Phường Tây Sơn quan tâm hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Nhiều năm qua, phường Tây Sơn (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã triển khai hiệu quả các dự án hỗ trợ sản xuất và tạo sinh kế để người dân nói chung, hộ nghèo, cận nghèo nói riêng phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Đa dạng mô hình sinh kế

Hội Nông dân phường Tây Sơn hiện có 482 hội viên sinh hoạt ở 7 chi hội. Những năm qua, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, cung cấp thông tin về chủ trương, chính sách liên quan đến công tác giảm nghèo, Hội Nông dân phường còn tích cực vận động hội viên tham gia mô hình trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao thu nhập.

Gia đình bà Nguyễn Thị Điệu (tổ 5) có thêm thu nhập nhờ tham gia mô hình trồng quất cảnh trong nhà lồng. Ảnh: A.P

Gia đình bà Nguyễn Thị Điệu (tổ 5) có thêm thu nhập nhờ tham gia mô hình trồng quất cảnh trong nhà lồng. Ảnh: A.P

Dẫn chúng tôi tham quan vườn quất xanh mướt, bà Nguyễn Thị Điệu (tổ 5) cho biết: Năm 2021, được cán bộ Hội Nông dân hướng dẫn, gia đình bà và 4 hộ trong tổ đăng ký tham gia mô hình trồng quất cảnh trong nhà lồng. Mô hình có mức đầu tư 198 triệu đồng, trong đó, Nhà nước hỗ trợ 100 triệu đồng, các hộ đóng góp 98 triệu đồng để mua vật tư làm nhà lồng, cây giống. Khi tham gia mô hình, các thành viên được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc, cắt cành, tạo tán và phòng ngừa sâu bệnh cho vườn cây.

Bên cạnh đó, mỗi thành viên đều có trách nhiệm, ý thức trong việc bổ sung kiến thức từ sách báo, áp dụng vào chăm sóc vườn cây phát triển xanh tốt, ra quả đúng dịp Tết. “Tết năm ngoái, chúng tôi xuất bán 170 cây quất, thu về 50 triệu đồng. Năm nay, quất ra nhiều quả, mẫu mã đẹp, hứa hẹn thu nhập của các thành viên sẽ cao hơn”-bà Điệu phấn khởi nói.

Bên cạnh mô hình trồng quất cảnh trong nhà lồng, phường còn triển khai mô hình trồng rau, chăn nuôi bò. Ông Nguyễn Hữu Thành-Chi hội trưởng Chi hội Nông dân tổ 6-cho hay: Tổ có 505 hộ, trong đó có hơn 80% hộ làm nông nghiệp, nguồn thu chủ yếu từ trồng mía, mì, rau màu và chăn nuôi bò. Được sự quan tâm đầu tư của thị xã và hỗ trợ của Hội cấp trên, năm 2022, Chi hội thành lập tổ hội trồng rau xanh theo hướng VietGAP với 5 thành viên/2.500 m2 đất sản xuất.

Đầu năm 2023, Chi hội vận động 7 hội viên tham gia mô hình chăn nuôi bò. Không chỉ tham gia tập huấn, qua sinh hoạt tổ nhóm, các thành viên có thêm kinh nghiệm, cập nhật thông tin giá cả thị trường, tìm đầu ra cho sản phẩm.

“Từ khi tham gia mô hình, tổ hội, việc chăn nuôi, trồng trọt của các hội viên nông dân ngày càng tốt hơn, ai cũng phấn khởi. Chi hội tiếp tục vận động hội viên tham gia mô hình chăn nuôi, tổ hội trồng rau, trong đó khuyến khích hội viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hội viên mới thoát nghèo tham gia. Ngoài ra, Hội Nông dân phường còn vận động, khuyến khích hội viên nghèo, cận nghèo tham gia mô hình trồng nấm bào ngư trong nhà lồng. Đây là cơ hội để hội viên tiếp cận mô hình phát triển kinh tế, cải thiện thu nhập”-ông Thành thông tin.

Cùng với vận động hội viên tham gia mô hình trồng trọt, chăn nuôi, Hội Nông dân phường còn phát động phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Ngày vì người nghèo”. Hội cũng thường xuyên vận động hội viên xây dựng Quỹ “Hỗ trợ nông dân” và phối hợp với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã giúp hội viên tiếp cận nguồn vốn vay để đầu tư giống cây trồng, vật nuôi.

