Ngôi làng Bahnar đoàn kết, nghĩa tình

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Nhìn vào việc dân làng Ktăng (xã Kdang, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) giúp nhau “an cư” đủ thấy sự yêu thương, đùm bọc luôn hiện hữu ở nơi đây. Đoàn kết là cội nguồn của sức mạnh, dân làng Ktăng bao đời luôn tự hào về điều này. 
Chúng tôi về làng Ktăng vào một buổi chiều muộn. Đang mùa thu hoạch nên trên những con đường làng, bên hiên nhà, tiếng xe công nông, tiếng máy tuốt lúa đan xen tiếng nói cười rộn rã của các chị, các mẹ. Nhịp sống ấy báo hiệu một vụ mùa bội thu.
Già làng Gơih tạm ngưng thu gom lúa đang phơi ngoài sân để tiếp chuyện chúng tôi. Ngay lời nói đầu tiên, già Gơih đã khẳng định chắc nịch: “Người Bahnar luôn đoàn kết theo lời Bác Hồ dạy. Bao đời nay vẫn thế. Chuyện của một người sẽ là chuyện của cả dòng họ, cộng đồng. Dễ thấy nhất là việc người dân trong làng giúp nhau dựng nhà sàn, làm nhà xây”.
Theo lời già Gơih, trước đây, khi cuộc sống người dân còn xoay quanh cây lúa, cây mì, mọi người chủ yếu giúp nhau ngày công lao động. Không ai bảo ai, tất cả tập trung lại rồi phân việc cho nhau. Thanh niên trai tráng đảm trách việc khó khăn nhất là vào rừng tìm gỗ, tre nứa. Phụ nữ lo chuyện bếp núc. Các bậc cao niên phụ trách thiết kế, chỉ đạo. Còn trẻ nhỏ quanh quẩn để người lớn sai việc. Cứ thế, những ngôi nhà sàn vững chãi đều mang dấu ấn của cả cộng đồng. Đến cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, dân làng dần thay thế nhà sàn bằng nhà xây vì họ hiểu việc vào rừng chặt cây, đốn gỗ là vi phạm pháp luật. Hơn thế, ngoài canh tác cây mì, cây lúa, nuôi heo, bò, người dân còn học người Kinh trồng cà phê và biết tích lũy sau mỗi vụ thu hoạch. Vậy nên, họ không dừng lại ở việc giúp sức mà sẵn sàng cho nhau mượn bò, cà phê, tiền không cần tính toán thiệt hơn. 
Xã hội ngày càng phát triển, những tác động của nền kinh tế thị trường đã làm mai một dần một số nét văn hóa truyền thống của người Bahnar nhưng tình đoàn kết của dân làng Ktăng vẫn vẹn nguyên. Họ luôn xem khó khăn của một người là khó khăn chung của dòng họ, cộng đồng để cùng nhau gánh vác. Tình làng, nghĩa xóm vì thế mãi khăng khít, thuận hòa. Ông Anơng quan niệm: “Giúp nhau lúc khó khăn, tình cảm ấy mới đáng quý. Với lại, cho nhau mượn bò, mượn tiền cũng là cách giữ của cải để không chi tiêu hoang phí, sai mục đích”.
Ông Đan-Chủ tịch UBND xã Kdang: “Một số nơi, người dân vay nợ, bán đất, bán cà phê xanh, lúa non để xây nhà. Còn ở làng Ktăng thì tuyệt đối không. Họ giúp đỡ nhau hoàn toàn tự nguyện, không tính toán lâu mau, cũng không tính lãi, thậm chí có hộ cho vay vài năm mới lấy lại tiền vì chưa thấy cần thiết. Tinh thần đoàn kết của người dân trong làng rất đáng quý. Đây cũng là làng có thu nhập bình quân cao nhất nhì trong xã”.
Ngôi nhà mới xây của gia đình chị Trech. Ảnh: Phương Dung
Ông Anơng cho biết: Nhiều năm trước, ông muốn làm nhà mới thay cho ngôi nhà nhỏ đã xuống cấp. Nhưng làm nhà to, rộng, có mái tôn che xung quanh cần đến vài trăm triệu đồng, trong khi ông chỉ có vài chục triệu đồng. Bán đất để làm nhà là điều tối kỵ vì không còn đất đồng nghĩa với đói nghèo hiện hữu. Bán 5 sào lúa non hay bán 1 ha cà phê xanh rồi những ngày tháng tới lấy gì ăn uống, chi tiêu? Vay lãi suất để làm nhà to chắc chắn không được vì ông đã gần 70 tuổi, đâu còn sức để làm lụng trả nợ. Suy nghĩ, bàn bạc nhiều lắm, cuối cùng ông quyết định dùng số tiền tích lũy cho 3 hộ có nhu cầu làm nhà mượn, còn mình chờ thu hoạch thêm vài vụ cà phê rồi mới xây nhà. Cuối năm 2019, ngôi nhà mơ ước của ông Anơng đã hoàn thành mà không phải vay thêm đồng nào. Còn ông Thuik chia sẻ: “Dự kiến đến năm 2022, gia đình tôi mới dành dụm đủ tiền để xây nhà mới. Nhưng được sự hỗ trợ của người thân, tôi quyết định xây ngôi nhà mới trị giá hơn 400 triệu đồng sớm hơn kế hoạch. Năm tới, tôi thu cà phê rồi trả nợ mọi người”.
Gia đình chị Trech cũng mới xây xong ngôi nhà tầng khang trang. Chị cho hay: Vào dịp cuối năm, anh em, họ hàng sẽ ngồi lại với nhau cùng bàn bạc. Nếu nhà nào có ý định xây nhà, sửa nhà, gia chủ đã chuẩn bị được bao nhiêu tiền, còn thiếu nhiều hay ít và những ai có khả năng hỗ trợ sẽ lên tiếng. Nhà chị làm 5 sào lúa nước và 2 ha cà phê, thu nhập bình quân gần 200 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí. Trong lúc chưa dùng đến số tiền tích lũy, chị cho 4 hộ dân mượn hơn 100 triệu đồng.
Ông Đan-Chủ tịch UBND xã Kdang:“Một số nơi, người dân vay nợ, bán đất, bán cà phê xanh, lúa non để xây nhà. Còn ở làng Ktăng thì tuyệt đối không. Họ giúp đỡ nhau hoàn toàn tự nguyện, không tính toán lâu mau, cũng không tính lãi, thậm chí có hộ cho vay vài năm mới lấy lại tiền vì chưa thấy cần thiết. Tinh thần đoàn kết của người dân trong làng rất đáng quý. Đây cũng là làng có thu nhập bình quân cao nhất nhì trong xã”.
Năm vừa rồi, chị Trech lấy lại số tiền đã cho mượn cộng với tiền dành dụm để xây nhà mới trị giá gần 600 triệu đồng. Hỏi chị có người nào mượn tiền mà trả không được, chị nhẹ nhàng đáp: “Người Bahnar rất coi trọng lời hứa. Khi đã hứa thì bằng cách này hay cách khác sẽ thực hiện. Trừ khi họ quá khó khăn hoặc gặp biến cố gì, lúc đó mình thông cảm cho nhau. Họ có bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, trả dần dần sẽ xong. Ngược lại, có hộ sau khi trả hết còn sẵn sàng cho mượn lại nếu mình cần”.
Dân làng Ktăng giúp nhau hoàn toàn tự nguyện và không cần bất cứ giấy tờ cam kết nào. Trưởng thôn Ngrấp cho hay: “Từ xưa đến nay, trong làng chưa xảy ra bất cứ mâu thuẫn, xích mích nào liên quan đến việc này. Mọi người hiểu rõ hoàn cảnh của nhau, coi nhau như người thân nên không nỡ trách móc dù việc trả tiền vay mượn có chậm trễ”.
Có lẽ vì đối đãi với nhau bằng tình thân nên đời sống của 180 hộ dân trong làng ngày một khấm khá. Hiện hơn 20 hộ dân có thu nhập bình quân từ 200 triệu đồng/năm trở lên; 3-4 hộ có thu nhập từ 500 triệu đồng/năm trở lên. Làng chỉ còn 1 hộ nghèo và không còn nhà dột nát, tạm bợ. “Mình sẽ luôn nhắc nhở để lớp trẻ sau này gìn giữ, phát huy tốt hơn nữa tinh thần yêu thương, đoàn kết bao đời nay”-già Gơih nói. 
PHƯƠNG DUNG

