Phiên làm việc đầu tiên kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII: Kinh tế-xã hội có nhiều chuyển biến tích cực

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)-

Sáng 5-7, sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh Gia Lai khóa XII, các đại biểu nghe đại diện HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và một số ban, ngành báo cáo tình hình hoạt động trong 6 tháng đầu năm và mục tiêu, nhiệm vụ những tháng còn lại của năm 2023 cùng một số nội dung quan trọng khác.

Những kết quả khả quan

Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế cho biết: Ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã chỉ đạo chấn chỉnh và thực hiện Quy chế làm việc của UBND tỉnh (nhiệm kỳ 2021-2026); đồng thời, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, hiệu quả thực thi pháp luật và sự chỉ đạo, điều hành. Cùng với đó, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ hiệu quả doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng và thành lập 3 Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong giải ngân vốn đầu tư công và thu ngân sách nhà nước năm 2023, do các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng để kiểm tra, chỉ đạo kịp thời; đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội và 3 chương trình mục tiêu quốc gia: xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu tại kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XII. Ảnh: Đức Thụy

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu tại kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XII. Ảnh: Đức Thụy

Nhờ đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, Gia Lai cơ bản thực hiện tốt công tác phòng-chống dịch, hầu hết chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu đều tăng so với cùng kỳ năm 2022. Theo số liệu Tổng cục Thống kê cung cấp, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 5,54% (đứng thứ 35 cả nước, đứng thứ 2 khu vực Tây Nguyên). Trong đó, khu vực nông-lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 4,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,5%; khu vực dịch vụ tăng 5,99%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt 4,11%.

Cụ thể như: Giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp và thủy sản (theo giá so sánh 2010) ước đạt 10.068 tỷ đồng, đạt 28,15% kế hoạch, tăng 4,78% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện toàn tỉnh có khoảng 233.523 ha cây trồng các loại sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance; đã được cấp 146 mã số vùng trồng với tổng diện tích 7.769 ha và 32 mã cơ sở đóng gói với tổng công suất khoảng 1.395 tấn quả tươi/ngày phục vụ xuất khẩu sang thị trường: Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Hoa Kỳ...

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XII. Ảnh: Đức Thụy

Các đại biểu tham dự kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XII. Ảnh: Đức Thụy

Trong lĩnh vực chăn nuôi, đã có 67 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với tổng diện tích 2.255,25 ha, tổng vốn đăng ký 10.904,98 tỷ đồng; trong đó, 25 dự án đã đi vào hoạt động với 49.094 con bò, 201.915 con heo. Trên địa bàn tỉnh đã có 7 chuỗi liên kết giữa các doanh nghiệp với người chăn nuôi với tổng số 177 trại liên kết; 7 hợp tác xã liên kết với các hộ sản xuất theo chuỗi…

“Cùng với đó, tổng giá trị sản xuất công nghiệp (giá so sánh 2010) ước đạt 14.103,4 tỷ đồng, đạt 44,6% kế hoạch và tăng 14,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 46.828 tỷ đồng, đạt 43,36% kế hoạch, tăng 28,32% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện 420 triệu USD, đạt 61,76% kế hoạch, tương đương so với cùng kỳ năm 2022 (trong đó, xuất khẩu mặt hàng chủ lực cà phê tăng cả về lượng và giá trị). Hoạt động kinh doanh du lịch tiếp tục tăng trưởng tốt. 6 tháng đầu năm, tổng lượt khách tham quan, du lịch ước đạt 620.000 lượt, đạt 56% so với kế hoạch, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái (trong đó, khách quốc tế 3.400 lượt, khách nội địa 616.600 lượt); tổng thu du lịch ước đạt 395 tỷ đồng, đạt 56,4% so với kế hoạch, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước”-Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế-thông tin.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Đức Thụy

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hữu Quế báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm 2023. Ảnh: Đức Thụy

Phát biểu tại kỳ họp, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên cho rằng: 6 tháng đầu năm 2023, mặc dù tỉnh còn nhiều khó khăn trong quá trình phục hồi sau đại dịch Covid-19, nhưng cả hệ thống chính trị đã lãnh đạo quyết liệt, thống nhất, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, nền kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được sự ổn định và có bước phát triển. Theo đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,54%; các chỉ tiêu về giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng so với cùng kỳ năm 2022.

Cùng với đó, chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tiếp tục được triển khai đồng bộ. Lĩnh vực văn hóa-xã hội được quan tâm; thực hiện kịp thời, đầy đủ các chế độ, chính sách cho các đối tượng thụ hưởng. Tình hình an ninh chính trị, an ninh biên giới, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững ổn định. Hoàn thành tốt diễn tập khu vực phòng thủ, phòng thủ dân sự cấp tỉnh năm 2023. Hoạt động giám sát của HĐND tỉnh có nhiều đổi mới, chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh có sự chuyển biến; tính dân chủ được nâng cao, tạo tiền đề cho việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội đã đề ra.

Tập trung khắc phục những hạn chế

Tuy đạt được những kết quả đáng khích lệ song so với kế hoạch đề ra, 6 tháng đầu năm tỉnh vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế cần phải tập trung khắc phục.

Quang cảnh kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XII. Ảnh: Đức Thụy

Quang cảnh kỳ họp thứ 13 HĐND tỉnh khóa XII. Ảnh: Đức Thụy

Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên chỉ rõ: Tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản chậm (đạt 10,32% kế hoạch); các dự án thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế chậm triển khai (có 11 chương trình, dự án trọng điểm do UBND tỉnh quản lý có tỷ lệ giải ngân vốn năm 2023 dưới 10%, trong đó có 5 chương trình, chưa có tỷ lệ giải ngân); thu tiền sử dụng đất không đạt kế hoạch; thu ngân sách chưa đạt dự toán HĐND tỉnh giao (đạt 48,7% dự toán HĐND tỉnh giao, giảm 7,3% so với cùng kỳ năm trước); phê duyệt kế hoạch sử dụng đất các địa phương chậm hoàn thành; công tác cải cách hành chính còn hạn chế (hai chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) và chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) năm 2022 đạt thấp so với với năm 2021); tình trạng vi phạm Luật Lâm nghiệp, khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra ở một số địa phương; tai nạn giao thông mặc dù giảm cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ nhưng vẫn xảy ra một số vụ nghiêm trọng; tội phạm hình sự, tội phạm về ma túy tăng so với cùng kỳ; tình hình cháy, nổ còn xảy ra; an ninh mạng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát.

Lý giải về nguyên nhân kết quả giải ngân chưa cao, còn nhiều dự án chậm tiến độ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Hữu Hòa cho biết: Hiện công tác này còn vướng rất nhiều ở cơ chế, chính sách như quy định về đơn vị lập hồ sơ đề xuất, quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng, vấn đề giấy phép môi trường. Ngoài ra, việc hụt thu nguồn vốn thu tiền sử dụng đất và cho thuê đất năm 2022 và 2023 cũng đã làm cho nhiều công trình sử dụng nguồn vốn này đã có khối lượng thực hiện nhưng không có nguồn vốn để thanh toán; công tác đền bù, giải phóng mặt bằng chưa được các địa phương triển khai quyết liệt…

“Đối với công trình khởi công mới năm 2023, hầu hết đều đang ở bước triển khai thủ tục đầu tư và ưu tiên vốn để đền bù giải phóng mặt bằng nên chưa có khối lượng thi công để giải ngân. Trong đó, đáng chú ý là các dự án thuộc chương trình phục hồi kinh tế-xã hội sau đại dịch Covid-19. Mặt khác, năng lực quản lý của một số chủ đầu tư còn yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, chất lượng hồ sơ liên quan đến dự án từ khi lập chủ trương đầu tư đến khi đấu thầu chất lượng kém, phải làm đi làm lại gây mất nhiều thời gian”-Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư phân tích tại kỳ họp.

Giám đốc sở Nông nghiệp-PTNT Lưu Trung Nghĩa báo cáo tại kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

Giám đốc sở Nông nghiệp-PTNT Lưu Trung Nghĩa báo cáo tại kỳ họp. Ảnh: Đức Thụy

Bên cạnh đó, việc khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch hành động “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu, giai đoạn 2016-2020” cũng được nhiều đại biểu quan tâm. Giám đốc sở Nông nghiệp-PTNT Lưu Trung Nghĩa thông tin: Rút kinh nghiệm từ những tồn tại trước đây, UBND tỉnh đã đưa nhiệm vụ cụ thể của các huyện, thị xã, thành phố vào Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định số 874/QĐ-UBND ngày 9-12-2021 của UBND tỉnh.

Giám đốc sở Nông nghiệp-PTNT cho biết: “Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các địa phương là đánh giá kết quả thực hiện giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp của địa phương giai đoạn 2021-2025 phù hợp với thực tiễn và Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, đã có 11 địa phương ban hành đề án, kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Các địa phương còn lại vẫn đang trong quá trình rà soát số liệu và các chỉ tiêu cụ thể để xây dựng kế hoạch phù hợp với đặc điểm về tình hình kinh tế-xã hội, khí hậu, đất đai, thổ nhưỡng của địa phương. Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai giai đoạn 2021-2025 cũng căn cứ trên điều kiện kinh tế-xã hội, điều kiện khí hậu, đất đai của từng địa phương, đề ra các nhiệm vụ cụ thể…”.

Tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên đề nghị các đại biểu cần thảo luận, đề xuất những giải pháp sát thực, cụ thể, phù hợp, mang tính khả thi cao để trong thời gian đến có sự chuyển biến tốt hơn. “Các đại biểu HĐND tỉnh cần dành thời gian nghiên cứu tài liệu; phát huy dân chủ, trách nhiệm, thẳng thắn trong thảo luận, tranh luận, tập trung vào các vấn đề trọng tâm, trọng điểm; thể hiện rõ quan điểm với từng nội dung, nhất là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau làm cơ sở để HĐND tỉnh xác định đúng chủ trương, quyết định ban hành nghị quyết có tính khả thi cao, đáp ứng tốt nhất các yêu cầu thực tiễn đặt ra và phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực vì sự phát triển của tỉnh và đáp ứng niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri tỉnh nhà”- Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên yêu cầu.

Cũng trong phiên làm việc sáng nay, các đại biểu đã nghe Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh thông báo công tác tham gia xây dựng chính quyền 6 tháng đầu năm 2021; Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thông báo kết quả Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV…

Chiều nay, các đại biểu sẽ nghe các dự thảo nghị quyết do UBND tỉnh trình; Thường trực HĐND báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện các ý kiến, kiến nghị của cử tri đã gửi đến kỳ họp thứ 13 và các kỳ họp trước của HĐND tỉnh chưa được giải quyết dứt điểm; các Ban HĐND tỉnh báo cáo kết quả thẩm tra các báo cáo và dự thảo nghị quyết của HĐND tỉnh do Thường trực HĐND tỉnh và UBND tỉnh trình tại kỳ họp…

Báo Gia Lai điện tử sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Có thể bạn quan tâm