Đến nay, có 14 hội viên vay 100 triệu đồng từ Quỹ Hỗ trợ nông dân; 140 lượt hội viên vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã với tổng dư nợ hơn 6,5 tỷ đồng. Hội cũng tham gia đầy đủ trực báo cụm 11 xã, phường theo định kỳ hàng quý ở các đơn vị bạn để học hỏi kinh nghiệm trong công tác xây dựng Hội; học tập các mô hình hay, sản xuất giỏi để áp dụng tại địa phương.

Trong năm 2023, Hội phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp thị xã, Phòng Kinh tế và các ban, ngành liên quan mở một số lớp tập huấn về phòng-chống sâu bệnh trên các loại cây nông nghiệp, hướng dẫn cách sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả cho 44 cán bộ, hội viên. Theo ông Nguyễn Vũ Hiệp-Chủ tịch Hội Nông dân phường: Năm 2023, Hội đăng ký giúp đỡ 1 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. Theo đó, Hội vận động hội viên, người dân chung tay đóng góp Quỹ “Vì người nghèo”.

Từ nguồn Quỹ “Vì người nghèo” của Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã (40 triệu đồng) và sự đóng góp của hội viên, người dân (13 triệu đồng), Hội đã tiến hành hỗ trợ cho hộ nghèo, cận nghèo sửa chữa nhà ở và mua bò sinh sản.

“Ngoài ra, nhân dịp khai giảng năm học 2023-2024, Hội phối hợp với các đoàn thể vận động nhà hảo tâm được 28 suất quà (500 ngàn đồng/suất) và 3 chiếc xe đạp (2,8 triệu đồng/xe) tặng học sinh có hoàn cảnh khó khăn, con hộ nghèo, cận nghèo. Hội xuất quỹ gần 6 triệu đồng để thăm hội viên đau bệnh, tặng quà nhân Tết Trung thu cho các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Những hoạt động có ý nghĩa thiết thực này đã tạo động lực giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo vươn lên trong cuộc sống”-ông Hiệp cho biết.

Tạo động lực để hộ nghèo vươn lên

Năm 2009, anh Lê Đình Trung (tổ 3) lập gia đình. Khi ra ở riêng, anh được bố mẹ cho hơn 100 m2 đất để dựng tạm căn nhà nhỏ. Do vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định nên khi có con, cuộc sống gia đình anh Trung càng khó khăn hơn. Năm 2014, vợ chồng ly hôn, anh Trung nhận nuôi cả 3 đứa con. Được bạn bè giới thiệu, anh Trung vừa học nghề sửa chữa ô tô vừa làm việc tại một gara trên địa bàn thị xã. Tuy nhiên, công việc không ổn định nên anh Trung chuyển sang phụ hồ, hái cà phê, bốc vác, gánh dưa hấu thuê.

Cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tây Sơn (bìa trái) thăm, tặng quà hộ nghèo trên địa bàn. Ảnh: A.P

Cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Tây Sơn (bìa trái) thăm, tặng quà hộ nghèo trên địa bàn. Ảnh: A.P

Ngôi nhà nhỏ của gia đình từ lâu đã xuống cấp nhưng anh Trung không có tiền tu sửa. Để giúp anh Trung ổn định chỗ ở, năm 2019, phường Tây Sơn vận động Mạnh Thường Quân ủng hộ 100 bao xi măng, phường hỗ trợ 10 triệu đồng; đoàn viên, thanh niên giúp đỡ ngày công xây dựng, san nền; Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã hỗ trợ 50 triệu đồng và gia đình vay của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách Xã hội thị xã 50 triệu đồng để xây dựng ngôi nhà kiên cố.

Ngày bàn giao nhà, anh Trung được các hội, đoàn thể tặng thêm nhiều vật dụng gia đình thiết yếu. Từ năm 2019 đến nay, Hội Chữ thập đỏ phường hỗ trợ gia đình nhu yếu phẩm, gạo trị giá 500 ngàn đồng/tháng. “Nhiều năm nay, gia đình còn được hưởng chế độ người đơn thân nuôi 3 con nhỏ hơn 1 triệu đồng/tháng. Tôi và các con cũng được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, học phí”-anh Trung bộc bạch.

