Ngày làm việc cuối kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XII: Thông qua 27 nghị quyết quan trọng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- 

Hôm nay (7-7), kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XII tiếp tục với phần chất vấn và trả lời chất vấn. Sau khi nghe UBND tỉnh giải trình một số vấn đề cần làm rõ, các đại biểu đã thảo luận, thông qua các nghị quyết trình tại kỳ họp và tiến hành bế mạc kỳ họp.

Chất vấn lĩnh vực tài nguyên và môi trường

Tiếp tục phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Đình Phương-Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh-cho biết: “Tại Báo cáo số 113/BC-UBND ngày 21-6-2023 của UBND tỉnh, ở Mục B: Một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2023, UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành, địa phương “Tiếp tục nghiên cứu, khẩn trương đề xuất UBND tỉnh các giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn đối với đất san lấp”. Với tư cách là Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, ông có những giải pháp cụ thể nào chưa và “khẩn trương” là thời gian nào? Vì đây là nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 để tháo gỡ khó khăn này?

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu bế mạc kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung cho hay: Đối với các dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản số 1034/UBND-CNXD ngày 4-5-2023 về việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nguồn vật liệu đất san lấp phục vụ cho các công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đó, UBND tỉnh thống nhất việc sử dụng nguyên liệu tại chỗ để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia trên cơ sở các quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, ngày 11-5, Sở đã có văn bản hướng dẫn sử dụng nguồn vật liệu tại chỗ để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia gửi các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện. Sở cũng nắm bắt, tổng hợp hàng ngày, hiện quá trình triển khai thực hiện thuận lợi, các huyện chưa có phát sinh vướng mắc.

Đối với các công trình khác, trước mắt để giải quyết nhu cầu đất san lấp trong 6 tháng cuối năm, Sở đã tham mưu UBND tỉnh cấp 4 giấy phép khai thác khoáng sản và cho phép khai thác khoáng sản đi kèm (đất san lấp) tại 5 mỏ đá xây dựng; đồng thời, đề nghị các doanh nghiệp tăng khối lượng khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu của các công trình xây dựng. Đồng thời, đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 8 mỏ đất san lấp và đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt trữ lượng khoáng sản đối với 4 mỏ, hiện doanh nghiệp đang làm các thủ tục có liên quan để được cấp phép khai thác theo quy định...

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

Ngoài ra, trong khi chờ quy hoạch tỉnh được phê duyệt, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại buổi họp bàn giải pháp tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong quản lý nhà nước về vật liệu đất san lấp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, dựa trên cơ sở báo cáo đề xuất của UBND các huyện thị xã, thành phố, Sở đã tổng hợp gồm 96 khu vực đất san lấp với tổng diện tích là 568,67 ha; tổng khối lượng khoảng 39,04 triệu m3 và đã trình UBND tỉnh phê duyệt cập nhật bổ sung các vị trí đất san lấp trên Bản đồ Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất cấp huyện làm căn cứ để triển khai các quy trình tiếp theo.

"Về lâu dài, trên cơ sở đề xuất của các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở đã rà soát, tổng hợp chuyển cho đơn vị tư vấn lập cập nhật vào Phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh để tích hợp trong Quy hoạch tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, có 267 khu vực mỏ đất san lấp, tổng diện tích khoảng 1.806 ha, khối lượng khoảng 184 triệu m3 đất san lấp. Hiện nay, đơn vị tư vấn đã chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Gia Lai, trong đó, có Phương án bảo vệ, thăm dò, khai thác và sử dụng tài nguyên khoáng sản để Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh trình Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050"-Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thông tin.

Đại biểu Nguyễn Đình Phương-Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh chất vấn về vấn đề đất san lấp. Ảnh: Đức Thụy

Đại biểu Nguyễn Đình Phương-Trưởng ban Kinh tế-Ngân sách HĐND tỉnh chất vấn về vấn đề đất san lấp. Ảnh: Đức Thụy

Bên cạnh đồng tình với các nội dung trả lời của Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường, đại biểu Phương cũng đề nghị UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường lưu ý trữ lượng đất tại các mỏ khai thác đá, việc hoàn thổ sau khi khai thác và tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng để khai thác khoáng sản ở nơi khác…

Ngoài ra, vấn đề quy hoạch tiếp tục được đại biểu Nguyễn Hữu Thọ-Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Đak Đoa nêu ra trong phiên chất vấn. Đại biểu Nguyễn Hữu Thọ chất vấn: “Tất cả các xã trên địa bàn tỉnh nói chung, huyện Đak Đoa nói riêng đang có nhu cầu là phải làm lại quy hoạch chung vì hiện nay không còn lập quy hoạch nông thôn mới nữa. Thế nhưng, các đơn vị tư vấn hiện rất ít, trong khi nhu cầu rất lớn, để giải quyết vấn đề này, Sở Xây dựng sẽ tư vấn với UBND tỉnh như thế nào để tháo gỡ, giúp cho các địa phương trong vấn đề này?

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung trả lời chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung trả lời chất vấn tại kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

Tại phiên chất vấn, ông Nguyễn Bá Thạch-Giám đốc Sở Xây dựng-trả lời: “Sở cũng hết sức chia sẻ vấn đề này với đại biểu Thọ. Sở cũng đã có văn bản hướng dẫn, giới thiệu các đơn vị thành viên thuộc Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn quốc gia cho các địa phương. Vừa qua, huyện Phú Thiện và Chư Pưh cũng đã chủ động liên hệ với các bộ, ngành Trung ương để mời đơn vị tư vấn vào hợp đồng thực hiện và có cam kết thời gian. 2 địa phương này làm được là có sự tham mưu tốt của Phòng Kinh tế-Hạ tầng, do đó, thời gian tới, các địa phương cần nghiên cứu cách làm này.

Sau phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đánh giá: Đã có 4 ý kiến chất vấn tập trung vào nhóm vấn đề liên quan đến công tác quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng, tài nguyên và môi trường đối với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng. Đề nghị UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành tiếp tục nghiên cứu các giải pháp phù hợp để giải quyết các vấn đề mà đại biểu đề cập, tạo sự chuyển biến trong công tác chỉ đạo, điều hành; đồng thời, giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả hoạt động chất vấn.

Thông qua các nghị quyết quan trọng

Tại kỳ họp, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long nhận định: 6 tháng đầu năm 2023, tỉnh đã triển khai quyết liệt các nhiệm vụ và đạt được những kết quả nhất định trong phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, trong chỉ đạo điều hành triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn còn có những khó khăn, hạn chế. Qua các ý kiến trao đổi tại kỳ họp, UBND tỉnh càng thấy rõ hơn những công việc cần tập trung giải quyết; bổ sung, điều chỉnh những nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới.

“Các đại biểu đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế và yêu cầu UBND tỉnh cần có giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn nữa để khắc phục những bất cập trong công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực như: giải ngân vốn đầu tư công, thu hút đầu tư, công tác quy hoạch, tài nguyên môi trường… UBND tỉnh hết sức lắng nghe và tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu và cử tri trong tỉnh. Thời gian tới, UBND tỉnh tiếp tục giữ vững sự đoàn kết, thống nhất cao trong chỉ đạo điều hành, phát huy sức mạnh tập thể, đề cao vai trò, trách nhiệm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ; tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, tập trung khắc phục các tồn tại, hạn chế; chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục đổi mới phương thức làm việc để tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện nhiệm vụ”-Chủ tịch UBND tỉnh nêu rõ.

Tại kỳ họp, các đại biểu HĐND đã biểu quyết thông qua 27 nghị quyết quan trọng trên các lĩnh vực kinh tế-xã hội của tỉnh. Phát biểu bế mạc kỳ họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên-cho rằng: 6 tháng đầu năm 2023, tuy có nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, một số lĩnh vực chưa đạt kế hoạch đề ra nhưng những kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm là rất đáng trân trọng.

Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết trình tại kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XII. Ảnh: Quang Tấn
Đại biểu biểu quyết thông qua các nghị quyết trình tại kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XII. Ảnh: Quang Tấn

“Nguyên nhân chính dẫn đến chất lượng thực hiện các công việc 6 tháng đầu năm chưa cao, đó là trách nhiệm của các cơ quan trong chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, đôn đốc; vai trò, trách nhiệm tham mưu của các sở, ngành và việc phối hợp thực hiện chưa chặt chẽ, còn làm việc “cầm chừng” sợ sai, thụ động, đẩy trách nhiệm, thiếu mạnh dạn, thiếu quyết tâm. Điều này nếu không kịp thời khắc phục sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, làm giảm lòng tin của Nhân dân đối với hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Vì vậy, đề nghị các cơ quan, đơn vị, địa phương cần thẳng thắn nhìn nhận và có giải pháp sát thực, cụ thể, phù hợp, mang tính khả thi cao, quyết liệt hơn để tập trung tháo gỡ triệt để các điểm nghẽn, khắc phục sự chậm trễ, chồng chéo, vướng mắc trong 6 tháng cuối năm 2023”-Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị.

Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Các nghị quyết vừa được thông qua có vai trò, vị trí quan trọng, tạo hành lang pháp lý để việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách đảm bảo theo quy định của pháp luật, góp phần tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh. Sau kỳ họp này, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn triển khai thực hiện ngay các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã được thông qua, đặc biệt là người đứng đầu các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị cần tập trung cao nhất cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành, triển khai đồng bộ, linh hoạt, sáng tạo các giải pháp phù hợp với tình hình mới để khắc phục các tồn tại, hạn chế, thực hiện thắng lợi ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023 đã đề ra. Các cơ quan thuộc HĐND, các đại biểu HĐND tỉnh tăng cường vai trò, trách nhiệm, tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo luật định nhằm đảm bảo các cơ chế, chính sách và biện pháp do HĐND tỉnh ban hành được thực thi nghiêm túc, xuyên suốt và hiệu quả.

Sau 2,5 ngày làm việc với tinh thần khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm, kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XII đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Có thể bạn quan tâm

Tết nhân ái đến với bà con xã Gào

Tết nhân ái đến với bà con xã Gào

(GLO)- Sáng 11-1-2025, tại xã Gào (TP. Pleiku), Hội Chữ thập đỏ tỉnh Gia Lai phối hợp với Hội Chữ thập đỏ TP. Pleiku và các đơn vị, câu lạc bộ, hội, nhóm thiện nguyện...tổ chức chương trình Tết nhân ái giúp người nghèo, khó khăn vui Xuân, đón Tết cổ truyền của dân tộc.