Người dân buôn H'Lang chuẩn bị về nơi ở mới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Khu tái định cư thuộc Dự án sắp xếp, ổn định dân cư buôn H’Lang (xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) đã hoàn thiện hạ tầng cơ sở để chuẩn bị đón nhận người dân di dời về nơi ở mới. Bà con rất vui mừng bởi từ nay sẽ không còn sống trong cảnh thấp thỏm với nỗi lo về sạt lở đất, bị nước lũ sông Ba đe dọa tính mạng và tài sản mỗi khi mùa mưa đến.
Buôn H’Lang là một trong những khu vực trọng điểm về sạt lở đất, đe dọa đến tính mạng, tài sản của người dân. Cứ vào mùa mưa, những hộ dân có nhà ở gần bờ sông Ba phải sống trong cảnh lo lắng khi nước lũ tràn vào nhà, bị dòng sông xâm thực mất dần diện tích đất đang ở. Trước tình hình đó, năm 2021, UBND huyện Krông Pa đã triển khai thực hiện Dự án di dời một số hộ dân ở khu vực thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở về nơi ở mới. Ông Trần Ngọc Khôi-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Krông Pa-cho biết: Dự án sắp xếp, ổn định khu dân cư tại buôn H’Lang gồm các hạng mục: san lấp mặt bằng, xây dựng công trình giao thông, điện chiếu sáng, hệ thống nước sinh hoạt hiện đã hoàn thành bàn giao về cho địa phương để tiến hành việc di dời, sắp xếp lại nhà ở của các hộ dân ở buôn H’Lang nằm trong vùng sạt lở đến nơi ở mới. 
Các hạng mục khu tái định cư đã hoàn thiện chuẩn bị đón nhận người dân buôn H’Lang về nơi ở mới. Ảnh: Minh Phương
Các hạng mục khu tái định cư đã hoàn thiện chuẩn bị đón nhận người dân buôn H’Lang về nơi ở mới. Ảnh: Minh Phương
Buôn H’Lang có gần 400 hộ dân, hầu hết là đồng bào Jrai sinh sống gần sông Ba. Đến mùa mưa, nơi ở của họ thường xảy ra ngập lụt, sạt lở đất. Đỉnh điểm là trận lũ lịch sử năm 2009 đã làm hư hỏng nhiều nhà cửa, cuốn trôi nhiều vật dụng, gia súc, gia cầm. Qua thống kê của huyện, hơn 100 hộ dân có nhà ở sát bờ sông Ba thường xuyên bị ngập lụt, sạt lở nghiêm trọng cần di dời, bố trí nơi ở mới. Tháng 4-2021, từ nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương và địa phương hơn 19 tỷ đồng, huyện Krông Pa đã triển khai Dự án sắp xếp, ổn định dân cư buôn H’Lang về nơi ở mới tại buôn Du (cách đó hơn 1 km). Khu tái định cư nằm gần quốc lộ 25 có tổng diện tích gần 4,5 ha. Bình quân mỗi hộ được cấp hơn 400 m2 đất ở và đất vườn. Tại đây, hạ tầng cơ sở được đầu tư hoàn chỉnh, hệ thống giao thông, thoát nước, điện chiếu sáng, nước sinh hoạt…
Theo Chủ tịch UBND huyện Hồ Văn Thảo: Hạ tầng khu tái định cư đã hoàn chỉnh, tỉnh cũng đã cấp kinh phí cho huyện hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ để người dân di dời sang khu tái định cư. “Chúng tôi đã giao UBND xã Chư Rcăm chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện để tiến hành việc sắp xếp, di dời. Theo kế hoạch đến tháng 6-2022, 100% hộ dân sẽ được di dời từ nơi ở cũ đến khu tái định cư này. Người dân ai nấy đều vui mừng vì thấy cơ sở hạ tầng nơi đây đã được đầu tư đồng bộ”-ông Thảo cho biết.
Người dân sống trông vùng sạt lở tại buôn H'Lang nằm trong diện di dời ai nấy đều vui mừng khi thấy cơ sở hạ tầng nơi ở mới được đầu tư khang trang, đồng bộ. Ảnh: Minh Phương
Người dân sống trong vùng sạt lở tại buôn H'Lang vui mừng khi thấy cơ sở hạ tầng nơi ở mới được đầu tư khang trang, đồng bộ. Ảnh: Minh Phương
Từ khi được UBND xã thông báo gia đình nằm trong diện di dời về nơi ở mới, anh Rah Lan Ước vô cùng mừng rỡ. Bởi lâu nay, căn nhà của anh nằm cạnh bờ sông nên mỗi lần nước lên là mấp mé sát nhà. Nơi ở của gia đình anh cũng bị dòng sông xâm thực đến tận vườn, mỗi năm bị lấn sâu vào gần 1 m. “Bà con ở đây rất sợ bởi tình trạng sạt lở đất. Được Đảng, Nhà nước sắp xếp di dời về nơi ở mới cách xa bờ sông Ba, chúng tôi vô cùng phấn khởi. Giờ chúng tôi chỉ mong xã quan tâm triển khai di dời sớm vì cũng sắp đến mùa lũ lụt rồi”-anh Ước đề xuất.
Thấu hiểu được tâm trạng phấn khởi, mong đợi bấy lâu nay của bà con buôn H’Lang, chính quyền xã Chư Rcăm cũng đang tập trung triển khai phương án để đảm bảo hoàn thành việc di dời theo đúng kế hoạch đề ra. Ông Hà Đường-Chủ tịch UBND xã-cho hay: “Xã sẽ rà soát danh sách 120 hộ đăng ký để chọn 102 hộ nằm trong vùng sạt lở, đủ điều kiện di dời nhằm đảm bảo đúng đối tượng. Trên cơ sở rà soát, đối với những hộ thật sự khó khăn thì cấp ủy, chính quyền địa phương sẽ hỗ trợ về nhân lực và một phần vật chất trong việc di dời nhà đến nơi ở mới. Đặc biệt, sau khi chuyển đến vị trí mới, các ngành chuyên môn còn cấp cây ăn quả để bà con trồng trong vườn và định hướng về phát triển chăn nuôi nhằm giúp người dân sớm ổn định cuộc sống”.
MINH PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.