Hợp tác xã đầu tiên ở căn cứ địa cách mạng Khu 10

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Nhằm đảm bảo lương thực, thực phẩm phục vụ cuộc chiến đấu lâu dài, năm 1971, tại căn cứ địa cách mạng Khu 10, Tỉnh ủy Gia Lai đã quyết định thành lập Hợp tác xã (HTX) Quyết Thắng.

Căn cứ địa cách mạng Khu 10 là trung tâm đầu não của tỉnh trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955-1975). Cùng với chiến đấu để bảo vệ căn cứ địa cách mạng, việc sản xuất để tự túc lương thực, thực phẩm và đóng góp cho kháng chiến là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Để đẩy mạnh sản xuất hiệu quả, năm 1971, tại căn cứ địa cách mạng Khu 10, Tỉnh ủy đã quyết định thành lập HTX Quyết Thắng do ông Nguyễn Xích làm Chủ nhiệm và ông Nguyễn Đức Trung làm Thư ký.

Thông qua HTX, những hộ sản xuất nhỏ tập hợp được nguồn lực của từng thành viên làm tiền đề để phát triển sản xuất với quy mô lớn, qua đó từng bước cải thiện đời sống cũng như đóng góp lương thực, thực phẩm cho kháng chiến.

Ông Nguyễn Đức Trung và quyển nhật ký ghi chép những ngày làm việc ở HTX Quyết Thắng. Ảnh: L.N

Ông Nguyễn Đức Trung và quyển nhật ký ghi chép những ngày làm việc ở HTX Quyết Thắng. Ảnh: L.N

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Đức Trung (thôn 1, xã Nghĩa An, huyện Kbang) bồi hồi nhớ về những năm tháng ở Khu 10. Ông Trung sinh năm 1951, lớn lên ở xã Bình Định, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Năm 1958, ông theo gia đình di dân vào Gia Lai. Năm 1965, gia đình ông chuyển về vùng căn cứ theo cách mạng tại khu vực làng Lang (khu 4, Gia Lai). Những năm 1966-1968, hưởng ứng lời kêu gọi của cách mạng, gia đình ông chuyển về ở vùng hậu cứ cách mạng khu vực làng Kon Hà Nừng (thuộc khu 1, Gia Lai). Giai đoạn 1970-1975, ông tiếp tục chuyển về vùng hậu cứ cách mạng thuộc khu vực làng Hà Ro, xã Krong (khu 10, Gia Lai). Tại đây, năm 1971, ông tham gia HTX Quyết Thắng.

“Hợp tác xã được thành lập với 10 xã viên. Tôi làm Thư ký. Nhiệm vụ lúc bấy giờ chủ yếu ghi chép công lao động cho xã viên, phân chia công việc và chia sản lượng lương thực thu hoạch được. Ngày ấy, Mỹ-ngụy thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét, đánh phá với quy mô lớn, rất ác liệt. Tuy nhiên, thực hiện khẩu hiệu của Tỉnh ủy “Quanh năm sản xuất bốn mùa có ăn”, chúng tôi tranh thủ cả trưa, chiều, tối và sau từng đợt dội bom, bắn pháo của địch để khai hoang đất trồng mì, bắp, lúa để vừa có lương thực ăn, vừa ủng hộ cho cách mạng”-ông Trung hồi nhớ.

Mặc dù hơn 50 năm trôi qua nhưng ông Trung vẫn nhớ như in từng thành viên, từng công việc được HTX phân công. “Ngày ấy, việc khai hoang và sản xuất lương thực vô cùng gian khổ. Nhưng bằng sự nỗ lực và đồng lòng, các xã viên đã khai hoang rừng tre, nứa để trồng mì, bắp và lúa rẫy với diện tích khoảng 4-5 ha. Tuy nhiên, nương rẫy thường bị chim, thú rừng phá hoại hay bị Mỹ thả chất độc hóa học khiến cây trồng chết nên mỗi vụ chẳng được bao nhiêu. Có những đêm, tôi và một vài anh em ra canh rẫy, ngủ giữa rừng và thấy heo rừng, trâu rừng kéo tới phá rẫy. Dù gian khổ đến mấy mọi người vẫn không nản lòng, quyết tâm thi đua sản xuất để hoàn thành nhiệm vụ được giao”-ông Trung kể.

Ông Nguyễn Đức Trung đang cắt, tỉa tạo tàn cho những cây cảnh trước sân nhà. Ảnh: Lê Nam

Ông Nguyễn Đức Trung đang cắt, tỉa tạo tàn cho những cây cảnh trước sân nhà. Ảnh: Lê Nam

Cũng như ông Trung, ký ức về những ngày là xã viên HTX Quyết Thắng vẫn còn in đậm trong tâm trí ông Nguyễn Văn Sương (thôn 1, xã Nghĩa An). Ông Sương chia sẻ: Trước khi tham gia HTX, đời sống của bà con nơi đây rất khó khăn. Ngày ấy, quanh năm suốt tháng chủ yếu chỉ có lá mì, rau rừng, măng le hay mót được những củ mì ăn thay cơm. Nhiều đêm, máy bay Mỹ thả bom trên đầu, người dân phải thức trắng đêm dưới hầm trú ẩn.

“Từ khi có HTX, chúng tôi đã tập hợp lại, làm ăn tập thể và xem nhau như anh em, cùng đồng lòng khai hoang để sản xuất theo phương châm làm chung chia đều theo công lao động. Trong chiến tranh mà đâu biết sống chết thế nào nên mọi người đùm bọc nhau, không có cạnh tranh, hơn thua với nhau. Cũng theo ông Sương, HTX được quản lý rất bài bản, từ định hướng cho xã viên trồng cây gì đến phân công công việc cụ thể cho từng người. Nhờ đó, đời sống người dân cơ bản đủ ăn và có thêm lương thực ủng hộ cách mạng. “Năm 1973, khi chính quyền cách mạng thành lập thị trấn Dân Chủ (thuộc xã Krong hiện nay) thì các hộ dân bắt đầu phân tán đi các nơi và HTX Quyết Thắng cũng tự giải thể. Tuy HTX chỉ hoạt động từ năm 1971 đến 1973 nhưng trong tôi vẫn in đậm biết bao nhiêu ký ức”-ông Sương nói.

Có thể nói, Kbang là nơi thành lập HTX đầu tiên của tỉnh trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, kinh tế hợp tác luôn đóng góp tích cực vào sự nghiệp cách mạng của Đảng và toàn dân tộc, góp phần quan trọng vào việc xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Có thể bạn quan tâm

Ấm no theo những vườn cao su - Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

Ấm no theo những vườn cao su Kỳ 1: Những triệu phú người dân tộc thiểu số

(GLO)- Cây cao su có mặt trên đất Tây Nguyên từ thời Pháp thuộc. Tuy nhiên, đến đầu những năm 80 của thế kỷ XX, cây cao su mới được trồng với diện tích lớn. Dù trải qua nhiều thăng trầm về giá cả nhưng cao su vẫn là cây trồng chủ lực, cây xóa đói giảm nghèo trên cao nguyên.
Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Bán sầu riêng non làm tổn hại cả ngành hàng

Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu đang mang về hàng tỷ USD lợi nhuận, nhưng các chuyên gia cảnh báo, tình trạng bán sầu riêng non, chạy theo số lượng - bỏ chất lượng có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho cả ngành hàng rất tiềm năng và lợi thế này.
Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

Nông dân xã Ia Tô “đưa bò vào chuồng”

(GLO)- Từ chỗ chăn thả rông trên núi, đến nay, 100% đàn bò của xã Ia Tô (huyện Ia Grai) đã được nuôi nhốt trong chuồng. Việc nuôi nhốt giúp đàn bò được chăm sóc tốt hơn, người dân lại tận thu được nguồn phân bón và tránh được tình trạng mất trộm.