Theo Bộ trưởng Giao thông, người có giấy phép lái xe ôtô muốn hành nghề lái xe ôtô kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và được cấp Chứng chỉ hành nghề lái xe ôtô kinh doanh vận tải.
Bến xe khách. (Ảnh: Vietnam+) |
Tại Dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi được Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trình Quốc hội trong ngày 24/10 vừa qua có quy định mới đáng chú ý là: “Người có giấy phép lái xe ôtô muốn hành nghề lái xe ôtô kinh doanh vận tải phải được đào tạo nghiệp vụ vận tải và được cấp Chứng chỉ hành nghề lái xe ôtô kinh doanh vận tải."
Ngay sau đó có nhiều luồng dư luận cho rằng với chủ trương tạo điều kiện tối đa cho cá nhân, doanh nghiệp tham gia kinh doanh, quy định này có thể gây khó khăn và thêm chi phí cho người dân và doanh nghiệp.
Trao đổi với phóng viên VietnamPlus, bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho hay theo quy định hiện nay, với bằng lái xe từ B2 trở lên, người học lái xe đều được đào tạo cả chứng chỉ nghề và kỹ năng lái xe. Nhưng theo quy định mới, kỹ năng lái xe sẽ do Bộ Công an quản lý, chứng chỉ nghề do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Việc tách riêng sẽ đúng đối tượng cần học, người nào muốn hành nghề kinh doanh vận tải mới phải học.
Cũng theo bà Hiền, chứng chỉ nghề tách bạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi khi xử lý vi phạm. Chẳng hạn, nếu lái xe vi phạm các hoạt động kinh doanh vận tải, sẽ bị rút chứng chỉ hành nghề. Quy định mới này cũng không hồi tố với các giấy phép lái xe đã cấp trước đây.
Chia sẻ chi tiết vấn đề, bà Phan Thị Thu Hiền khẳng định, với quy định trên được đưa vào dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi sẽ có lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Cụ thể, hiện nay nhiều người chỉ học lái xe để lái xe cá nhân, gia đình đơn thuần nhưng với chương trình đào tạo lái xe hiện nay họ bắt buộc phải học cả phần nội dung về kinh doanh vận tải. Ví dụ như người học lái xe bằng B2 (như lái xe taxi) hay học lái xe bằng C nhưng không dùng để tham gia kinh doanh vận tải bị thừa, điều này rất lãng phí cho xã hội và người học.
Bà Phan Thị Thu Hiền cho rằng khi người học có nhu cầu học lái xe để phục vụ kinh doanh vận tải (taxi, vận tải hàng hóa, vận tải hành khách ) thì các cơ sở đào tạo sẽ đào tạo chuyên sâu cho người học.
Ngược lại những người không có nhu cầu này, chỉ học để có kỹ năng lái xe cá nhân, gia đình thì không bắt buộc phải học chương trình về kinh doanh vận tải ôtô.
Theo phân tích từ Phó Tổng cục trưởng Phan Thị Thu Hiền, việc thêm quy định này sẽ giúp việc quản lý nhà nước và xử lý tình huống thực tế hiện nay dễ dàng hơn. Ví dụ như, người được cấp bằng lái xe khi thực hiện kinh doanh vận tải, nếu người này vi phạm những quy định thuộc về điều kiện kinh doanh vận tải, chỉ bị đình chỉ về phần kinh doanh vận tải, còn phần lái xe thì không bị đình chỉ. Như vậy, sẽ giúp người vi phạm trên vẫn còn quyền được lái xe trên đường nhưng không thực hiện kinh doanh vận tải.
“Còn như hiện nay, ví dụ như những người kinh doanh vận tải taxi có bằng B2 trở lên nếu vi phạm những quy định về kinh doanh vận tải thì sẽ bị thu bằng luôn, khi đó sẽ không có bằng lái để tham gia giao thông. Đây là điều bất hợp lý phải tháo gỡ cho người dân,” bà Phan Thị Thu Hiền cho hay.
Trả lời câu hỏi, việc đưa thêm quy định mới này có gây tốn kém tiền bạc và nhiêu khê về mặt thủ tục hành chính cho người dân hay không?, bà Phan Thị Thu Hiền cho biết với quy định hiện hành, chứng chỉ nghề (quy định mới là giấy phép kinh doanh vận tải) vẫn đang được các cơ sở đào tạo cấp, người học lái xe vẫn đang phải học. Do đó, việc quy định này chỉ là kế thừa những điều đang được thực hiên, không có thêm bất cứ thủ tục hay giấy phép “con” nào cho người dân.
“Quy định này rất có lợi cho người học, hiện nay, theo thống kê có hơn 6 triệu giấy phép lái xe; trong khi đó, chỉ có hơn 1,5 triệu xe đang hoạt động kinh doanh vận tải. Như vậy nếu tính trường hợp cao nhất trong 5 triệu giấy phép lái xe đó sẽ cùng lắm khoảng hơn 2 triệu người đã học lái xe sẽ sử dụng bằng lái xe đó để hoạt động kinh doanh vận tải thực sự.
Như vậy, quy định trên sẽ chỉ tập trung vào những đối tượng học bằng lái xe để kinh doanh vận tải, còn lại những người không có nhu cầu sẽ không phải học nữa. Đây chính là lợi ích mà quy định mới mang lại”, bà Phan Thị Thu Hiền chia sẻ.
Hoạt động xe taxi. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN) |
Ngoài ra, bà Phan Thị Thu Hiền khẳng định tất cả những người lái xe đã được cấp bằng trước đây, ví dụ như B2 được phép lái xe taxi, học đã được cấp bằng rồi sẽ được giữ nguyên, tiếp tục hoạt động vận tải taxi như hiện tại, như vậy sẽ không gây phiền hà cho người dân.
Tuy nhiên, khi luật mới có hiệu lực thì sẽ có cơ chế đổi, tách. Ví dụ một người có bằng lái xe những có cả hai chức năng lái xe và kinh doanh vận tải thì lúc đó hộ cần tách, cơ quan chức năng sẽ tách cho họ.
Đề cập thêm về kinh phí học lái xe của người học, bà Phan Thị Thu Hiền thông tin, hiện nay chi phí đào tạo, sát hạch lái xe hiện nay được tính toán trên cơ sở học gì tính đó, do đó người học học gì thì sẽ chỉ trả học vậy. Nếu người học không học phần kinh doanh vận tải, có thể được giảm chi phí phần đó.
Nhìn nhận ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô Việt Nam cho biết, theo quy định hiện hành tại Luật Giao thông đường bộ 2008, lái xe là đào tạo nghề, trừ lái xe hạng B1 (ôtô dưới 9 chỗ ngồi dạng gia đình) không cần đăng ký kiểm tra cấp chứng chỉ nghề.
Lái xe chuyên nghiệp (hạng B2 trở lên) được thực hiện theo quy định của luật Dạy nghề; khi học xong chương trình, người học phải qua kỳ thi cấp chứng chỉ nghề, có chứng chỉ nghề mới được dự sát hạch để cấp giấy phép lái xe.
“Quy định như Luật Giao thông đường bộ 2008 là phù hợp, không cần thay đổi, không nên tách ra thành 2 phần do 2 bộ quản lý, sẽ rất chồng chéo, phiền phức cho người học, tăng thêm chi phí và như một loại giấy phép con, không phù hợp chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ”, ông Nguyễn Văn Quyền nêu ý kiến.
Theo TTXVN/Vietnam+