Nỗi đau mùa dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Giữa những ngày dịch Covid-19 bùng phát, cảnh người mẹ vượt 500 km về nhìn mặt con lần cuối trong 5 phút rồi phải đi cách ly hay cảnh con cái chỉ được đứng từ xa gào khóc gọi cha trước khi hạ huyệt khiến nhiều người không khỏi xót xa.
1. Trong tiết trời âm u với những cơn mưa bất chợt, người thân đau xót nhìn chiếc xe cứu thương chở thi thể ông Đ.V.T. (thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) về an táng tại quê nhà. Tuân thủ quy định phòng-chống dịch Covid-19, các con ông cũng chỉ đứng phía xa nhìn chiếc quan tài của cha từ từ hạ xuống huyệt mộ. Theo lời kể của anh Đinh Văn Xuân-con trưởng của ông Đ.V.T, cha anh làm nghề thợ mộc. Đầu năm 2021, cha mẹ anh vào Bình Dương làm công nhân cho một xưởng chế biến gỗ. Một tháng qua, do dịch bệnh bùng phát, ông bà phải nghỉ việc. Vừa qua, bệnh hen xuyễn tái phát khiến ông qua đời tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP. Hồ Chí Minh). Kết quả xét nghiệm cho thấy, ông T. âm tính với vi rút SARS-CoV-2.
Xe cứu thương chở thi thể ông Đ.V.T. (thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) về quê an táng. Ảnh: Vũ Chi
Xe cứu thương chở thi thể ông Đ.V.T. (thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) về quê an táng. Ảnh: Vũ Chi
Theo nguyện vọng của gia đình, chính quyền địa phương hỗ trợ đưa thi thể ông T. về quê an táng. Chiếc xe cứu thương chở người quá cố về tới xã ngày 25-7 khi trời đã về chiều. Sau khi phun hóa chất khử trùng, chiếc xe chạy thẳng ra nghĩa địa của xã. Trên xe chỉ có duy nhất vợ ông, người cùng về từ TP. Hồ Chí Minh. Trong giây phút tiễn biệt ông về cõi vĩnh hằng, những tiếng khóc xé lòng, tiếng gọi cha, gọi ông lần cuối trong cơn mưa nặng hạt khiến nhiều người không kìm được nước mắt. Xa quê hương, xa con cháu đi làm công nhân lúc tuổi đã xế chiều với hy vọng tiết kiệm thêm chút vốn liếng, không trở thành gánh nặng cho con cái. Thế nhưng, bệnh nặng đã khiến ông không thể gặp mặt con cháu vào giây phút cuối đời để nói những lời trăn trối. Con cháu ông cũng chẳng thể nhìn mặt người cha, người ông kính yêu. Sau khi tiễn đưa chồng về với đất, vợ ông đã được đưa đi cách ly tại khu cách ly tập trung của huyện Phú Thiện.
Ông Mai Văn Hoạt-Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ia Sol-cho biết: Sau khi nắm được thông tin, xã đã tạo điều kiện thuận lợi để gia đình đưa thi thể ông T. về quê an táng. Do từ vùng dịch trở về nên công tác phòng-chống dịch được thực hiện nghiêm ngặt. Đại diện Mặt trận và các đoàn thể đã tới vận động người thân ông T. tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng-chống dịch. Với sự hỗ trợ của lực lượng chức năng, việc an táng được thực hiện nhanh gọn, đảm bảo an toàn phòng dịch. Đại diện chính quyền địa phương cũng đã tới chia buồn, động viên gia đình sớm vượt qua nỗi đau, ổn định cuộc sống.
Lực lượng chức năng phun khử khuẩn xe cứu thương chở thi thể ông Đ.V.T. (thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) về quê an táng.Ảnh.Vũ Chi
Lực lượng chức năng phun khử khuẩn xe cứu thương chở thi thể ông Đ.V.T. (thôn Thắng Lợi 1, xã Ia Sol, huyện Phú Thiện) về quê an táng. Ảnh: Vũ Chi
2. Cũng vì miếng cơm manh áo, mong cho con có cuộc sống tốt đẹp hơn, chị S.H.T. (26 tuổi, buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok, huyện Krông Pa) phải gửi con cho ông bà ngoại chăm sóc để vào TP. Hồ Chí Minh làm công nhân. Tai ương bất ngờ ập tới khi ngày 18-7 vừa qua, cháu S.N. (SN 2016, con trai chị T.) bị đuối nước khi đi đánh cá cùng bác và anh họ. Nhận được hung tin, chị T. liên hệ với chính quyền địa phương để được về nhìn mặt con lần cuối. Hiểu thấu nỗi đau của người mẹ trẻ, chính quyền địa phương đã hỗ trợ xe cứu thương chở chị T. trở về. Xe đến nhà khi đêm đã về khuya, chị T. chỉ biết gào khóc tuyệt vọng trước cỗ quan tài để trước cửa. Mọi cố gắng, nỗ lực của chị là vì con, vậy mà giờ đây, con đã không còn, chị đớn đau gục ngã.
Tiếng gào khóc của chị T. giữa đêm khuya làm xé lòng bao người. 5 phút ngắn ngủi để chị nhìn mặt con lần cuối trôi qua nhanh chóng. Cũng không kịp nói lời dặn dò nào, người thân phải đỡ chị lên xe về khu cách ly tập trung tại Trường THCS Dân tộc Nội trú huyện. 
Ông Kpă Sáu-Chủ tịch UBND xã Ia Rmok-chia sẻ: Dịch Covid-19 đã để lại nỗi đau không thể nguôi ngoai cho bao gia đình. Nghĩa tử là nghĩa tận, chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể đã hỗ trợ tối đa cũng như chia sẻ với mất mát của các gia đình có người thân không may qua đời trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, công tác phòng-chống dịch bệnh yêu cầu đảm bảo tuyệt đối an toàn vì sức khỏe của cộng đồng. Dẫu phải gánh chịu mất mát, đau thương nhưng mọi người đều tuân thủ nghiêm quy định phòng-chống dịch, đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân. Đây là điều chính quyền địa phương trân trọng ghi nhận. Cuộc chiến chống dịch còn dài. Vì vậy, rất cần sự thông cảm, đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị cũng như toàn thể người dân. Mong các gia đình sớm vượt qua nỗi đau, cùng chung tay chiến đấu và chiến thắng dịch bệnh.
VŨ CHI

