Ngăn chặn nguy cơ cháy nổ trong khu dân cư

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Sau hơn 4 tháng thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đối với khu dân cư, hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý, chấn chỉnh nhiều thiếu sót, vi phạm trong thực hiện các quy định an toàn PCCC.

Tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ

Qua công tác kiểm tra an toàn PCCC tại các khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh, lực lượng chức năng phát hiện nhiều bất cập trong công tác PCCC. Theo đó, đối với các hộ gia đình kết hợp với sản xuất kinh doanh, hệ thống điện được thiết kế, lắp đặt chưa phù hợp với công năng sử dụng, không đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện thực tế dẫn đến dễ bị quá tải gây cháy, nổ; hàng hóa chưa được bố trí, sắp xếp bảo đảm các điều kiện về khoảng cách an toàn PCCC. Cùng với đó, nhiều khu dân cư đã hình thành từ lâu nên hệ thống đường giao thông nhỏ hẹp không đảm bảo cho xe chữa cháy hoạt động.

Đặc biệt, tại các khu dân cư, nhiều công trình nhà ở kết hợp kinh doanh sản xuất, phổ biến là các loại nhà ống, bố trí liền kề, không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC, không có lối thoát dự phòng, không có giải pháp ngăn cháy lan và chỉ có một lối thoát nạn duy nhất (cửa chính). Bên cạnh đó, chủ hộ thường bố trí nhiều lớp cửa bảo vệ kiên cố, lắp đặt, gia cố các lồng sắt bảo vệ, bảng quảng cáo che kín ban công, mặt tiền nhà. Khi xảy ra sự cố về cháy nổ, người dân không thể thoát nạn nhanh chóng và gây nhiều khó khăn cho việc tiếp cận chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Điển hình như vụ cháy xảy ra vào lúc 14 giờ 35 phút ngày 16-7-2021 tại nhà ông Mạc Như Hòa (số 362 Trần Phú, phường Diên Hồng, TP. Pleiku). Nhà bị cháy thuộc loại hình cấp IV, có gác lỡ, gây thiệt hại hơn 500 triệu đồng. Qua khám nghiệm hiện trường, lực lượng chức năng xác định nguyên nhân cháy do chập điện. Đây là cơ sở nhà ở kết hợp với kinh doanh loa đài, không có lối thoát nạn phía sau nên khó khăn cho công tác chữa cháy.

 Lực lượng Cảnh sát PCCC kịp thời dập tắt đám cháy tại nhà số 362 Trần Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Văn Ngọc
Lực lượng Cảnh sát PCCC kịp thời dập tắt đám cháy tại nhà số 362 Trần Phú (TP. Pleiku). Ảnh: Văn Ngọc



Dù tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao nhưng tại những khu vực này, ý thức chấp hành pháp luật về PCCC của người dân chưa cao. Dụng cụ, phương tiện chữa cháy thiếu về số lượng hoặc không đảm bảo chất lượng, không được kiểm tra, bảo dưỡng định kỳ; người sử dụng phương tiện không biết hoặc chưa thành thạo trong vận hành phương tiện chữa cháy. Bên cạnh đó, chủ hộ, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh thiếu ý thức trách nhiệm trong công tác PCCC, chưa có ý thức tự trang bị các kiến thức cơ bản về thoát nạn, phương án thoát nạn cho gia đình trong trường hợp có sự cố cháy nổ.

Chú trọng công tác phòng ngừa

 

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 22 vụ cháy, trong đó có 12 vụ ở khu dân cư, hộ gia đình và nhà ở, kho kết hợp sản xuất kinh doanh; tổng thiệt hại về tài sản hơn 8,5 tỷ đồng.

Thực hiện Kế hoạch số 151/KH-BCA-C07 của Bộ Công an, Công an tỉnh đã tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành Công văn số 614/UBND-NC ngày 24-5-2021 chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn PCCC tại khu dân cư, hộ gia đình và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Công an tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch số 740/KH-CAT-PC07 ngày 27-5-2021 chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, Công an các địa phương tổ chức thực hiện đợt cao điểm này.

Trong thời gian qua, Phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) đã chủ trì phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố xây dựng đề cương, hướng dẫn công tác kiểm tra an toàn PCCC tại khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh. Theo đó, lực lượng Công an phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để tuyên truyền đến người dân những quy định của pháp luật về PCCC và cứu nạn cứu hộ. Theo đó, trong 4 tháng triển khai thực hiện đợt cao điểm (từ 15-4 đến 15-8), lực lượng Công an đã xây dựng 65 mô hình về an toàn PCCC tại khu dân cư; tổ chức được 606 buổi tuyên truyền với hơn 17.400 lượt người tham gia; tuyên truyền lồng ghép trong các hoạt động của chi bộ, tổ dân phố và các đoàn thể được 631 buổi; xây dựng 37 tin, bài, phóng sự tuyên truyền về PCCC; phát 2.611 lượt tuyên truyền về PCCC trên loa phát thanh từ tỉnh đến cơ sở; phát hơn 15.200 tờ rơi, gửi 455 tin nhắn SMS… tuyên truyền những quy định của pháp luật về PCCC. Cũng trong đợt cao điểm này, lực lượng chức năng phối hợp tổ chức kiểm tra định kỳ 754 cuộc, kiểm tra đột xuất 971 cuộc; lập 1.767 biên bản kiểm tra thực tế và tổ chức cho 2.976 hộ dân, cơ sở sản xuất kinh doanh ký cam kết bảo đảm an toàn về PCCC; yêu cầu khắc phục 2.378 lỗi thiếu sót và 64 hành vi vi phạm quy định PCCC.

Thượng tá Đặng Ngọc Hùng-Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC và Cứu nạn cứu hộ-cho biết: “Thời gian tới, Công an tỉnh sẽ tiếp tục mở các đợt cao điểm về tuyên truyền, kiểm tra an toàn PCCC. Đồng thời, căn cứ vào tình hình thực tế để nghiên cứu, tham mưu giúp lãnh đạo các cấp ban hành quy định an toàn về PCCC đối với nhà ở riêng lẻ và nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục tham mưu ban hành bộ tiêu chí mô hình cụm dân cư an toàn PCCC để Công an các huyện, thị xã, thành phố, Công an cấp xã triển khai xây dựng các mô hình kiểu mẫu tại các khu dân cư trên toàn tỉnh. Đồng thời, chủ động hướng dẫn kiện toàn các đội dân phòng, bảo đảm 100% thôn, tổ dân phố thành lập đội dân phòng; huấn luyện lực lượng Công an cấp xã về biện pháp quản lý cũng như những điều kiện an toàn PCCC đối với các cơ sở, hộ gia đình. Ngoài ra, tiếp tục phối hợp với các lực lượng liên quan thành lập các đoàn kiểm tra về các điều kiện an toàn về PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh nhằm phát hiện, khắc phục kịp thời những sơ hở, thiếu sót tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy, nổ”.

 

 LÊ ANH

Có thể bạn quan tâm

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

Phụ nữ Ia Rsai tiết kiệm để giúp người nghèo

(GLO)- Mô hình “Hũ gạo tình thương”, “Heo đất tiết kiệm” của Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ia Rsai (huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai) được duy trì suốt 1 thập kỷ qua. Thông qua mô hình, phụ nữ Ia Rsai thực hành tiết kiệm để giúp người nghèo và các hoàn cảnh khó khăn.

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

(GLO)- Sáng 29-10, Cục Quản lý thị trường Gia Lai phối hợp với Cơ sở sản xuất nước chấm Tương Việt Hoa Sen Tây Nguyên tổ chức trao mô hình sinh kế và khánh thành bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo tại làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Trên 384 triệu đồng quà tặng cho người nghèo và học sinh khó khăn tại Chư Sê và Phú Thiện

Trên 384 triệu đồng quà tặng cho người nghèo và học sinh khó khăn tại Chư Sê và Phú Thiện

(GLO)- Sáng 25-10, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) tỉnh Gia Lai, Hội CTĐ huyện Chư Sê phối hợp với Hội CTĐ cụm thi đua số 1 (trực thuộc Hội CTĐ TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình công tác xã hội nhân đạo, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng và tặng quà cho học sinh khó khăn trên địa bàn huyện Chư Sê.

Chư Pưh tạo động lực giúp người dân thoát nghèo

Chư Pưh tạo động lực giúp người dân thoát nghèo

(GLO)- Từ nguồn vốn của Tiểu dự án 1-Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp (Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025), huyện Chư Pưh đã triển khai các dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo liên kết sản xuất để từng bước vươn lên thoát nghèo.