Gia Lai rộn ràng mùa thu hoạch cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Thời điểm này, nông dân các huyện phía Tây tỉnh Gia Lai đang nhộn nhịp thu hoạch cà phê niên vụ 2024-2025. Đây cũng là lúc hàng ngàn người lao động từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh đổ về các địa phương nhận khoán vườn cây cùng thu hái để kiếm thêm thu nhập, chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy.

Từ đầu tháng 11 đến tháng 12 hàng năm, các địa phương trồng cà phê tại Gia Lai như Chư Sê, Đak Đoa, Ia Grai, Chư Prông… đều tấp nập vào vụ thu hoạch. Mỗi ngày, lao động từ khắp nơi ngược núi lên cao nguyên để hái cà phê thuê thêm đông.

nhung-sac-do-ca-phe-phu-khap-khu-vuon-anh-ngoc-duy.jpg
Những sắc đỏ cà phê phủ khắp các khu vườn trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Ngọc Duy

Đến từ tỉnh Quảng Ngãi, anh Đinh Văn Siêm (43 tuổi, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà) là một trong những công nhân cần cù tại vườn cà phê của ông Trần Quang Nhu (làng Ia Tong, xã Ia Der, huyện Ia Grai). Anh Siêm cho hay: “Ở dưới quê không có công việc ổn định nên mỗi mùa thu hoạch cà phê, tôi cùng các anh em trong xóm lên Gia Lai hái cà phê thuê. Công việc này đòi hỏi chúng tôi phải có sức khỏe tốt, vì mỗi người phải kéo bạt dưới gốc cà phê để hái và gồng mình đổ vào những bao nặng 50kg. Sau đó, vác lên điểm tập kết cách xa cả trăm mét. Tôi bắt đầu công việc từ 6 giờ sáng đến tối muộn, thu nhập khoảng 500.000 đồng/ngày. Số tiền kiếm được này đủ để tôi trang trải cuộc sống và dành dụm chút tiền về quê ăn Tết”.

cuoi-thang-11-la-thoi-diem-nguoi-dan-vung-tay-nguyen-khan-truong-thu-hoach-ca-phe-anh-ngoc-duy.jpg
Những tháng cuối năm là thời điểm người dân vùng Tây Nguyên khẩn trương thu hoạch cà phê. Ảnh: Ngọc Duy

Dù công việc hái cà phê rất vất vả nhưng những người lao động vẫn luôn bền bỉ, kiên trì và lạc quan. Nhanh tay kéo vội chiếc bạt, chị Đinh Thị Hồng (50 tuổi, xã Sơn Thành, huyện Sơn Hà) cho hay: “Tôi là lao động đến từ Quảng Ngãi. Từ nhiều năm nay, cứ đến tháng 11 là mùa thu hoạch cà phê tại Gia Lai, tôi cùng con rể lên đây tìm việc làm. Chúng tôi thường nhận khoán từ chủ vườn với mỗi kg cà phê tươi hái được là 1.000 đồng. Tuy nhiên năm nay, cà phê được giá nên chúng tôi được trả với mức giá cao hơn là 1.100 đồng/kg. Nhờ có kinh nghiệm hái cũng như may mắn tìm được các vườn cây sai quả thì năng suất lao động sẽ cao hơn những vườn ít quả. Bình quân mỗi ngày, mẹ con tôi có thể hái được khoảng 1 tấn cà phê tươi, được trả công hơn 1 triệu đồng/ngày. Đây là mức thu nhập khá cao so với công việc ở quê”.

cac-nhan-cong-hao-hung-voi-thanh-qua-minh-da-thu-hoach-anh-ngoc-duy.jpg
Các nhân công hào hứng với thành quả đã thu hái được. Ảnh: Ngọc Duy

Không chỉ có lao động từ ngoài tỉnh, người dân các huyện trong tỉnh cũng tận dụng thời gian rỗi sau khi thu hoạch xong vụ mùa 2024 cũng tranh thủ về các địa phương thu hoạch cà phê để kiếm thêm thu nhập.

Anh Ksor Ơn (tổ 6, phường Sông Bờ, thị xã Ayun Pa) trải lòng: “Vào mùa thu hoạch cà phê, các chủ vườn ở các huyện Chư Păh, Đak Đoa và TP. Pleiku... thường thiếu nhân công thu hái. Vì vậy, việc tìm kiếm việc làm ở đây khá dễ dàng. Năm nay, do giá cà phê tăng cao nên các chủ vườn đã tăng tiền khoán công hái. Để có thêm thu nhập, tôi đã gửi hai con cho bà nội để đi hái cà phê thuê. Dù công việc rất vất vả nhưng tôi sẽ cố gắng làm lụng để kiếm thêm tiền lo cho các con và đảm bảo cuộc sống của gia đình”.