Có thể bạn quan tâm

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Tuổi già

(GLO)- Gần đây, tôi ít về quê. Nhiều khi người thân ở quê có việc hoặc muốn biết về tình hình phát triển của quê hương, chỉ cần bỏ ra mươi phút lướt mạng là có đầy đủ thông tin.

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức ASIF tại Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã triển khai có hiệu quả Dự án “Giếng sạch trao buôn” giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch để sử dụng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung khẳng định việc giao quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai sẽ tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý (ảnh nguồn internet).

Phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý

(GLO)- Theo phân cấp, từ ngày 1-11-2024, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác nhận thay đổi đối với trường hợp đăng ký biến động... tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý.

Ông Ksor Nai (thứ 2 từ phải sang) cùng người dân xã Chư Mố trao đổi về công tác hòa giải ở địa phương. Ảnh: H.M

Ksor Nai nhiệt tình với công tác hòa giải

(GLO)- Ngoài đảm nhận vai trò hòa giải viên tại Tòa án nhân dân (TAND) huyện Ia Pa, từ năm 1978 đến nay, ông Ksor Nai (SN 1956, thôn Plơi Apa Ama H’lắk, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) còn tích cực tham gia công tác hòa giải ở địa phương.

Người dân làng Kmông phấn khởi khi công trình nước sạch được đưa vào sử dụng. Ảnh: N.H

Nước sạch về làng

(GLO)- Hàng trăm hộ dân ở làng Kmông và De Lung 1 (xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) vô cùng phấn khởi khi công trình nước sạch do Hội Liên hiệp phụ nữ xã kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng.