Phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2024

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung tại hội nghị trực tuyến toàn tỉnh sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 9 tháng, triển khai nhiệm vụ công tác 3 tháng cuối năm 2024 diễn ra vào chiều 9-10.

Đồng chủ trì hội nghị có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Tuấn Anh, Dương Mah Tiệp. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đơn vị cùng lãnh đạo các huyện, thị xã, thành phố tại 17 điểm cầu.

Kinh tế-xã hội tiếp tục phát triển

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa thông tin: Trong tháng 9 và 9 tháng năm 2024, UBND tỉnh đã chỉ đạo, điều hành quyết liệt, thống nhất, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nên hầu hết các chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu đều bằng và vượt so với cùng kỳ năm 2023.

2qt-2152.jpg
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn

Theo đó, tốc độ phát triển tổng sản phẩm trong 9 tháng qua ước đạt 3,76%; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên 19.094 tỷ đồng, đạt 41,51% kế hoạch, tăng 4,1% so với cùng kỳ năm 2023; tổng diện tích gieo trồng đạt 587.238 ha, tăng 2,51%; thu ngân sách đạt trên 4.781 tỷ đồng, đạt 85% dự toán Trung ương giao, đạt 82,2% dự toán HĐND tỉnh giao, tăng 22,4%; kim ngạch xuất khẩu đạt 700 triệu USD, tăng 26,13%; có 764 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 6,9%…

Cùng với đó, toàn tỉnh hiện có 96 xã đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới; 159 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 128 thôn, làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số); có 311 sản phẩm OCOP của 161 chủ thể; có 5 sản phẩm đang đề nghị đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Ngoài ra, trong 9 tháng qua, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân được tỉnh triển khai kịp thời, đúng đối tượng. Giá cả một số mặt hàng nông sản chủ lực tiếp tục duy trì ở mức cao. Văn hóa-xã hội tiếp tục được quan tâm, du lịch có nhiều khởi sắc. An ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; tội phạm xâm phạm trật tự xã hội giảm cả 3 tiêu chí.

Tuy nhiên, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng nêu rõ những tồn tại, hạn chế trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh: “Vật tư, nhiên liệu đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp tăng cao, dịch bệnh trên vật nuôi xảy ra tại một số địa phương. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm so với cùng kỳ; giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm. Ngoài ra, một số vướng mắc trong lĩnh vực tài nguyên-môi trường chưa được kịp thời xử lý; việc triển khai Luật Đất đai năm 2024 còn nhiều vướng mắc; công tác phối hợp giải quyết công việc của một số sở, ngành còn thiếu chặt chẽ, chậm đề xuất, chất lượng chưa cao”.

phan-dau-hoan-thanh-cac-chi-tieu-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-nam-2024-bg-4684.jpg
Quang cảnh hội nghị sơ kết kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm 2024. Ảnh: Quang Tấn

Với những kết quả đạt được, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị và địa phương trong triển khai thực hiện nhiệm vụ 9 tháng năm 2024. Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị: “Lãnh đạo các sở, ngành, địa phương tập trung nghiên cứu, đánh giá tình hình, nhất là những mặt còn tồn tại, các vấn đề nổi cộm thuộc ngành, địa phương quản lý; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để tập trung triển khai trong thời gian tới. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các chỉ tiêu kinh tế-xã hội; thu ngân sách; phân bổ vốn và triển khai các dự án đầu tư công; triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia; kế hoạch triển khai Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thu hút đầu tư; tai nạn giao thông”.

Quyết liệt triển khai các nhiệm vụ, giải pháp

Trên cơ sở nhận diện những tồn tại, hạn chế và dự báo tình hình trong thời gian tới, đại diện lãnh đạo các sở, ngành đã tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc và đề ra nhiều giải pháp khắc phục, thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trong 3 tháng cuối năm 2024.

3pho-giam-doc-so-tai-chinh2-5935.jpg
Phó Giám đốc Sở Tài chính Đặng Công Lâm phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn

Về vấn đề thu ngân sách, Phó Giám đốc Sở Tài chính Đặng Công Lâm cho rằng: Bức tranh thu ngân sách của tỉnh 9 tháng qua rất khả quan. Khả năng trong 3 tháng còn lại của năm 2024, thu ngân sách của tỉnh sẽ tiếp tục tăng. Do vậy, chúng ta có thể tin tưởng sẽ thu đạt và vượt chỉ tiêu do Trung ương và HĐND tỉnh giao. Trong 17 khoản thu, chúng ta đã đạt và vượt 12 khoản. Đối với khoản thu tiền sử dụng đất, tỉnh mới chỉ đạt được hơn 16% kế hoạch.

Nguyên nhân chủ yếu khiến khoản thu này đạt thấp liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công. Vì vậy, từ nay đến cuối năm, tỉnh cần tập trung xử lý các vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, góp phần hoàn thành chỉ tiêu thu tiền thuế sử dụng đất.

“Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh và các sở, ngành, địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu ngân sách, đảm bảo thu đúng, thu đủ, kịp thời các khoản thu theo quy định, nhất là thu tiền sử dụng đất. Tập trung phân tích, đánh giá các khoản thu trên từng địa bàn để có giải pháp cụ thể đối với các khoản thu chưa bảo đảm tiến độ so với dự toán được giao”-Phó Giám đốc Sở Tài chính nêu rõ.

Đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ những vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư khẳng định: Tổng kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách năm 2024 đã phân bổ trên 4.436 tỷ đồng, hiện còn 200,54 tỷ đồng chưa được phân bổ. Tính đến ngày 25-9, tỉnh đã giải ngân được 1.751 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch vốn. Hiện nay, 4 tổ công tác của UBND tỉnh đang tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương, đơn vị.

“Đối với số vốn 200,54 tỷ đồng chưa được phân bổ (trong đó có 152,49 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương) là do chưa đủ cơ sở để phân bổ. Đây là vốn dành cho dự án đầu tư trong giai đoạn 2026-2030. Chúng tôi đang xin chủ trương của UBND tỉnh về việc gia hạn phân bổ nguồn vốn này khi đã đủ cơ sở giải ngân. Về điều chỉnh giải ngân vốn đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình UBND tỉnh để trình kỳ họp HĐND tỉnh cho điều chỉnh các dự án không có khả năng giải ngân để chuyển qua các dự án khác”-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư nêu giải pháp.

Về việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng với biến đổi khí hậu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa cho biết: Đến nay, Gia Lai đã chuyển đổi gần 7.500 ha cây trồng các loại. Toàn tỉnh có khoảng 255.668 ha cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance, FLO (chiếm 41,5% tổng diện tích gieo trồng). Để tiếp tục thực hiện tốt việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Sở sẽ đẩy mạnh thực hiện đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang phát triển cây trồng có giá trị kinh tế cao và thích ứng với biến đổi khí hậu. Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động sản xuất kinh doanh giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

4-giam-doc-so-nong-nghiep-va-ptnt-phat-bieu-tai-hoi-nghi-quang-tan-1015.jpg
Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Quang Tấn

“Tính đến ngày 25-9, toàn tỉnh đã trồng được hơn 5.000 ha rừng, đạt 55,72% kế hoạch. Chúng tôi cũng đã phê duyệt kế hoạch giao rừng cho 5 huyện với diện tích 6.024 ha. Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục triển khai các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; bảo tồn, phát triển hệ sinh thái; phối hợp cùng các ngành chức năng kiểm tra nhằm phát hiện, xử lý các vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung yêu cầu các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp và xử lý công việc theo thẩm quyền, chức năng nhiệm vụ được giao; đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ. Tiếp tục tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hiện đúng Quy chế làm việc của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh. Các đơn vị khẩn trương rà soát tất cả các chỉ tiêu kinh tế-xã hội năm 2024, nhất là các chỉ tiêu đạt thấp để có giải pháp cụ thể phấn đấu hoàn thành kế hoạch đã đề ra.

“Các sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục rà soát, hoàn chỉnh kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công năm 2025; đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Khẩn trương phân bổ các nguồn vốn còn lại theo quy định và xây dựng giải pháp cụ thể cho từng dự án; khẩn trương hoàn chỉnh Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thu ngân sách, quản lý chặt chẽ nguồn thu, khẩn trương có các giải pháp hiệu quả để đảm bảo kế hoạch thu năm 2024, nhất là thu tiền sử dụng đất. Khẩn trương nghiên cứu xử lý, tháo gỡ khó khăn đối với vật liệu xây dựng, đất san lấp, giá đất cụ thể, thủ tục hành chính lĩnh vực đất đai. Tiếp tục phối hợp với các địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm của tỉnh”-Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Rah Lan Chung: “3 tháng cuối năm, UBND tỉnh sẽ tập trung rà soát và xử lý dứt điểm các kiến nghị của cử tri sau đợt tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh theo đúng tiến độ. Tăng cường giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh biên giới. Tiếp tục tăng cường tuần tra, kiểm soát an toàn giao thông, phấn đấu giảm tỷ lệ tai nạn giao thông cả ở 3 tiêu chí. Cùng với đó, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương cũng nhanh chóng chuẩn bị kỹ các nội dung trình HĐND tỉnh khóa XII tại kỳ họp cuối năm đảm bảo chất lượng, đúng thời gian, đúng quy trình và quy định của pháp luật”.

Có thể bạn quan tâm

Tết nhân ái đến với bà con xã Gào

Tết nhân ái đến với bà con xã Gào

(GLO)- Sáng 11-1-2025, tại xã Gào (TP. Pleiku), Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ TP. Pleiku và các đơn vị, câu lạc bộ, hội, nhóm thiện nguyện...tổ chức chương trình Tết nhân ái giúp người nghèo, khó khăn vui Xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc.