Lan tỏa tình yêu sen đá

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Cộng đồng những người có cùng sở thích trồng cây mọng nước 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum vừa tham gia buổi offline, workshop và triển lãm sen đá, xương rồng và cây mọng nước được tổ chức tại TP. Pleiku. Chương trình đã tạo sự lan tỏa tình yêu với nghệ thuật trồng cây cũng như chuyển tải nhiều thông điệp tốt đẹp về cuộc sống.

Nghệ thuật chơi sen đá

Không gian của quán Classic Coffee (369 Lê Duẩn, TP. Pleiku) trong ngày diễn ra chương trình offline, workshop và triển lãm sen đá, xương rồng và cây mọng nước Gia Lai-Kon Tum lần thứ nhất trở nên nhộn nhịp hơn ngày thường. Một “dòng suối” sen đá mềm mại với hơn 30 loài được trang trí vô cùng đẹp mắt ngay lối vào quán. Khoảng 70 tác phẩm sen đá, xương rồng của hơn 50 tác giả đến từ 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum trưng bày dọc lối đi để khách tham quan và bình chọn tác phẩm mình yêu thích nhất.

Ngoài ra, chương trình còn có sự tham gia trưng bày và bán sen đá, xương rồng, giá thể, các loại phân bón, chậu để trồng cây của các cơ sở kinh doanh. Tại các gian hàng này, mọi người được tư vấn cách trồng và chăm sóc để cây phát triển tốt.

Anh Nguyễn Nhật Quang (TP Kon Tum) cùng tác phẩm sen đá dù của mình đến dự thi tại chương trình. Ảnh: Phương Linh
Anh Nguyễn Nhật Quang (TP. Kon Tum) cùng tác phẩm sen đá của mình đến dự thi tại chương trình. Ảnh: Phương Linh


Những người yêu thích đều coi sen đá, xương rồng là thú chơi đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu không thua kém bất kỳ môn nghệ thuật nào. Anh Nguyễn Nhật Quang (phường Lê Lợi, TP. Kon Tum) đến với sen đá và xương rồng đã hơn 5 năm. Khu vườn của anh hiện có khoảng 500 loại sen đá, xương rồng có xuất xứ từ Đà Lạt, Hàn Quốc, Trung Quốc.

Anh Quang chia sẻ: “Trồng sen đá thực sự là một nghệ thuật. Vì vậy, người chơi phải thật sự kiên trì, chịu khó tìm tòi, học hỏi am hiểu từng chủng loại, chăm sóc công phu để có kết quả mong muốn”.

Theo kỹ sư nông nghiệp Đặng Hồng Thân-chủ của cơ sở Lá Xanh Garden (725 Trường Chinh, TP. Pleiku), thành viên Ban tổ chức: Trồng sen đá vừa khó lại vừa dễ. Anh Thân chia sẻ: “Sen đá, xương rồng, cây mọng nước đều ưa nắng, càng có nắng chúng càng phát triển tốt và lên màu đẹp. Trồng chúng cần đặc biệt chú ý đến giá thể. Nếu giá thể không thoát nước thì cây sẽ bị úng và chết dần. Những người chơi sen đá vẫn nói vui với nhau rằng đừng chăm sóc kỹ quá, cứ bỏ lăn lóc ngoài trời thì tự khắc nó phát triển tốt”.

Dù vậy, trên thực tế, người trồng phải tìm hiểu đặc tính riêng để thuần hóa chúng thích nghi với môi trường mới. Để cây sen đá, xương rồng đạt kích thước hay màu sắc mong muốn cũng phải đợi hàng tháng trời, thậm chí nhiều năm. Do đó, chơi sen đá là một lĩnh vực thách thức sự tỉ mỉ, kỳ công mà chỉ những người đam mê thực sự mới làm được.   

Lan tỏa thông điệp sống tốt đẹp

Sen đá, xương rồng là các loài cây mang ý nghĩa về tình yêu bền chặt, đại diện cho sức sống bền bỉ, kiên cường. Mỗi chiếc lá rụng xuống sẽ không mất đi mà là khởi nguồn cho sự sống mới. Những mầm cây mới sẽ sinh sôi từ chiếc lá ấy. Vì thế, cách sinh tồn của loài cây này mang trong mình một triết lý sống đẹp.

Anh Thân tâm sự: “Cuộc đời mỗi người có những lúc không thuận lợi, suôn sẻ. Những khi ấy, mình lại nhớ đến cây sen đá, xương rồng để tiếp thêm nghị lực, để cố gắng vượt qua những khó khăn trong cuộc sống”.