Cũng được phường và các hội, đoàn thể tạo điều kiện, chị Nguyễn Thị Minh (tổ 6) đã vươn lên thoát nghèo. Chồng qua đời từ năm 2011, chị trở thành trụ cột gia đình, nuôi dạy 3 đứa con đang tuổi ăn tuổi học. Những lúc khó khăn, mẹ con chị luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của bà con hàng xóm, tổ dân phố và của phường.

“Gia đình chỉ có 2 sào ruộng. Mỗi lần thiếu tiền mua phân bón, mua lúa giống, Chi hội Phụ nữ, Chi hội Nông dân đều tạo điều kiện cho tôi vay vốn, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm thâm canh lúa 2 vụ đạt năng suất cao. Chị em trong Chi hội thường xuyên thông tin cho tôi về việc làm, gọi đi hái ớt, cắt rau, cuốc cỏ thuê. Nhờ vậy, tôi có tiền trang trải cuộc sống. Đầu năm 2022, phường cùng Mặt trận phường hỗ trợ 10 triệu đồng để tôi mua 1 con bò sinh sản về nuôi, nay đã đẻ bê con. Tôi cố gắng tích lũy mua thêm bò để nuôi vì thấy đây là hướng ổn định thu nhập”-chị Minh cho biết.

Theo Chủ tịch UBND phường Lữ Văn Tâm: Hàng năm, UBND phường căn cứ vào chương trình, kế hoạch của thị xã, Nghị quyết của Đảng ủy phường để xây dựng kế hoạch giảm nghèo, phân công thành viên Ban Chỉ đạo giảm nghèo của phường hỗ trợ giúp đỡ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong năm 2023, phường cùng Mặt trận, các hội, đoàn thể đã hỗ trợ 43,5 triệu đồng cho 5 hộ nghèo có thêm nguồn vốn phát triển sản xuất, chăn nuôi; phân công cán bộ làm cộng tác viên, tuyên truyền hướng dẫn người dân tham gia chương trình giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức đào tạo nghề cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu; tích cực tuyên truyền, phổ biến, hỗ trợ pháp luật và thông tin kế hoạch giảm nghèo qua các hội nghị ở khu dân cư, hệ thống loa của phường, của tổ dân phố để người dân nắm bắt, thực hiện.

“Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và công tác phối hợp giữa UBND phường, Ủy ban MTTQ Việt Nam phường và các hội, đoàn thể, đến cuối năm 2023, phường còn 39 hộ nghèo, 45 hộ cận nghèo. Thời gian tới, phường tiếp tục nhân rộng, đa dạng mô hình giảm nghèo hiệu quả; phát huy sáng kiến giảm nghèo dựa vào cộng đồng. Đồng thời, đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, khơi dậy ý chí tự lực, tự thân vận động để hộ nghèo có ý thức vươn lên, góp phần giảm số hộ nghèo trên địa bàn”-ông Tâm thông tin.

Có thể bạn quan tâm

Làng Bluk Blui ngày càng khang trang, khởi sắc. Ảnh: Đ.M.P

Về làng phong Bluk Blui

(GLO)- Hàng chục lần tôi trở về vùng đất Chư Păh (tỉnh Gia Lai) nhưng không vì thế mà trở nên nhàm chán. Mỗi lần về lại, chứng kiến bao thay đổi là lòng tôi thấy vui, vì sự phát triển của địa phương. Đặc biệt là với xã Ia Ka, với làng phong Bluk Blui-cái tên làng đặt theo tên một dòng suối ở đây.

Tặng 60 suất quà cho gia đình chính sách xã Gào

Tặng 60 suất quà cho gia đình chính sách xã Gào

(GLO)- Chiều 11-12, nhóm cựu chiến binh đến từ TP. Hồ Chí Minh phối hợp với Nhóm thiện nguyện 50K TP. Pleiku và tổ dân phố 3 (phường Diên Hồng, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình tặng quà cho gia đình chính sách tại xã Gào.

