(GLO)- Phiên chợ hàng Việt vừa diễn ra vào cuối tháng 11-2016 đã tạo bước ngoặt trong việc đẩy mạnh xúc tiến thương mại giữa Gia Lai với tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia).
Kết nối tình hữu nghị
Sau hành trình hơn 170 km từ TP. Pleiku đến TP. Ban Lung (Ratanakiri, Campuchia), chúng tôi đến dự phiên chợ hàng Việt Nam tại Campuchia diễn ra trong 4 ngày (từ 25 đến 28-11) do Sở Công thương Gia Lai phối hợp với Sở Thương mại tỉnh Ratanakiri tổ chức.
Khách mua sắm tại phiên chợ. Ảnh: L.L |
Đây là một trong những nỗ lực của Sở Công thương Gia Lai trong việc hiện thực hóa chương trình đưa hàng Việt tiếp cận người tiêu dùng. Đặc biệt, Ratanakiri là một trong những tỉnh tiếp giáp với Việt Nam, đường sá thuận lợi và có đông Việt kiều sinh sống. Vì thế, phiên chợ hàng Việt là cơ hội đẩy mạnh phát triển hàng Việt Nam tại thị trường đầy tiềm năng này. Lựa mua một đôi dép da bán tại phiên chợ, ông Sor Sa Veth cho biết: “Đôi dép này có mẫu mã rất đẹp. Mình hay mua hàng Việt Nam”.
Nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của phiên chợ hàng Việt tại Campuchia, ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc Sở Công thương Gia Lai cho rằng: “Phiên chợ là một hoạt động nhằm tăng cường và củng cố quan hệ đoàn kết, hữu nghị truyền thống giữa nhân dân 2 nước Việt Nam-Campuchia nói chung và giữa Gia Lai và Ratanakiri nói riêng”.
Đây cũng chính là điều được ông Lun Sopheal-Phó tỉnh trưởng tỉnh Ratanakiri mong muốn: “Phiên chợ không chỉ là chiến lược xúc tiến thương mại mà còn là cơ hội để Campuchia thu hút đầu tư, góp phần đẩy mạnh phát triển không chỉ riêng Gia Lai, Ratanakiri mà là các tỉnh nằm trong khu vực Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam. Hy vọng thông qua phiên chợ này, các doanh nghiệp 2 nước có thể trao đổi tìm hiểu lẫn nhau nhằm tăng cường mối quan hệ hợp tác trong tương lai”.
Vẫn còn khó khăn
Vì là lần đầu tổ chức một phiên chợ hàng Việt ra nước ngoài nên công tác tổ chức vẫn còn một số bất cập. Theo dự kiến, thời gian khai mạc là 19 giờ ngày 25-11. Thế nhưng, lịch khai mạc thay đổi sớm hơn. Việc thông quan gặp một số trở ngại nên phiên chợ chỉ có 40 gian hàng của 20 đơn vị tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm. Đa số là hàng gia dụng, tiêu dùng, các sản phẩm thương hiệu lớn không nhiều.
Ông Phan Minh Đức-Giám đốc Công ty Sản xuất phân bón Trường Sinh phản ánh: “Theo thông báo của Sở Công thương Gia Lai thì mức thuế bán hàng tại phiên chợ là 0, nhưng khi đến cửa khẩu, phía nước bạn thông báo đánh thuế và mức thuế khá cao. Chưa kể, việc kiểm tra hàng hóa rất khắt khe, hàng mang đi để thực hiện chương trình khuyến mãi và dùng thử cũng không dám tặng vì khi quay về sẽ kiểm kê lại, nếu thiếu sẽ bị đánh thuế, còn thừa không được mang về…”.
Ngoài ra, do bất đồng ngôn ngữ nên việc giới thiệu, giao dịch tại phiên chợ cũng gặp nhiều khó khăn. Chưa kể việc chi trả cho các dịch vụ như nhà nghỉ, ăn uống tại Ban Lung khá đắt đỏ…
Theo Ban tổ chức, đây là phiên chợ đầu tiên được Sở Công thương tổ chức tại Campuchia nên còn một số khó khăn, hạn chế. Bởi lẽ, mọi công việc đều phụ thuộc vào nước bạn, từ việc thay đổi lịch khai mạc đến các thủ tục liên quan đến tổ chức. Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập nhưng phiên chợ hàng Việt tại Campuchia đã góp phần kết giao tình hữu nghị giữa 2 tỉnh, đặc biệt là bước đầu đã triển khai được việc xuất khẩu hàng Việt Nam qua Campuchia bằng đường chính ngạch của tỉnh qua Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh. Đây cũng là những kinh nghiệm để tổ chức những phiên chợ lần sau thành công hơn.
Dã Quỳ