Có thể bạn quan tâm

Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao tại Chư Pưh

Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao tại Chư Pưh

(GLO)- Sáng 20-11, đoàn giám sát HĐND tỉnh Gia Lai do bà Võ Thị Bảo Ngân-Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Văn hóa-Xã hội HĐND tỉnh làm Trường đoàn đã giám sát 2 thôn, làng của xã Chư Don và làm việc với UBND huyện Chư Pưh về công tác xây dựng, quản lý, sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao.

Chuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

E-magazineChuyện về “biệt đội” cứu hộ chó, mèo

(GLO)- Nằm ở cuối đường Bùi Dự (phường Hoa Lư, TP. Pleiku), Trạm cứu hộ chó, mèo Gia Lai có diện tích khá rộng rãi. Đây là mái ấm của những chú chó, mèo bị bỏ rơi hay may mắn thoát ra từ lò mổ hoặc bị thương do xe tông được “biệt đội” cứu hộ đưa về chăm sóc, nuôi dưỡng.

Các đơn vị thi công đang đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành các hạng mục để sớm bố trí tái định cư cho 33 hộ dân làng Đê Kôn (xã H'ra). Ảnh: Lê Nam

"Điểm tựa" giúp người dân ổn định cuộc sống

(GLO)- Thực hiện Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, huyện Mang Yang triển khai dự án sắp xếp, bố trí ổn định dân cư làng Pyâu (Lơ Pang), Đê Bơ Tơk (Đak Jơ Ta), Đê Kôn (Hra) nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống và phát triển kinh tế.

 Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

Hiệu quả truyền thông giảm nghèo ở phường Thống Nhất

(GLO)- Thời gian qua, phường Thống Nhất (TP. Pleiku) đã tập trung phổ biến, tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện công tác giảm nghèo bằng nhiều hình thức. Nhờ đó, người dân đã chủ động phát triển sản xuất, chăn nuôi giúp tăng thu nhập, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo giảm dần qua các năm.

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

“Đứng dậy” từ lầm lỗi

(GLO)- Nhìn những bằng khen, giấy khen treo trên tường nhà, ít ai ngờ rằng, ông Kpă Dõ-Trưởng ban Công tác Mặt trận làng Lê Ngol (xã Ia Tiêm, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) từng một thời chìm trong lầm lỗi. Nhờ được cảm hóa và giúp đỡ, ông đã mạnh mẽ “đứng dậy” làm lại cuộc đời.

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Tuổi già

(GLO)- Gần đây, tôi ít về quê. Nhiều khi người thân ở quê có việc hoặc muốn biết về tình hình phát triển của quê hương, chỉ cần bỏ ra mươi phút lướt mạng là có đầy đủ thông tin.

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức ASIF tại Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã triển khai có hiệu quả Dự án “Giếng sạch trao buôn” giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch để sử dụng.

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

Gia Lai: Giao mục tiêu, nhiệm vụ thực hiện chương trình MTQG cho 2 huyện Krông Pa và Chư Pưh

(GLO)- Ngày 12-11, UBND tỉnh Gia Lai có quyết định về việc giao mục tiêu, nhiệm vụ, yêu cầu cụ thể đối với từng chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) cho huyện Krông Pa và huyện Chư Pưh thực hiện thí điểm cơ chế phân cấp cho cấp huyện trong quản lý, tổ chức thực hiện các chương trình MTQG.