Tương tự, chị Nay Hiêng (24 tuổi, buôn Phu Ama Miơng, xã Ia Rtô, thị xã Ayun Pa) chia sẻ: “Mặc dù tôi phải di chuyển hơn 100 km để tới vườn cà phê, nhưng công việc này có thu nhập khá ổn. Dù hơi cực nhọc nhưng vì một cái Tết no đủ nên tôi phải cố gắng hơn”.

chi-nay-hieng-24-tuoi-buon-phu-ama-miong-xa-ia-rto-thi-xa-ayun-pa-vui-ve-ben-cong-viec-thu-hoach-ca-phe.jpg
Chị Nay Hiêng phấn khởi khi cà phê được giá. Ảnh: Ngọc Duy

Là người có 20 năm kinh nghiệm với công việc thu hái cà phê thuê, anh Kpă Đen (39 tuổi, làng Tao Kó, xã Ia Rong, huyện Chư Pưh) thì cho rằng, công việc này rất nhọc nhằn, đòi hỏi người lao động phải có sức khỏe và sức bền tốt.

z6090394353782-50261b9e2c33b42d5b1368229f4f7c29.jpg
Bữa cơm trưa vội vàng của nhóm nhân công bên vườn cà phê hái dở. Ảnh: Ngọc Duy

Thấu hiểu được nỗi vất vả, cực nhọc của những người hái cà phê, nhiều chủ vườn đã hỗ trợ thêm bữa ăn sáng và trưa cho cả nhóm. Ông Trần Quang Nhu (làng Ia Tong, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai) chia sẻ: “Với diện tích vườn cà phê 2 ha, tôi đang thuê 7-8 nhân công thu hoạch. Năm nay, giá cà phê tăng cao, để nhân công thu hoạch kịp thời, ngoài việc khoán công hái hơn 1 triệu đồng/tấn tươi, tôi còn hỗ trợ thêm các bữa ăn để động viên tinh thần giúp họ tăng năng suất lao động cũng như thu nhập”.

anh-tran-quang-nhu-57-tuoi-to-3-phuong-dong-da-tp-pleiku-ben-vuon-ca-phe-cua-minh-anh-ngoc-duy.jpg
Ông Trần Quang Nhu bên vườn cà phê của mình. Ảnh: Ngọc Duy

Còn anh Trần Xuân-chủ vườn cà phê ở làng Ngai Yô (xã Ia Hrung, huyện Ia Grai) thì cho biết: “Mỗi ngày, nhóm 10 nhân công ở đây làm việc cật lực có thể đạt hơn 3 tấn quả tươi. Nhờ giá cà phê năm nay tăng cao nên tôi đã tăng tiền công thu hái lên hơn 100 ngàn đồng/tấn so với mùa trước. Qua đó, giúp người làm công có thêm động lực để thu hái cho kịp mùa vụ”.

Theo bà Nguyễn Thị Đạt (58 tuổi)-chủ vườn cà phê ở thôn 5 (xã Ia Pal, huyện Chư Sê): "Gia đình tôi có hơn 1,5 ha cà phê, hiện đang thuê 9 nhân công thu hái. Giá cà phê tăng cao gia đình tôi rất phấn khởi. Vì thế việc trả tiền nhân công thu hoạch cao hơn mọi năm là chuyện bình thường”.

hat-ca-phe-sai-qua-dang-chin-mong-anh-ngoc-duy.jpg
Cà phê đang là cây trồng chủ lực của tỉnh. Ảnh: Ngọc Duy

Mùa thu hoạch cà phê đang nhộn nhịp khắp các vùng trọng điểm trồng cà phê của tỉnh. Dù công việc nhọc nhằn hiện trên những gương mặt, đôi tay của những nhân công thu hái cà phê thuê, nhưng niềm tin vào một mùa Tết đủ đầy luôn là động lực để mỗi người lao động thêm bền bỉ. Đó cũng chính là một phần giá trị mà mùa thu hoạch cà phê mang lại cho người dân nơi đây.​

Ông Nguyễn Hữu Tỵ-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho biết: "Toàn huyện Chư Sê có 10.000 ha cà phê đang bước vào vụ thu hoạch. Qua tìm hiểu, vụ cà phê năm nay rất thuận lợi, cà phê chín đều, năng suất ổn định hơn và đặc biệt, giá cà phê trên thị trường đang duy trì ở mức cao là động lực để nông dân tái đầu tư sản xuất trong niên vụ tới. Hiện không có tình trạng khan hiếm nhân công thu hoạch cà phê"​.

Clip: Mùa thu hoạch cà phê. Thực hiện: Ngọc Duy

Có thể bạn quan tâm

4 nam sinh bị thương do tự chế pháo nổ

4 nam sinh bị thương do tự chế pháo nổ

(GLO)- Trưa 3-1, ông Nguyễn Đức Tấn-Chủ tịch UBND xã Ia Krái (huyện Ia Grai, Gia Lai) xác nhận trên địa bàn vừa xảy ra một vụ nổ pháo tự chế làm 4 nam sinh cùng trú tại làng Doch Ia Krót bị thương, được gia đình đưa đi cấp cứu tại các cơ sở y tế ở trên địa bàn TP. Pleiku.

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

"Ánh sáng" từ đôi bàn tay

(GLO)- Mất đi ánh sáng, người khiếm thị gặp vô vàn khó khăn và thiệt thòi trong cuộc sống. Tuy nhiên, bằng nghị lực và sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, nhiều người khiếm thị ở Gia Lai đã vượt qua nghịch cảnh, học nghề, tìm kiếm công việc phù hợp, chăm lo cho bản thân và vui sống mỗi ngày.

Những cán bộ Công an xã hết lòng vì dân

Những cán bộ Công an xã hết lòng vì dân

(GLO)- Với tinh thần tận tụy, gần gũi và gắn bó mật thiết với cộng đồng, nhiều cán bộ Công an xã tại Gia Lai đã nhận được sự tin tưởng và quý mến từ người dân, góp phần tô thắm hình ảnh người chiến sĩ Công an trong lòng Nhân dân.