Làm ơn mắc oán

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Giúp đỡ người khác trong lúc hoạn nạn là nghĩa cử cao đẹp, đáng để biết ơn. Thế nhưng không ít những việc làm ơn lại khiến người tốt bỗng dưng mắc oán.

Mới đây, trên đường từ cơ quan về nhà, anh bạn tôi bỗng nhìn thấy một người phụ nữ mang thai điều khiển xe máy đi sát lề đường, loạng choạng rồi ngã. Ngay lập tức, anh dừng xe và chạy đến đỡ người phụ nữ đó dậy. Đường vắng vẻ, thưa thớt, anh bèn gọi xe và đưa chị ấy đến bệnh viện. Anh cũng không quên lấy số điện thoại để thông báo cho người nhà của người phụ nữ kia đến chăm nom. Đang lúc chờ đợi, anh bỗng thấy một người đàn ông hùng hổ lao đến vừa chửi bới vừa tung những cú đấm đá vào người mình. Vì quá bất ngờ, anh không kịp phản ứng, chỉ đành trông chờ vào sự giải vây của những người xung quanh. Mọi người sau đó mới vỡ lẽ, người đàn ông nghĩ anh bạn tôi là thủ phạm tông trúng người phụ nữ kia nên mới tức giận như vậy. Sau khi được giải thích, anh ta liền nhận ra sự hồ đồ của mình và không ngừng xin lỗi, gửi lời cảm ơn. Dù đã gỡ được khúc mắc nhưng anh bạn tôi cũng bị một phen hú vía sau khi ra tay “nghĩa hiệp”.

Bác hàng xóm cạnh nhà tôi bức xúc kể một lần làm ơn mà thành mắc oán. Trong lúc đi ngang nhà người em quen biết, bác thấy đứa cháu nhỏ chơi một mình trước vỉa hè đoạn đường đông đúc xe cộ qua lại. Vì cũng khá thân thiết nên bác ghé vào hỏi thăm mới biết bố mẹ đều đi vắng. Lo lắng đứa trẻ lên 5 chơi một mình không an toàn, ông liền chở cháu về nhà mình để tiện trông nom giúp. Đứa trẻ cũng vui mừng đi theo ông bác. Chuyện chẳng có gì cho đến khi bố mẹ đứa trẻ trở về hoảng hốt tìm con mãi không thấy và nghĩ con bị bắt cóc. Sau khi xác minh đứa trẻ đang an toàn ở nhà người quen, cả hai vợ chồng tức tốc chạy xe vào đón cháu và không quên… mắng ông bác một trận vì “trêu đùa ác ý”. Bác hàng xóm cũng đành xin lỗi vì đã không thông báo cho gia đình sớm hơn. Nhưng hành động của bác đơn thuần xuất phát từ tình cảm, lo lắng cho an toàn của đứa cháu chứ không phải trêu đùa như bị hiểu nhầm.

Thực tế, không chỉ riêng trường hợp anh bạn của tôi mà rất nhiều “Lục Vân Tiên” khác đã rơi vào hoàn cảnh tương tự. Cứu người nhưng bị đánh là chuyện thường xảy ra trong các trường hợp giúp đỡ, hỗ trợ nạn nhân bị tai nạn giao thông. Trong sự lo lắng tột độ, người nhà nạn nhân đã không kịp hỏi han, suy xét đúng sai mà vội vã “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân” với ân nhân của mình. Đó cũng là lý do khiến dòng xe chậm rãi đi qua các vụ tai nạn, chỉ để lại những ánh nhìn tò mò, thương cảm thay vì dừng lại giúp đỡ. Trong các vụ ẩu đả, thay vì khuyên can, hòa giải, mọi người thường chọn cách đứng bên ngoài theo dõi. Hẳn dễ dàng hiểu được lý do của sự thờ ơ đó khi có nhiều vụ việc “nhãn tiền” trong can thiệp giải quyết xích mích.

Chúng ta cũng nhận ra rằng bản thân ngày càng vô tâm trước những thông báo tìm kiếm người thân đi lạc, mất tích hay đồ vật bị đánh rơi. Suy nghĩ “đèn nhà ai nhà nấy rạng”, việc nhà nào nhà nấy lo như một cái kén, dần tách biệt mọi người với cộng đồng. Đây là biểu hiện rất đáng lo ngại khi cuộc sống ngày càng hiện đại, tấp nập và sự nghĩa hiệp không được tự do thể hiện bằng hành động, thái độ. Vì thế, khi nhận được sự giúp đỡ dù trong bất cứ tình huống, hoàn cảnh thế nào, mỗi người cần có đủ bình tĩnh, tránh tái diễn những tình huống không đáng có như trên để những hành động đẹp tiếp tục được lan tỏa.

 

KHÔI NGUYÊN
 

Có thể bạn quan tâm

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

Năm 2025 là cao điểm 350 ngày đêm xóa nhà tạm, nhà dột nát

(GLO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại phiên họp trực tuyến toàn quốc lần thứ hai của Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước vào chiều 12-1 để đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát.