Nữ chi hội trưởng cựu chiến binh nhiệt tình, trách nhiệm

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhiệt tình, trách nhiệm là nhận xét chung của hầu hết hội viên cựu chiến binh ở Chi hội cựu chiến binh tổ dân phố 2 (phường Đống Đa, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) khi nói về Chi hội trưởng Nguyễn Thị Minh Trí. 

Với vai trò “đầu tàu”, bà Trí luôn gương mẫu đi đầu trong triển khai thực hiện các phong trào, góp phần quan trọng trong việc đưa chi hội nhiều năm liên tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Bà Trí nêu ý kiến liên quan đến chế độ chính sách cho hội viên cựu chiến binh tại buổi đối thoại giữa Thường trực Thành ủy với hội viên cựu chiến binh cuối năm 2023. Ảnh: P.D

Bà Trí nêu ý kiến liên quan đến chế độ chính sách cho hội viên cựu chiến binh tại buổi đối thoại giữa Thường trực Thành ủy với hội viên cựu chiến binh cuối năm 2023. Ảnh: P.D

Trước khi tham gia các phong trào, hoạt động tại tổ dân phố 2 (phường Đống Đa, TP. Pleiku), bà Trí trải qua nhiều vị trí công tác và từng có thời gian tham gia làm nhiệm vụ quốc tế tại tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuhia).

Bà Trí kể: Năm 1974, khi đang là giáo viên dạy mầm non ở quê nhà xã Thạch Hải (huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh), nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà xung phong lên đường nhập ngũ ở tuổi 20. Trải qua 3 tháng huấn luyện tân binh, bà được biên chế về Đội Điều dưỡng 42 đóng quân ở huyện Nam Đàn (Nghệ An) với nhiệm vụ chính là chăm sóc các thương-bệnh binh. Cuối năm 1974, bà được cử đi đào tạo y sĩ tại Trường Quân y 1 đóng tại tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Hoàn thành khóa học năm 1977, bà được phân công về nhận công tác tại Trường Quân y Quân khu 5 làm Chủ nhiệm Quân y, rồi Trợ giáo quân y. Thời gian ngắn sau đó, bà xin về Bệnh viện Quân y 17 (Quân khu 5) để làm nhiệm vụ chuyên môn.

Cuối năm 1978, bà xung phong tham gia Đội điều trị 19 Quân khu 5 lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại tỉnh Ratanakiri (Vương quốc Campuchia). Nhiệm vụ của Đội lúc bấy giờ là thu dung, điều trị các thương, bệnh binh. “Trong khoảng thời gian từ 1978-1980, tôi cùng đồng đội đã cứu chữa rất nhiều thương bệnh binh song cũng chứng kiến nhiều hy sinh mất mát. Sau này có nhiều người hỏi, khi được phân công trông coi thi thể các liệt sĩ chờ đơn vị đến nhận và đưa trở về đất mẹ, chúng tôi có sợ không? Không! Tại sao chúng tôi phải sợ khi đó đều là đồng đội mình!”-bà Trí hồi nhớ. Sau khi thực hiện nghĩa vụ quốc tế, năm 1980 bà về công tác tại Bệnh viện Quân y 15, đến năm 1988 thì xin nghỉ chế độ bệnh binh 61%.

Dù bận rộn với việc chăm sóc gia đình, con cái và cuộc sống mưu sinh, song bà Trí vẫn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động tại địa phương. Bà có hơn 10 năm làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ tổ dân phố; từ 2006 đến nay làm Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh. Ngoài ra, bà còn làm cộng tác viên dân số, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Phụ nữ với hành lang an toàn giao thông”, phụ trách các nhóm liên quan đến nông dân, người cao tuổi trong tổ dân phố...Bà Lê Thị Anh Đào-hội viên cựu chiến binh tổ dân phố 2-vui vẻ nói: “Hiếm có người nào nhiệt tình, trách nhiệm và làm mọi việc tốt như cô Trí. Nhiệm vụ nào cũng xứng đáng đề nghị biểu dương, khen thưởng”.

Bà Trí (bên trái) trò chuyện cùng với hội viên Nguyễn Thị Mính. Ảnh: P.D

Bà Trí (bên trái) trò chuyện cùng với hội viên Nguyễn Thị Mính. Ảnh: P.D

Với tâm niệm, còn sức khỏe thì còn cống hiến và đã nhận nhiệm vụ phải luôn nỗ lực hoàn thành, vậy nên bà Trí luôn sắp xếp thời gian mỗi ngày để chu toàn việc gia đình cũng như làm tốt công tác quan tâm, chăm lo đời sống hội viên. “70 tuổi nhưng tôi vẫn đang học. Tôi nhờ con, cháu hướng dẫn cách sử dụng máy tính để có thể ứng dụng công nghệ thông tin trong soạn thảo văn bản, tra cứu thông tin khi cần và tham gia các cuộc thi trực tuyến do các cấp, các ngành tổ chức. Các kỳ thi của Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu 70 năm Chiến thắng Điện Biên phủ và 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh-Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn tôi đều tham gia đầy đủ”-bà Trí cho hay.

Nói về chi hội cựu chiến binh tổ dân phố 2, bà Trí thông tin: Chi hội có 167 hội viên. Trong đó, có 118 hội viên có quân hàm cấp tá; còn lại hội viên có quân hàm cấp úy, hạ sĩ quan, công nhân viên quốc phòng. Chi hội không còn hội viên nghèo, cận nghèo. Tuy nhiên, qua nắm bắt thực tế vẫn có hội viên gặp khó khăn đột xuất cần hỗ trợ vốn vay để phát triển kinh tế gia đình, do đó bà đã vận động hội viên đóng góp xây dựng quỹ chi hội. Theo đó, bình quân hội viên đóng 1,8 triệu đồng/người và đến nay quỹ có 255 triệu đồng tạo điều kiện cho 20 hội viên vay phát triển kinh tế với lãi suất thấp.

Vay 30 triệu đồng từ quỹ chi hội, hội viên Nguyễn Thị Mính chia sẻ: “Số tiền này tôi dùng để nhập thêm các mặt hàng cho cửa hàng tạp hóa tại nhà. Thời gian vay là 2 năm song chi hội cũng tạo điều kiện để hội viên trả trước hoặc gia hạn nếu kinh tế chưa cho phép. Vậy nên tôi cũng yên tâm”

Bên cạnh đó, bà còn vận động hội viên, người thân hưởng ứng Chương trình “Gửi tiền tiết kiệm chung tay vì người nghèo”. Đến nay, chi hội đã có nhiều lượt hội viên gửi với số tiền 210 triệu đồng vào Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh để tăng thêm nguồn vốn vay cho đối tượng khó khăn và các đối tượng chính sách khác. Bên cạnh đó, bà cũng vận động hội viên gìn giữ, phát huy phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, gương mẫu đi đầu trong chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chung sức xây dựng các tuyến đường trong khu dân cư luôn sạch đẹp, văn minh; đảm nhận 2 tuyến đường “Cựu chiến binh tự quản”,... Chưa hết, bà còn vận động thành lập Câu lạc bộ “Bóng chuyền hơi cựu chiến binh” với 18-20 thành viên. Vào các buổi chiều trong tuần, câu lạc bộ đều luyện tập để rèn luyện sức khỏe. Qua sân chơi bổ ích giúp các thành viên thêm gắn kết và dễ dàng sẻ chia.

Trao đổi với P.V, ông Đỗ Ngọc Ánh-Chủ tịch Hội Cựu chiến binh phường Đống Đa-khẳng định: Đây là chi hội có số hội viên đông nhất phường và cũng là chi hội duy nhất 5 năm liền hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Về Chi hội trưởng Nguyễn Thị Minh Trí luôn gương mẫu, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên thực hiện các phong trào, cuộc vận động tại cơ sở và quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần hội viên. Nhất là động viên, thăm hỏi kịp thời những trường hợp hội viên đau ốm, bệnh tật,...

Có thể bạn quan tâm

Ia Grai: Tặng bò giống cho phụ nữ khó khăn

Ia Grai: Tặng bò giống cho phụ nữ khó khăn

(GLO)- Sáng 15-4, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức trao tặng bò giống sinh sản cho 3 gia đình hội viên phụ nữ là hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã Ia Hrung.

Trao bò giống cho 3 hộ nghèo huyện Đak Pơ

Trao bò giống cho 3 hộ nghèo huyện Đak Pơ

(GLO)- Ngày 14-4, tại Trung tâm Giống vật nuôi huyện Đak Pơ, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) tổ chức bàn giao mô hình sinh kế thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để vươn lên thoát nghèo bền vững”.

Ông Đỗ Xuân Lâm luôn đặt sự an toàn lên hàng đầu trong mỗi chuyến đi. Ảnh: L.V.N

U70 đạt giải “Vô lăng vàng”

(GLO)- Hơn 30 năm gắn bó với nghề lái xe, ông Đỗ Xuân Lâm (SN 1960, trú tại tổ 4, phường Trà Bá, TP. Pleiku) luôn tâm niệm phía sau tay lái là hạnh phúc của rất nhiều gia đình.

Cán bộ, hội viên phụ nữ huyện Đức Cơ phối hợp tuần tra, bảo vệ đường biên (ảnh đơn vị cung cấp).

Phụ nữ Đức Cơ góp sức bảo vệ bình yên biên giới

(GLO)- Huyện Đức Cơ có 3 xã biên giới tiếp giáp với Vương quốc Campuchia. Chính sự phối hợp hoạt động chặt chẽ giữa Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) các xã biên giới và đồn Biên phòng đứng chân trên địa bàn đã góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của mỗi đơn vị và bảo vệ bình yên biên giới.

Triển khai quyết định về Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm

Gia Lai triển khai đề án Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm

(GLO)- Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai vừa ban hành văn bản số 846/UBND-KGVX triển khai nội dung Quyết định số 379/QĐ-TTg ngày 20-2-2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Người cao tuổi tham gia đẩy mạnh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp và tạo việc làm”.

Ông Nay Chin (ở giữa) tuyên truyền cho người dân về tinh thần đoàn kết, yêu thương nhau, sống “tốt đời, đẹp đạo”. Ảnh: M.P

Ông Nay Chin vì bình yên thôn, làng

(GLO)- Với uy tín của mình, ông Nay Chin (thôn Điểm 9, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện thường xuyên phối hợp với chính quyền, lực lượng an ninh cơ sở tích cực tuyên truyền, vận động những người từng lầm lỡ theo “Tin lành Đê ga” quay trở lại sinh hoạt tôn giáo thuần túy được Nhà nước công nhận.

Bà Rơ Ô H’Hieng-Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ buôn Tul (xã Ia Broăi) hướng dẫn em Rơ Ô H’Tra học bài. Ảnh: R.H

Điểm tựa cho trẻ mồ côi

(GLO)- Hưởng ứng chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) Việt Nam phát động, từ năm 2021 đến nay, Hội LHPN xã Ia Broăi (huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) đã tích cực triển khai hoạt động hỗ trợ trẻ mồ côi và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Đường từ trung tâm xã Đăk Song đến các xã phía Đông huyện Kông Chro đã được bê tông hóa. Ảnh: N.D

Xã vùng sâu chuyển mình

(GLO)- Những ngày tháng tư lịch sử, có dịp thăm lại các xã phía Đông huyện Kông Chro (gồm Sró, Đăk Song, Đăk Pling, Đăk Kơ Ning), chúng tôi càng cảm nhận rõ hơn sự khởi sắc của vùng quê một thời đối diện với bao khó khăn, thiếu thốn.

Gia đình anh Rơ Châm Nek có nguồn thu khoảng 200 triệu đồng/năm từ trồng trọt. Ảnh: T.D

“Làng Campuchia” trên đất Gia Lai

(GLO)- Gần nửa thế kỷ sau cuộc trốn chạy khỏi nạn diệt chủng Pol Pot để đến định cư ở làng Triêl (xã Ia Pnôn, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai), cuộc sống của những người dân Campuchia đã ổn định và ngày càng sung túc.