Phó Thủ tướng Thường trực phát động Năm An toàn giao thông 2022

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông đến hết ngày 14/02/2022.

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các đại biểu dự buổi lễ phát động. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và các đại biểu dự buổi lễ phát động. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)


Sáng 6/1, tại khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ (Hà Nội), Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phối hợp Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức phát động ra quân Năm An toàn giao thông 2022 và đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân năm 2022.

Phát biểu chỉ đạo và phát động Năm An toàn giao thông 2022, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nêu bật những kết quả đạt được trong Năm An toàn giao thông 2021.

Mặc dù dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, tác động nhiều mặt lên công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự an toàn giao thông năm 2021 tiếp tục có chuyển biến tích cực.

Số vụ tai nạn giao thông, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông đều giảm sâu so với năm 2020, đặc biệt số người chết giảm xuống dưới 5.800 người; ùn tắc giao thông từng bước được kiểm soát, cơ bản khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ do kiểm soát dịch COVID-19.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, ngoài những nguyên nhân khách quan, những kết quả đạt được đã khẳng định các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông mà Đảng, Chính phủ và của các ngành, các cấp đã và đang thực hiện trong những năm qua và trong năm 2021 là đúng đắn và hiệu quả.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nêu rõ theo dự báo của Tổ chức Y tế thế giới, năm 2022 và có thể là một vài năm tới, tình hình dịch COVID-19 sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của những biến chủng mới, đòi hỏi triển khai các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông tương ứng với nhịp độ phát triển kinh tế, sự gia tăng nhu cầu vận tải và mật độ phương tiện, đồng thời đảm bảo phòng chống sự lây nhiễm dịch bệnh trong giao thông vận tải và trong quá trình thực thi nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh yêu cầu các cơ quan thành viên của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả Năm An toàn giao thông 2022 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông an toàn gắn với kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” với 4 mục tiêu gồm nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật và xây dựng văn hóa giao thông an toàn; hàng năm giảm tai nạn giao thông từ 5-10% cả về số vụ, số người chết và số người bị thương; khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông trên các trục giao thông chính, các đầu mối giao thông trọng điểm, tại các đô thị lớn và không để xảy ra ùn tắc giao thông khi kiểm soát dịch bệnh, không để lây nhiễm, bùng phát dịch bệnh trong hoạt động giao thông vận tải cùng với thực hiện 8 nhóm giải pháp trọng tâm.

 

Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia phát biểu chỉ đạo. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)


Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, các bộ, ngành, đoàn thể và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện tốt các nhiệm vụ trong Công điện số 1725 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022; đặc biệt cần quan tâm đến công tác chỉnh trang, hoàn thiện, bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông gắn với tổ chức tốt công tác vận tải hàng hóa, hành khách, bảo đảm an toàn giao thông, an toàn phòng dịch; không để người dân không được về quê ăn Tết do thiếu phương tiện vận tải.

“Tăng cường tuần tra kiểm soát, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là vi phạm về nồng độ cồn khi lái xe và không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy, xe đạp điện, đây là hai nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông và làm tăng tỷ lệ thương vong trong các dịp Lễ, Tết; không vì Tết mà nể nang, xuê xoa trong xử lý các hành vi vi phạm; đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 cho người dân và doanh nghiệp khi tham gia giao thông và lực lượng thực thi nhiệm vụ," Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ đặc biệt lưu ý.

Phát biểu hưởng ứng Năm An toàn giao thông 2021, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh thể hiện quyết tâm của nhân dân Thủ đô thực hiện Năm An toàn giao thông 2022 và đợt cao điểm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân năm 2022.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đề nghị các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai quyết liệt Công điện số 1725/CĐ-TTg ngày 13/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Nhâm Dần và Lễ hội Xuân 2022.


 

Lực lượng cảnh sát diễu hành hưởng ứng lễ phát động ra quân Năm An toàn giao thông 2022. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Lực lượng cảnh sát diễu hành hưởng ứng lễ phát động ra quân Năm An toàn giao thông 2022. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)


Các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tập trung triển khai đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông đến hết ngày 14/02/2022, bảo đảm tuân thủ tuyệt đối các quy định về phòng dịch COVID-19 đối với lực lượng thực thi nhiệm vụ và người dân. Tập trung kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, đặc biệt là các hành vi như lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn, sử dụng ma túy, vi phạm tốc độ; chở quá tải trọng, quá số người quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi môtô, xe máy; lập phương án đấu tranh phòng, chống đua xe trái phép và tội phạm trên các tuyến giao thông; cương quyết trấn áp mọi hành vi chống người thi hành công vụ.

Kiểm tra việc thực hiện quy định về an toàn giao thông trong hoạt động đường sắt, đường thủy nội địa, nhất là các địa phương có hoạt động du lịch, lễ hội; thông báo các trường hợp vi phạm quy định về trật tự, an toàn giao thông là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc thành phố đến cơ quan, đơn vị chủ quản của người vi phạm để phối hợp quản lý, đồng thời có văn bản gửi Sở Nội vụ theo dõi, đôn đốc việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác tổ chức giao thông hợp lý, khoa học; tiếp tục tập trung xử lý các điểm ùn tắc giao thông, điểm đen về tại nạn giao thông; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác duy tu, duy trì hệ thống cầu, đường bộ, không để xảy ra tai nạn giao thông do nguyên nhân hạ tầng giao thông; khẩn trương hoàn thành nâng cấp, sửa chữa, bảo trì các tuyến giao thông trọng điểm, các tuyến đường đô thị và trả lại lòng đường phục vụ giao thông trước ngày 23/01/2022… nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu của Năm An toàn giao thông 2022.

Theo Tuyết Mai (TTXVN/Vietnam+)

Có thể bạn quan tâm

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Khoảng lặng ở Tây Hồ

Khoảng lặng thôn Tây Hồ

(GLO)- Khoảng lặng chúng tôi muốn nói đến chính là cuộc sống của những người từng mắc bệnh phong, sống lặng lẽ ở xóm cùi thuộc thôn Tây Hồ (xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai).