Dứt lời, anh Trưởng gọi video Zalo để tôi nhìn thấy mấy anh em cùng đơn vị ngày xưa. Những gương mặt thân thương hiện ra trên màn hình điện thoại khiến bao ký ức lại ùa về trong tôi.

Mỗi khi có dịp ra Thủ đô, tôi đều đến thăm những anh em cùng đơn vị năm xưa. Trong số đó, anh Đỉnh và anh Trưởng là người tôi yêu quý nhất. Ở các anh có gì đó như vận vào tôi câu nói nổi tiếng của nhà văn Nguyên Ngọc, rằng Tây Nguyên như là “nơi học nghề làm người” vậy.
Sau cuộc chiến trở về, anh Trưởng tiếp tục với sự nghiệp bút nghiên dang dở và trở thành thư ký riêng của Giáo sư-Tiến sĩ Đỗ Nguyên Phương-Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Có thời gian, tôi vinh dự được theo học ở học viện này mấy năm, điều kiện gần gũi anh Trưởng cũng thuận lợi hơn. Anh Trưởng rất quan tâm theo dõi, giúp đỡ, động viên mấy anh chị em từ Gia Lai ra đây học. Anh nói vui: Chuyện chuyên môn thì có sách vở, thầy-cô giáo lo; còn chuyện ngoài trường lớp, sách vở thì có anh lo.
Còn với anh Phạm Trung Đỉnh, nhiều người thường quen gọi với cái tên Trung Trung Đỉnh. Ngày trước, trong kháng chiến chống Mỹ, thỉnh thoảng khi rảnh việc chiến trường, anh Đỉnh viết truyện rồi gửi về tòa soạn Tạp chí Văn nghệ Giải phóng khu Trung Trung Bộ.
Từ Gia Lai ra căn cứ Khu ủy đóng ở rừng Trà My-Quảng Nam phải mất cả tuần, thậm chí cả tháng thì thư giao liên chuyển mới đến nơi. Vậy nên, khi thư của anh Đỉnh gửi về tới tòa soạn thì bì thư đã không còn nguyên vẹn vì trải qua bao lần chuyển phát. Bên trong, tên tác giả bị nhòe, lem luốc, chỉ còn thấy chữ “Trung Đỉnh”. Các biên tập viên mới thêm vào chữ “Trung” nữa cho ra 1 bút danh đẹp. Từ đó về sau, cứ thấy bài vở anh Đỉnh gửi về, tòa soạn lại mặc định là Trung Trung Đỉnh.
Anh Đỉnh gốc ở Hải Phòng. Sự nghiệp bút nghiên của anh dở dang khi nhập ngũ vào Nam chiến đấu chống Mỹ xâm lược. Sau giải phóng (1975), loanh quanh mấy cơ quan văn hóa-văn nghệ ở Gia Lai rồi Khu 5 một thời gian thì anh được cử đi học khóa đầu tiên của Trường Viết văn Nguyễn Du. Khi ấy, vùng đất Tây Nguyên nói chung, Gia Lai nói riêng là niềm cảm hứng chủ yếu của anh với trên chục đầu sách ra đời, từ tiểu thuyết, truyện ngắn đến ký. Sách anh viết về Tây Nguyên khá thành công nhưng lạ kỳ thay, nói như nhà văn Nguyên Ngọc, đại thể là anh viết về Tây Nguyên nhưng lại... như không Tây Nguyên vậy.
Giới văn chương trong nước hay bảo nhau, nếu viết về Tây Nguyên, sau Nguyên Ngọc chỉ có Trung Trung Đỉnh. Tôi nghĩ nói vậy không sai, bởi nhà văn Nguyên Ngọc còn bảo: “Với Tây Nguyên, Trung Trung Đỉnh là nỗi ám ảnh, là sự mê hoặc, là cuộc sống, là sự rơi chìm, sự nhấn chìm, trùm lên toàn bộ cuộc đời anh... Có thể nói mà không sợ sai-Trung Trung Đỉnh phát hiện cho ta một Tây Nguyên khác... một Tây Nguyên theo tôi là một Tây Nguyên thật, mà nếu ta không hiểu cho thấu thì ta rất dễ coi thường, mặc dầu bên ngoài ta thường ra vẻ quý trọng lắm”.
Quả thật, với Trung Trung Đỉnh, không lời nào hay hơn, đúng hơn những lời nhận xét đánh giá của nhà văn Nguyên Ngọc. Nhập ngũ, theo đoàn quân “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, rồi về làm lính địa phương thuộc Tỉnh đội Gia Lai, từ đó, anh Đỉnh xem Gia Lai là quê hương thứ 2 của mình, gắn bó máu thịt cả một thời trai trẻ.
Giờ tuổi đã gần 80, mang trong mình bệnh tật do các vết thương của một thời đạn bom để lại, thế nhưng, cứ khỏe lên là anh lại vác ba lô vào chiến trường xưa. Anh coi buôn làng là quê hương, còn đồng chí, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt.
Rất nhiều tác phẩm của anh, điển hình như: Đêm nguyệt thực, Thung lũng Đak Hoa, Ngược chiều cái chết, Những người không chịu thiệt thòi..., đặc biệt là 2 tác phẩm Lạc rừng và Lính trận đã được dịch, xuất bản ở một số nước cũng như đã và đang được dựng thành phim điện ảnh theo “đơn đặt hàng” của Nhà nước. Vậy nên, nhà văn Nguyên Ngọc nói Trung Trung Đỉnh là người lấy Tây Nguyên, Gia Lai là “nơi học nghề làm người” là thế!
