Đoàn chuyên gia có bà Naomi Kitahara-Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam, bà Jennifer Cox-Tổng Giám đốc MSD tại Việt Nam và đại diện lãnh đạo Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em.
Tham gia tiếp đoàn, về phía tỉnh Gia Lai có lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở: Ngoại vụ, Y tế, Lao động-Thương binh và Xã hội; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, UBND huyện Mang Yang…
Quang cảnh buổi tiếp. Ảnh: Như Nguyện |
Tại buổi tiếp, thay mặt UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch đã thông báo khái quát tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự hỗ trợ của UNFPA và MSD for Mothers đối với tỉnh Gia Lai, nhất là Dự án “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong bà mẹ vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam”.
Qua triển khai, dự án này đã mang lại hiệu quả rõ rệt trong chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch mong muốn: Thời gian tới, Dự án tiếp tục triển khai, tăng cường sự hợp tác, phối hợp xây dựng các dịch vụ và có những hỗ trợ thiết thực cho tỉnh, góp phần nâng cao sức khỏe người dân.
Thay mặt đoàn công tác, Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đã cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh giúp đoàn có chuyến công tác thuận lợi, nhất là trong việc khảo sát thực tế tại khu vực triển khai dự án cũng như tiếp xúc trực tiếp và trao đổi thông tin với địa phương và người dân.
Từ các buổi làm việc và thông tin thu thập được, Dự án sẽ có những giải pháp, sáng kiến hiệu quả để tiếp tục hỗ trợ cho tỉnh Gia Lai nói riêng, các tỉnh triển khai dự án nói chung trong thời gian tới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Thanh Lịch (bìa phải) trao tặng quà lưu niệm cho bà Jennifer Cox-Tổng Giám đốc MSD tại Việt Nam. Ảnh: Như Nguyện |
Tại buổi tiếp, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương của tỉnh Gia Lai cũng đã có những thảo luận, trao đổi, đề xuất, kiến nghị xung quanh việc triển khai Dự án. Đoàn công tác cũng đã ghi nhận những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Gia Lai và sẽ xem xét hỗ trợ để Dự án triển khai thuận lợi.
Được biết, Dự án “Không để ai bị bỏ lại phía sau: Các can thiệp đổi mới sáng tạo nhằm giảm tình trạng tử vong bà mẹ vùng dân tộc thiểu số tại Việt Nam” triển khai tại 14 xã thuộc 4 huyện: Mang Yang, Chư Păh, Chư Sê và Kông Chro.
Dự án nhằm mục tiêu tăng cường khả năng tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục toàn diện, có chất lượng và tự nguyện cho đồng bào dân tộc thiểu số; nâng cao năng lực quản lý cấp cứu sản khoa ở các khu vực miền núi và xây dựng mạng lưới cô đỡ thôn bản ở các vùng dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa.