Ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XII: Bàn giải pháp gỡ “điểm nghẽn” trong thực hiện nhiệm vụ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Tiếp tục chương trình làm việc, ngày 6-7, kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII đã tiến hành thảo luận tổ; thảo luận chung tại hội trường; nghe lãnh đạo một số sở, ngành giải trình những vấn đề cấp bách. Đồng thời, kỳ họp cũng tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Mổ xẻ những vấn đề nổi cộm

Trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu đã tập trung mổ xẻ những vấn đề nổi cộm, cấp thiết được cử tri quan tâm và đóng góp nhiều ý kiến chất lượng, trọng tâm vào các báo cáo, tờ trình. Bên cạnh việc bày tỏ sự nhất trí cao với các báo cáo của HĐND và UBND tỉnh, các đại biểu cũng chỉ rõ những tồn tại, vướng mắc cần tháo gỡ.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu tại phiên thảo luận tổ. Ảnh: Đức Thụy

Một trong những vấn đề được các đại biểu quan tâm thảo luận, đề xuất giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” là tiến độ thi công, giải ngân vốn đầu tư công. Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa cho rằng: Nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp là do vướng mắc về cơ chế chính sách; hụt thu tiền sử dụng đất; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng còn vướng mắc; các thủ tục đầu tư còn có “điểm nghẽn”. “Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung tháo gỡ những “điểm nghẽn” này, nhất là các dự án trên địa bàn TP. Pleiku. Bên cạnh đó, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành phối hợp đẩy nhanh công tác thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng”-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phát biểu.

Trăn trở trước việc hụt thu tiền sử dụng đất dẫn đến nhiều chỉ tiêu khác không đạt, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch cho biết: Nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đồng thời thành lập 3 tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt. Để phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2023, UBND tỉnh sẽ rà soát và xác định rõ trách nhiệm của UBND tỉnh trong chỉ đạo điều hành. Các sở, ngành, đơn vị cũng cần đưa ra kế hoạch cụ thể để xem xét nhiệm vụ nào cấp thiết thì ưu tiên thực hiện trước.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch tham gia phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Đức Thụy

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch tham gia phát biểu tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Đức Thụy

Sau khi nắm rõ những vướng mắc, bất cập trong công tác giải ngân vốn đầu tư công, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đề nghị: Chúng ta cần quyết liệt đưa ra các giải pháp tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Nếu công tác này không quyết liệt thì nguy cơ mất vốn rất cao, nhất là các chương trình mục tiêu quốc gia.

Bày tỏ lo ngại trước thực trạng các loại tội phạm có xu hướng tăng trong 6 tháng đầu năm 2023, nhất là nhóm tội phạm liên quan đến trật tự an toàn xã hội, đại biểu Nguyễn Đình Quang-Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh-cho hay: Án liên quan đến giết người tăng 48 vụ so với cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, loại tội phạm lừa đảo qua mạng cũng tăng cao trong 6 tháng đầu năm. Mặc dù cơ quan chức năng đã cảnh báo nhưng vẫn có nhiều vụ xảy ra với số tiền lừa đảo lên đến hàng tỷ đồng. “Đặc biệt, loại tội phạm liên quan đến ma túy hiện nay đáng báo động, dính đến ma túy thì sẽ kéo theo các loại tội phạm khác như: cướp giật, trộm cắp, giết người... Do đó, thời gian tới, chúng ta cần quyết liệt hơn, có giải pháp căn cơ hơn nhằm ngăn chặn các loại tội phạm này, góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn”-đại biểu Quang đề nghị.

Ngoài ra, tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu bày tỏ quan ngại trước tình trạng cán bộ, công chức khối chính quyền sợ trách nhiệm dẫn đến nhiều công việc bị trì trệ, kéo dài, gây ảnh hưởng đến công việc chung. Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên thẳng thắn chỉ rõ: Tầm nhìn, công tác quản lý, năng lực lãnh đạo cũng như việc tham mưu, đề xuất của các cơ quan chuyên môn đang có vấn đề. Đặc biệt, còn có tình trạng thụ động, chờ đợi lẫn nhau, chậm giải quyết những kiến nghị, đề xuất của các tổ chức, cá nhân. “Chưa có thời điểm nào như trong thời gian qua, tôi lại nhận được nhiều kiến nghị, đề xuất từ các doanh nghiệp vì chúng ta chậm lắng nghe, chậm giải quyết. Quan trọng là doanh nghiệp muốn chúng ta lắng nghe để cùng tháo gỡ, cùng giải quyết và cùng đồng hành phát triển. Tôi biểu dương Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường mặc dù mới nhận nhiệm vụ nhưng khi doanh nghiệp có kiến nghị đã tổ chức đối thoại ngay lập tức với doanh nghiệp để cùng tháo gỡ”-Chủ tịch HĐND tỉnh nhìn nhận.

Đồng thời, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: “Có nhiều quy định thuộc thẩm quyền địa phương thì chậm thay đổi, khắc phục; còn những quy định thuộc thẩm quyền cấp trên thì chậm lắng nghe, tiếp thu, báo cáo cấp trên để giải quyết. Suy nghĩ sợ trách nhiệm, không dám làm hoặc không dám làm nhanh, làm đúng thẩm quyền dẫn đến công việc chậm trễ. Vấn đề này, tôi đề nghị chúng ta phải quan tâm khắc phục, điều chỉnh ngay”.

“Nóng” phiên thảo luận chung và chất vấn

Trong phiên làm việc buổi chiều, các đại biểu đã nghe thư ký kỳ họp báo cáo kết quả thảo luận tổ trước khi tập trung thảo luận chung tại hội trường. Theo đó, qua thảo luận tại 5 tổ đã có 72 lượt ý kiến tham gia vào nội dung các báo cáo và tờ trình tại kỳ họp. Hầu hết đại biểu cho rằng, về cơ bản, kết quả đạt được của UBND tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2023 vẫn chưa bền vững. Do đó, các đại biểu đề nghị UBND tỉnh cần có giải pháp cụ thể, quyết liệt hơn nữa để thực hiện đạt các chỉ tiêu đã đề ra.

Một số đại biểu cho rằng cần phân tích, đánh giá kỹ lưỡng những hạn chế trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh. Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Nguyễn Đình Tiến-Giám đốc Sở Nội vụ-cho biết: Một số cơ quan, đơn vị thiếu sự theo dõi, đôn đốc, nhắc nhở trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao; chậm xử lý các vấn đề phát hiện qua kiểm tra công tác CCHC. Việc công bố, công khai thủ tục hành chính (TTHC) còn chậm, hồ sơ TTHC chưa được đồng bộ, công khai trên Cổng dịch vụ công quốc gia; còn tình trạng trễ hẹn trong giải quyết hồ sơ, nhất là các lĩnh vực đất đai, thành lập và hoạt động doanh nghiệp, bảo trợ xã hội… Cùng với đó, còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vi phạm kỷ luật, kỷ cương hành chính, phải xử lý kỷ luật; vẫn còn cán bộ cấp xã chưa đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định.

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Tiến nêu một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới nhằm cải thiện chỉ số CCHC. Ảnh: Đức Thụy

Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Đình Tiến nêu một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới nhằm cải thiện chỉ số CCHC. Ảnh: Đức Thụy

Trên cơ sở phân tích các nguyên nhân, Giám đốc Sở Nội vụ nêu một số giải pháp thực hiện trong thời gian tới nhằm cải thiện chỉ số CCHC. Cụ thể, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh công bố TTHC, danh mục TTHC theo quy định. Theo dõi, đôn đốc việc công khai TTHC; công khai tiến độ, kết quả giải quyết hồ sơ trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC. Đồng thời, tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kỷ luật, kỷ cương của các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, hạn chế thấp nhất cán bộ, công chức, viên chức sai phạm trong thực thi công vụ. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, hướng dẫn doanh nghiệp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 4; sử dụng dịch vụ bưu chính công ích…

Sau phiên thảo luận, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đề nghị UBND tỉnh cùng các sở, ngành hết sức quan tâm đối với những nội dung mà đại biểu ý kiến. Đồng thời, phải tăng cường hơn nữa trách nhiệm người đứng đầu các ngành, các địa phương, đặc biệt là trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các nhiệm vụ. Các cấp, các ngành của tỉnh cần trách nhiệm hơn, cố gắng hơn, quyết tâm lớn hơn để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị.

Kết thúc phiên thảo luận chung tại hội trường, kỳ họp đã tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn xung quanh những vấn đề “nóng” được cử tri và người dân trong tỉnh quan tâm, đặc biệt là công tác quản lý trật tự xây dựng.

Đại biểu Đinh Ly An-Phó Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nêu thực trạng: Thời gian qua, tại các đô thị trên địa bàn tỉnh nói chung và TP. Pleiku nói riêng có những homestay, khu nghỉ dưỡng, quán cà phê mọc lên “như nấm sau mưa” ở các vị trí có view đẹp nhìn ra ao hồ, ruộng. Để xảy ra tình trạng xây dựng tràn lan như vậy là do công tác quản lý nhà nước về quy hoạch còn chồng chéo, chưa chặt chẽ; tỷ lệ quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết còn thấp. Đại biểu này chất vấn Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Bá Thạch: “Với chức năng, nhiệm vụ và trách nhiệm của người đứng đầu, ông có giải pháp gì để giải quyết dứt điểm tình trạng nêu trên?”.

Ngày làm việc thứ 2 kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XII: Bàn giải pháp gỡ “điểm nghẽn” trong thực hiện nhiệm vụ ảnh 4

Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Bá Thạch tham gia ý kiến tại buổi thảo luận tổ. Ảnh: Đức Thụy

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Xây dựng thừa nhận: Hiện nay, với xu thế chung, khi mức sống của người dân ngày càng nâng lên, các không gian lưu trú, nghỉ dưỡng tại các vị trí có view đẹp, yên tĩnh… đang được nhiều người tìm đến. Vì vậy, những vị trí có view đẹp của TP. Pleiku đang được khai thác xây dựng các công trình quán cà phê, homestay, farmstay…Tuy nhiên, đa số công trình xây dựng tại các vị trí đất không phù hợp với quy hoạch được duyệt, đất nông nghiệp, chưa có hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ…

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do hiện nay vẫn chưa có văn bản, quy định pháp luật hướng dẫn cụ thể trong việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, phát triển, cấp phép xây dựng cho loại hình homestay, farmstay. Cùng với đó, công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng ở địa phương còn buông lỏng, đặc biệt là ở cấp xã. Việc phát hiện thường quá muộn, khi các công trình đã xây dựng xong và đi vào hoạt động, dẫn đến khó xử lý, khắc phục hậu quả.

Nhằm ngăn chặn tình trạng này, thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ phối hợp chặt chẽ với TP. Pleiku trong việc đẩy nhanh tiến độ quy hoạch, phấn đấu phủ kín tỷ lệ quy hoạch phân khu trên địa bàn thành phố trong năm 2023 làm cơ sở quản lý quy hoạch thực hiện dự án đầu tư, quản lý trật tự xây dựng. Đồng thời, Sở tham mưu UBND tỉnh ban hành các quy định, chỉ thị tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn tỉnh; đồng thời, chỉ đạo Thanh tra Sở xây dựng kế hoạch và tăng cường công tác thanh-kiểm tra trật tự xây dựng tại các địa phương. Bên cạnh đó, Sở phối hợp với UBND cấp huyện chủ động rà soát toàn bộ các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn đọng, cương quyết ngăn chặn những trường hợp phát sinh…

Cũng tại phiên chất vấn, một số đại biểu đã đặt câu hỏi đối với Giám đốc Sở Xây dựng về quy hoạch và chất lượng quy hoạch; năng lực các đơn vị tư vấn quy hoạch.

Hôm nay (7-7), kỳ họp tiếp tục phần chất vấn và trả lời chất vấn. Sau khi nghe UBND tỉnh giải trình một số vấn đề cần làm rõ, các đại biểu sẽ thảo luận, thông qua các nghị quyết trình tại kỳ họp và tiến hành bế mạc kỳ họp.

Có thể bạn quan tâm