Tại chương trình, người dân được tư vấn cách trồng và chăm sóc sen đá, xương rồng. Ảnh: Phương Linh
Tại chương trình, người dân được tư vấn cách trồng và chăm sóc sen đá, xương rồng. Ảnh: Phương Linh

Kết thúc chương trình, Ban tổ chức trao 1 giải nhất, 2 giải nhì, 3 giải ba cho các tác phẩm được khách tham quan bình chọn nhiều nhất trong số hơn 70 tác phẩm tham gia dự thi. Trong đó, tác phẩm “Cây sen đá đô la thế bonsai” của anh Nguyễn Duy Kiên (TP. Pleiku) đạt giải nhất.

Ngày càng nhiều người đến với sen đá, xương rồng. Ngoài thỏa niềm đam mê với loài cây mọng nước mang dáng vẻ xinh xắn thì việc chăm sóc, nhìn thấy sự thay đổi từng chút của chúng cũng đem lại nhiều niềm vui cho chủ nhân.

Chị Nguyễn Thị Huệ-chủ cơ sở Lan Huệ (104 Phan Đình Phùng, TP. Pleiku) bộc bạch: “Chăm sóc sen đá mỗi ngày giúp mình giảm bớt căng thẳng, mệt mỏi. Từ khi tham gia cộng đồng những người yêu sen đá, mình làm quen nhiều bạn có cùng sở thích, được giao lưu, học hỏi và tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm về cách trồng, chăm sóc cây cũng như những lời khuyên hữu ích cho cuộc sống”.

Dù chỉ diễn ra trong 1 ngày, song chương trình offline, workshop, triển lãm sen đá, xương rồng, cây mọng nước do Hội sen đá, xương rồng và cây mọng nước Gia Lai-Kon Tum tổ chức đã rất thành công. Các loài sen đá như: thạch ngọc, thạch bích, cánh bướm, móng rồng, kim cương, rubi, viền lửa, bắp cải tím… hay các loài xương rồng: trứng chim, tai thỏ, nải chuối, móc câu, gymno… được trưng bày khiến người xem mãn nhãn.

Trao đổi với P.V, anh Thân cho biết thêm: “Đây là lần đầu tiên Hội sen đá, xương rồng và cây mọng nước Gia Lai-Kon Tum tổ chức offline, workshop và triển lãm. Chương trình thu hút hơn 50 cá nhân, cơ sở trồng và bán sen đá, xương rồng của 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Hy vọng, chương trình sẽ lan tỏa tình yêu sen đá đến với nhiều người hơn, đặc biệt là giới trẻ về lối sống “chậm”, lành mạnh, hài hòa với thiên nhiên”.
 

 PHƯƠNG VI
 

Có thể bạn quan tâm

Minh họa: ĐẶNG HỒNG QUÂN

Tuổi già

(GLO)- Gần đây, tôi ít về quê. Nhiều khi người thân ở quê có việc hoặc muốn biết về tình hình phát triển của quê hương, chỉ cần bỏ ra mươi phút lướt mạng là có đầy đủ thông tin.

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

Dự án “Giếng sạch trao buôn”: Thiết thực, ý nghĩa

(GLO)- Từ năm 2022 đến nay, Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Tổ chức ASIF tại Việt Nam và các đơn vị tài trợ đã triển khai có hiệu quả Dự án “Giếng sạch trao buôn” giúp bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nước sạch để sử dụng.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Minh Trung khẳng định việc giao quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai sẽ tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý (ảnh nguồn internet).

Phân cấp thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất: Thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý

(GLO)- Theo phân cấp, từ ngày 1-11-2024, chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai các huyện, thị xã, thành phố được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác nhận thay đổi đối với trường hợp đăng ký biến động... tạo thuận lợi cho người dân lẫn cơ quan quản lý.

Ông Ksor Nai (thứ 2 từ phải sang) cùng người dân xã Chư Mố trao đổi về công tác hòa giải ở địa phương. Ảnh: H.M

Ksor Nai nhiệt tình với công tác hòa giải

(GLO)- Ngoài đảm nhận vai trò hòa giải viên tại Tòa án nhân dân (TAND) huyện Ia Pa, từ năm 1978 đến nay, ông Ksor Nai (SN 1956, thôn Plơi Apa Ama H’lắk, xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai) còn tích cực tham gia công tác hòa giải ở địa phương.

Người dân làng Kmông phấn khởi khi công trình nước sạch được đưa vào sử dụng. Ảnh: N.H

Nước sạch về làng

(GLO)- Hàng trăm hộ dân ở làng Kmông và De Lung 1 (xã Ia Tô, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) vô cùng phấn khởi khi công trình nước sạch do Hội Liên hiệp phụ nữ xã kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ xây dựng đã hoàn thành đưa vào sử dụng.