Phú Thiện: Cán bộ chủ chốt góp ý Dự thảo lần thứ nhất Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện

Phú Thiện: Cán bộ chủ chốt góp ý Dự thảo lần thứ nhất Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện

(GLO)- Sáng 11-12, Huyện ủy Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tiến hành hội nghị cán bộ chủ chốt toàn huyện góp ý Dự thảo lần thứ nhất Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XX, nhiệm kỳ 2025-2030. Các đồng chí Thường trực Huyện ủy chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Dự án 8 tại huyện Ia Pa. Ảnh: Vũ Chi

Ia Pa sơ kết 3 năm triển khai Dự án 8

(GLO)- Sáng 10-12, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Ia Pa (tỉnh Gia Lai) tiến hành sơ kết 3 năm thực hiện dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” giai đoạn 2021-2024.

Ảnh: Đ.M.P

Sró một thời...

(GLO)- Từ trung tâm huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đi chừng 30 km là đến xã Sró. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều lần trong các chuyến công tác, tôi đã qua lại nơi đây. Kỷ niệm thì nhiều, nhưng tôi nhớ nhất là hồi chú Trần Quốc Bảo làm Bí thư Huyện ủy.

Gia Lai: Công bố 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ

Gia Lai: Công bố 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai vừa ban hành Quyết định số 783/QĐ-UBND về việc công bố danh mục gồm 3 thủ tục hành chính mới trong lĩnh vực tài sản kết cấu hạ tầng chợ do nhà nước đầu tư, quản lý thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở Công thương, UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Phòng-chống cháy mía

Kbang tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía

(GLO)- Để chuẩn bị tốt thu hoạch mía niên vụ 2024-2025, phòng ngừa cháy mía gây thiệt hại cho người dân, UBND huyện Kbang đã chỉ đạo các xã, thị trấn đăng ký kế hoạch thu mua mía với Nhà máy đường An Khê, đồng thời tích cực xây dựng phương án phòng-chống cháy mía.

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

Tặng 600 chiếc áo ấm cho thiếu nhi xã Đak Sơ Mei

(GLO)- Chiều 6-12, Công ty TNHH Doanh nghiệp xã hội từ thiện và hỗ trợ phát triển cộng đồng Fly To Sky phối hợp cùng Đảng ủy-UBND-Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Đak Sơ Mei (huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) tổ chức chương trình “Áo ấm chuyền tay” nhằm trao tặng áo ấm cho thiếu nhi trên địa bàn xã.

Quang cảnh hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024 huyện Phú Thiện. Ảnh: Vũ Chi

Phú Thiện: 19/20 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt kế hoạch năm 2024

(GLO)- Sáng 6-12, UBND huyện Phú Thiện (tỉnh Gia Lai) tổ chức hội nghị tổng kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo an ninh-quốc phòng năm 2024, triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2025. Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Nguyễn Ngọc Ngô chủ trì hội nghị.

Đak Đoa điều chỉnh giảm dự toán vốn thực hiện Tiểu dự án 1-Dự án 4 Phát triển giáo dục nghề nghiệp vùng nghèo, vùng khó khăn hơn 300 triệu đồng. Ảnh Hà Duy.

Đak Đoa điều chỉnh vốn sự nghiệp thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững

(GLO)- Hội đồng nhân dân huyện Đak Đoa vừa ban hành Nghị quyết số 26/NQ-HĐND về việc điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp chưa giải ngân hết trong năm 2023 đã được chuyển nguồn sang năm 2024 và điều chỉnh dự toán vốn sự nghiệp năm 2024 thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (đợt 2).

Đại diện xã Chư Drăng và Hạt Kiểm lâm huyện Krông Pa kiểm tra các diện tích đất rừng giao cho người dân tại xã Chư Drăng. Ảnh: Lê Nam

Krông Pa tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng trong quản lý, bảo vệ và phát triển rừng

(GLO)- Qua 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/HU ngày 5-11-2021 của Huyện ủy Krông Pa về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng trên địa bàn huyện đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Mùa cà phê chín đỏ

Mùa cà phê chín đỏ

(GLO)- Dưới ánh nắng rực rỡ của những ngày cuối tháng 11, trên khắp các vườn cà phê chín đỏ, không khí thu hoạch rộn rã hơn. Năm nay, bà con nông dân đón mùa vụ với sự hân hoan lớn khi lần đầu tiên cà phê có một mức giá cao nhất lịch sử.