa phương mà cả 3 nước là thành viên. Tôi đề nghị các đại biểu tham dự trao đổi thẳng thắn, cởi mở đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong thực hiện như Kế hoạch phát triển du lịch khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam giai đoạn 2020-2025 và tầm nhìn 2030, Hiệp định xúc tiến và tạo thuận lợi cho thương mại trong khu vực Tam giác phát triển, Kế hoạch hành động kết nối nền kinh tế 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam đến năm 2030... Ý kiến của các đại biểu về các sáng kiến, kiến nghị, giải pháp và phương hướng để thúc đẩy các cam kết, thỏa thuận của 3 nước tại khu vực Tam giác phát triển trong thời gian tới sẽ được tổng hợp tại báo cáo chuyến khảo sát thực địa tại các tỉnh thuộc khu vực Tam giác phát triển gửi tới Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước”-Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho hay.
Ông Vũ Hải Hà-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại (Quốc hội Việt Nam) phát biểu khai mạc buổi làm việc. Ảnh: Đ.T |
Lãnh đạo đoàn công tác của các nước Campuchia và Lào cũng đánh giá cao quan hệ hợp tác phát triển của 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam nói chung và khu vực Tam giác phát triển nói riêng thời gian qua. Đồng thời, đánh giá cao việc Quốc hội 3 nước đã tổ chức chuyến khảo sát thực địa chung lần này. Thông qua chuyến khảo sát sẽ ngày càng thắt chặt hơn nữa tình hữu nghị, đoàn kết giữa 3 nước trong khu vực, từ đó có những chính sách, thể chế để cùng nhau thúc đẩy nền kinh tế phát triển, hội nhập, quốc phòng-an ninh được giữ vững.
Nâng tầm quan hệ hợp tác
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành và các địa phương nằm trong khu vực Tam giác phát triển đã có báo cáo và trao đổi, thảo luận về các nội dung hợp tác trên các lĩnh vực đối ngoại, kinh tế, văn hóa-xã hội, quốc phòng-an ninh. Cùng với đó, các địa phương của Việt Nam nằm trong khu vực Tam giác phát triển cũng đã có những kiến nghị rất thực tế để tăng cường vai trò của Quốc hội 3 nước trong thúc đẩy quan hệ hợp tác, đối tác, đoàn kết và thịnh vượng, thúc đẩy kết nối 3 nền kinh tế Campuchia-Lào-Việt Nam. Từ đó, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, bao trùm và tăng cường vai trò giám sát của Quốc hội 3 nước đối với công tác quốc phòng-an ninh nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định trong khu vực và cùng phát triển.
Đoàn công tác tặng quà cho Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ). Ảnh: Đ.T |
Chiều 18-10, đoàn khảo sát đã đến thăm, làm việc với Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ) nhằm nắm tình hình hợp tác phát triển kinh tế-xã hội cũng như đảm bảo an ninh trật tự khu vực biên giới giữa 2 nước Campuchia-Việt Nam. Dịp này, đoàn công tác của Quốc hội 3 nước đã có các phần quà tặng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho rằng: Để đảm bảo phát triển nhanh, bền vững trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế đòi hỏi chúng ta phải có những nỗ lực mạnh mẽ, cùng nhau liên kết hành động, hiện thực hóa các mục tiêu hợp tác. Cụ thể, cần xây dựng các cơ chế ưu đãi đặc biệt cho khu vực Tam giác phát triển như chính sách đầu tư, thuế suất ưu đãi, cơ chế huy động vốn… hướng tới một khu vực kinh tế cân bằng chung và sớm thu hẹp khoảng cách của khu vực với các vùng kinh tế của 3 nước. Đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành Trung ương xem xét, bổ sung danh mục các nhiệm vụ, chương trình, dự án hợp tác, kết nối đến năm 2030 trong Kế hoạch hành động kết nối nền kinh tế 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam đến năm 2030.
Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đak Nông Nghiêm Đình Hiếu cũng có những kiến nghị rất thực tế để thúc đẩy tốt hơn nữa mối quan hệ giữa địa phương với các tỉnh lân cận của Vương quốc Campuchia. Ông Hiếu đề nghị: “Chính phủ, các bộ, ngành của Việt Nam và Campuchia tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực trọng điểm, thế mạnh của các tỉnh thuộc khu vực Tam giác phát triển như: nông nghiệp công nghệ cao, hạ tầng cơ sở, thương mại, du lịch, công nghiệp khai khoáng, chế biến nông-lâm sản nhằm phát triển các tiềm năng thế mạnh của các tỉnh. Đặc biệt, quan tâm đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, tạo thuận lợi cho thương mại, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và hội nhập kinh tế khu vực của các địa phương, bảo đảm an ninh và ổn định xã hội, tăng cường quan hệ đối ngoại, hiểu biết và gắn bó giữa Nhân dân 3 nước. Đồng thời, triển khai xây dựng các chương trình, kế hoạch và dự án cụ thể để thực hiện Kế hoạch kết nối 3 nền kinh tế Campuchia-Lào-Việt Nam đến 2030, nhất là khu kinh tế, thương mại cửa khẩu của 3 nước”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Đ.T |
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại, Hợp tác quốc tế, Thông tin và Truyền thông Quốc hội Vương quốc Campuchia Sous Yara nhấn mạnh: “Campuchia rất ủng hộ và tích cực triển khai các thỏa thuận hợp tác trong khu vực Tam giác phát triển. Qua hợp tác càng vun đắp, tăng cường mối quan hệ tốt đẹp giữa Campuchia-Lào-Việt Nam và hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau cùng phát triển. Campuchia tiếp tục có các cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vào tìm hiểu cơ hội đầu tư, phát triển, góp phần nâng tầm quan hệ hợp tác trong khu vực Tam giác phát triển thời gian tới”.
Còn Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Công nghệ và Môi trường Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Linkham Douansavanh thì cho rằng: “Thời gian qua, Lào đã tạo mọi điều kiện tốt nhất để nhà đầu tư các nước Campuchia, Việt Nam vào phát triển sản xuất kinh doanh. Điển hình, đến nay, chúng tôi đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam vào đầu tư phát triển hơn 30 dự án. Tuy nhiên, với tiềm năng, lợi thế của Lào thì con số này còn tương đối hạn chế. Do đó, tại buổi làm việc này, chúng ta cần xác định những tiềm năng, lợi thế của mỗi nước, từ đó xác lập, triển khai các nội dung hợp tác phù hợp để phát huy hiệu quả trong thời gian tới”.
Đại biểu Quốc hội 3 nước Campuchia, Lào, Việt Nam chụp ảnh lưu niệm bên lề buổi làm việc. Ảnh: Đ.T |
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Việt Nam Vũ Hải Hà ghi nhận những đánh giá, phân tích hết sức thẳng thắn, sâu sắc về thuận lợi, khó khăn, tồn tại, thách thức cũng như kiến nghị các giải pháp nhằm thúc đẩy hợp tác khu vực Tam giác phát triển, đem lại lợi ích cho người dân mỗi nước.
Ông Vũ Hải Hà khẳng định: “Chúng tôi ghi nhận những ý kiến, kiến nghị của đại biểu 3 nước và sẽ tổng hợp, xây dựng báo cáo chung gửi tới Hội nghị cấp cao Quốc hội 3 nước Campuchia-Lào-Việt Nam. Chắc chắn rằng Quốc hội 3 nước với vai trò quan trọng của mình sẽ đồng hành và hỗ trợ Chính phủ 3 nước tiếp tục xây dựng cơ chế, chính sách cho khu vực Tam giác phát triển nhằm phát huy hơn nữa tiềm năng của khu vực này. Qua đó góp phần giữ vững an ninh, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển của 3 nước cũng như đưa quan hệ giữa 3 nước, 3 Quốc hội ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả”.