Ông Huỳnh Xuân Cát (số 118 Nguyễn Thái Học, TP. Pleiku) từng làm nhiệm vụ này tới 3 năm. Hơn thế, những chuyến hàng ông cõng về căn cứ còn như một kỷ lục mà có lẽ bấy giờ chưa ai vượt qua được.
Ông Cát hồi nhớ: “Lên Krong, tôi công tác ở Ban Kinh tài nhưng thuộc bộ phận trạm tuyến trước. Bấy giờ, trạm tuyến trước đóng bên sông Ba. Nhiệm vụ của chúng tôi là xuống Bình Định cõng hàng cơ sở của ta đã được gom sẵn, đưa đến vùng giáp ranh cho anh chị em trên căn cứ xuống chuyển về. Để đảm bảo an toàn, mỗi chuyến đi thường phải có giao liên dò đường. Nếu tình hình căng thẳng hoặc có địch phục kích, cơ sở sẽ đốt khói báo hiệu. Còn nếu đường thông, giao liên sẽ rải lá trên đường ra dấu an toàn. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh bom đạn ác liệt, kẻ địch luôn tìm đủ trăm phương ngàn kế để ngăn chặn thì sự hy sinh là không thể tránh khỏi. Chỉ riêng trạm của tôi đã có 3 anh hy sinh. Không chỉ vì bom pháo, vì địch phục kích, có những cái chết đầy bi thương bởi điều không ai ngờ tới. Đã bao nhiêu năm trôi qua, tôi vẫn không thể quên cái chết của anh Trước…”.
Ông Huỳnh Xuân Cát kể lại kỷ niệm khi tham gia cõng hàng về Căn cứ địa cách mạng Khu 10 (xã Krong, huyện Kbang). Ảnh: Phan Lài |
Ông Cát chợt dừng câu chuyện. Sau một đỗi trầm ngâm, ông kể tiếp: “Hôm đó, chúng tôi chuẩn bị xuống cơ sở để nhận hàng thì được tin báo lên tình hình đang căng thẳng. Vậy là đành phải dựng lán để ém quân lại chờ. Mỗi người mỗi việc, nghĩ anh Trước đang loanh quanh đâu đó nên không ai để ý. Mãi đến khi công việc xong xuôi đã lâu mà chẳng thấy anh đâu, bấy giờ, mọi người mới hốt hoảng bổ đi tìm. Lần theo dấu vết, chúng tôi biết chắc là anh đã bị cọp vồ, có lẽ là lúc xuống suối chặt cây. Mặc dù ra sức tìm kiếm, nhưng cuối cùng chúng tôi đã không thể tìm thấy thi thể anh…”.
Đã không ngại gian khổ hy sinh, tất cả cho những chuyến hàng về căn cứ thì mọi tai nạn bất thường với những người như ông Cát chỉ là “chuyện nhỏ”. Chính bản thân ông cũng đã 2 lần suýt chết. “Một lần, chúng tôi vượt sông Ba đi cõng hàng. Hôm đó, nước sông hơi to nhưng vì hàng đã chuyển đến bên kia bờ nên phải liều qua. Ra đến quá nửa sông, 4 chị bị sa chân xuống vũng nước sâu chới với. Tình thế nguy cấp mà chỉ có tôi là người biết bơi. Một mình lao ra cứu được cả 4 chị vào bờ an toàn, tôi suýt nữa cũng xuôi tay giữa dòng vì kiệt sức… Lại vẫn cái “mô típ” suýt chết ấy trong 1 lần khác. Hôm ấy, trời mưa to, nước đổ về cuồn cuộn. Chiếc cầu dây chăng qua sông trơn nhẫy, chao đảo mong manh trên dòng nước lũ. Biết tình thế nguy hiểm nhưng hàng lên căn cứ cũng không thể chờ, chúng tôi quyết định phải qua sông. Tôi tiên phong sang trước. Dò dẫm từng bước, mồ hôi đổ giọt vì căng thẳng, qua được hơn nửa cầu vì gùi hàng quá nặng, tôi trượt chân chới với không gượng lại được. Vậy là, cả hàng lẫn người rơi tõm xuống sông. Thật may là rơi trúng bãi cát nổi, nếu không chắc hẳn hôm đó tôi đã bị dòng nước hung dữ cuốn đi rồi”-ông Cát nhắc nhớ.
Mỗi chuyến hàng lên được căn cứ phải đánh đổi bằng bao nhiêu gian khổ và hy sinh như thế nên không ai tiếc sức mình. Ai cũng hiểu cố thêm gói muối, túi bột ngọt là bớt thêm một nỗi nhọc nhằn, gian khổ cho người sau. Mỗi gùi hàng chất lên vai 50-60 kg là chuyện bình thường cả với nữ. Riêng ông Cát, nhiều chuyến hàng cõng tới 1,2 tạ, thậm chí có những chuyến lên tới 1,5 tạ. Mà những chuyến hàng ấy phải lội sông, luồn rừng, vượt qua những con dốc cao thăm thẳm; lại hầu hết phải đi ban đêm, dò dẫm từng bước chân trong bóng tối như bưng lấy mắt.
Ông chia sẻ: “Với những thành tích đó, 3 năm liền tôi đều đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua”. Có anh em nói vui: lẽ ra thì tôi phải được phong Anh hùng. Quả là nếu như bây giờ, khó ai tin được chúng tôi lấy đâu ra sức lực để làm nên điều phi thường như thế. Tuy nhiên, trong bối cảnh bấy giờ thì thật dễ hiểu: Ai cũng làm việc bằng ý chí tinh thần hơn là thực lực của thể xác. Mà thật ra chẳng riêng chúng tôi, cả một thế hệ bấy giờ cũng đã từng như thế”.