Những tỷ phú nông dân trồng, chế biến cà phê sạch

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời gian qua, không ít nông dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai từ đôi bàn tay trắng đã vươn lên trở thành tỷ phú nhờ áp dụng phương thức canh tác khoa học vào trồng và chế biến cà phê sạch.

1. Nhắc đến ông Nguyễn Văn Hương (thôn Hưng Tiến, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông), người dân trong vùng không ai xa lạ. Lão nông này chính là người sáng lập nên thương hiệu “cà phê Chư Pông”, cho thu nhập mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.

voi-su-no-luc-hien-thuong-hieu-ca-phe-chu-pong-cua-ong-huong-duoc-nhieu-khach-hang-trong-ngoai-nuoc-biet-den-anh-dinh-yen-1.jpg
Ông Nguyễn Văn Hương (thôn Hưng Tiến, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông) đã đưa ra thị trường cà phê sạch mang thương hiệu "Cà phê Chư Pông". Ảnh: Đinh Yến

“Thời gian trước, gia đình tôi canh tác 3 ha cà phê theo kinh nghiệm truyền thống. Quần quật chăm bón nhưng cuối năm thu hoạch chỉ đủ vốn tái đầu tư, chưa kể nhiều năm lỗ nặng”-ông Tiến nhắc nhớ.

Năm 2016, gia đình ông Hương đã quyết định vay vốn ngân hàng để có tiền đầu tư sản xuất trồng cà phê sạch theo tiêu chuẩn 4C: sạch từ khâu trồng trọt, thu hái đến chế biến thành phẩm.

Với vốn kiến thức có được qua các lớp tập huấn do xã, huyện tổ chức, kết hợp tham quan thực tế một số mô hình trồng cà phê sạch ở các tỉnh Lâm Đồng, ông Hương đã tích lũy kinh nghiệm và linh hoạt áp dụng vào vườn cà phê của gia đình.

“Sau khi nắm vững kiến thức, tôi sử dụng phân bò, phân gà ủ hoai để bón cho vườn cây vào mùa mưa. Còn mùa khô, trước khi tưới đợt 1, tôi bón Super lân để cải tạo và khử chua đất. Sau 1 tuần tưới nước, tôi tiếp tục bón thêm phân NPK để kích thích cho cà phê ra mầm, chồi, tạo cành cho cây cà phê phát triển”-ông Hương chia sẻ.

Theo ông Hương, nhờ áp dụng quy trình chăm sóc 4C, vườn cà phê khỏe từ bên trong, ít sâu bệnh, sản lượng ổn định, chất lượng cà phê vượt trội. Mỗi năm, từ 3 ha cà phê, gia đình ông thu hoạch gần 15 tấn cà phê nhân. Tùy theo giá cả thị trường, mỗi năm, nguồn thu từ cà phê mang lại cho ông từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng sau khi trừ các khoản chi phí.

ong-nguyen-van-huong-bia-trai-thon-hung-tien-xa-ia-phin-huyen-chu-prong-ben-dan-may-phan-loai-qua-ca-phe-anh-dinh-yen.jpg
Ông Nguyễn Văn Hương (bìa trái) bên dàn máy phân loại quả cà phê. Ảnh: Đinh Yến

Cũng từ năm 2016, ông Hương đã động viên con trai đi học tập thêm kinh nghiệm tại các nhà rang xay ở TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) để thực hiện rang xay cà phê sạch do gia đình sản xuất. Sau đó, gia đình quyết định bỏ ra hơn 10 tỷ đồng để đầu tư hệ thống máy móc rang xay, bao gồm cả việc xây dựng nhà xưởng. Thương hiệu “Cà phê Chư Pông” cũng ra đời từ đó và được khách hàng gần xa ưa chuộng.

Tính riêng năm 2024, gia đình ông đã bán hơn 10 tấn cà phê bột sạch ra thị trường trong, ngoài tỉnh và cả nước ngoài, với giá từ 200-300 ngàn đồng/kg.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, ông Hương đã liên kết với 200 hộ trồng cà phê trên địa bàn để thu mua cà phê sạch với giá cao hơn so với thị trường.

Chủ tịch Hội Nông dân xã Ia Phìn Hoàng Xuân Thanh nhận xét: Mô hình trồng, chế biến cà phê sạch của gia đình ông Hương đã mang lại thành công, không chỉ cho thu nhập cao mà còn giúp ích nhiều hội viên nông dân khác trên địa bàn. Với những đóng góp đó, ông nhiều lần được các cấp Hội biểu dương, khen thưởng là hội viên sản xuất-kinh doanh giỏi.

2. Chị Nguyễn Thị Thảo (tổ 7, thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai) cũng đã thành công từ việc trồng và chế biến cà phê sạch sau nhiều năm gầy dựng.

Chị kể: Để tạo thương hiệu, mới đầu, tôi sử dụng cà phê sạch từ chính vườn cà phê 4 ha của gia đình mình để chế biến sản phẩm cà phê bột với thương hiệu “Cà phê Thảo Hiên”. Hiện chúng tôi có 5 dòng sản phẩm gồm: cà phê bột cao cấp Honey, cà phê hạt pha máy Espresso, cà phê bột rang xay phin đậm, cà phê Mộc đặc biệt, cà phê túi lọc (phin giấy). Tất cả các sản phẩm đều được công nhận đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh.

anh-3-1667648041135221040703-copy.jpg
Bà Nguyễn Thị Thảo bên các sản phẩm cà phê với tên thương hiệu cà phê Thảo Hiên. Ảnh: Đ.Y

Để minh chứng cho những kết quả mang lại, chị Thảo dẫn chúng tôi ra thăm vườn cà phê được chăm sóc theo quy trình 4C. Với phương châm “Sản phẩm sạch thì nguyên liệu đầu vào phải sạch”, toàn bộ diện tích cà phê của gia đình chị đều được trồng, chăm sóc kỹ càng. Trong quá trình trồng, chăm sóc cà phê, chị Thảo không phun thuốc diệt cỏ mà chỉ dùng máy cắt cỏ để cắt.

“Làm cách này vừa tận dụng được nguồn cỏ để tạo mùn cho đất, vừa không diệt những vi khuẩn có lợi trên đất. Ngoài ra, khi cà phê chín đạt 99%, chúng tôi mới tiến hành thu hái để đảm bảo chất lượng thơm ngon của cà phê sau chế biến"-chị Thảo cho hay.

Nhờ tâm huyết trong từng sản phẩm của mình, "Cà phê Thảo Hiên" được nhiều khách hàng tin tưởng và sẵn sàng chấp nhận mua với giá cao hơn so với các dòng cà phê tương tự trên thị trường.

Tiếp nối thành công, cuối năm 2016, gia đình chị Thảo quyết định đầu tư hơn 3 tỷ đồng mua máy móc, xây nhà xưởng để mở rộng quy mô sản xuất. Trung bình mỗi năm, gia đình chị bán ra thị trường 7-8 tấn cà phê bột, thu về hơn 1 tỷ đồng.

Ông Châu Tấn Lập-Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ia Grai-cho biết: Với những nỗ lực không ngừng, năm 2021, chị Thảo là 1 trong 63 nông dân trên cả nước được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc”, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Hàng năm, chị Thảo còn được các cấp Hội Nông dân biểu dương, khen thưởng. Hiện chị cũng là một trong những hội viên nông dân sản xuất-kinh doanh giỏi cấp Trung ương.

Ông Võ Anh Tuấn-Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Gia Lai: Nhiều nông dân trong tỉnh đã mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất gắn với chế biến và gặt hái được thành công, trong đó có trồng và chế biến cà phê sạch. Ông Nguyễn Văn Hương, bà Nguyễn Thị Thảo là 2 trong số những nông dân điển hình như thế. Thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng để nhiều hội viên trên địa bàn triển khai, góp phần nâng tầm giá trị hạt cà phê địa phương, sản xuất bền vững và nâng cao thu nhập.

Có thể bạn quan tâm

Giá hồ tiêu xuất khẩu tăng 66,4%

Giá hồ tiêu xuất khẩu tăng 66,4%

(GLO)- Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và PTNT, trong tháng 1-2025, Việt Nam đã xuất khẩu 13 ngàn tấn hồ tiêu, trị giá 87 triệu USD (giảm 25,6% về lượng nhưng tăng 23,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024).

Sầu riêng Việt Nam lâm nguy

Sầu riêng Việt Nam lâm nguy

Sầu riêng từng được ví như loại trái "tỷ đô" với kim ngạch xuất khẩu liên tiếp phá kỷ lục nhiều năm nhưng lại đang phải trải qua thời kỳ khó khăn chưa từng có khi sản lượng xuất khẩu giảm tới 80% trong những tháng đầu năm.

Tạo bứt phá trong sản xuất công nghiệp

Tạo bứt phá trong sản xuất công nghiệp

(GLO)- Việc nâng cao chất lượng sản phẩm công nghiệp chủ lực, thúc đẩy thị trường tiêu thụ, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến sâu… là những giải pháp quan trọng để ngành công nghiệp của tỉnh Gia Lai tăng trưởng nhanh trong năm 2025.

Hợp tác xã Sản xuất điều Ia Grai thường xuyên tập huấn kỹ thuật sản xuất cho các thành viên và người dân. Ảnh: N.H

“Điểm tựa” của người trồng điều

(GLO)- Với việc tích cực phối hợp tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón, cây giống và bao tiêu sản phẩm, Hợp tác xã (HTX) Sản xuất điều Ia Grai (huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) đã trở thành “điểm tựa” của bà con nông dân trên địa bàn.

Gia Lai triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025

Gia Lai triển khai nhiệm vụ, giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025

(GLO)- UBND tỉnh Gia Lai ban hành Quyết định số 51/QĐ-UBND ngày 20-1-2025 về ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 8-1-2025 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.