Krông Pa phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong nhiệm kỳ 2019-2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) đã có nhiều đổi mới, phát huy vai trò trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần đắc lực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

5 năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa đã có nhiều đổi mới trong việc tổ chức thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động gắn với nhiệm vụ chính trị và phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Nổi bật là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với thực hiện Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 13-2-2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Cụ thể, Mặt trận các cấp đã tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân dọn vệ sinh đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh, di dời chuồng gia súc ra xa nhà ở, thu gom xử lý rác thải, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật, đào hố rác, làm nhà vệ sinh…

Bên cạnh đó, Mặt trận các cấp chú trọng vận động người dân khôi phục, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có sự tiến bộ hơn, các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan giảm đáng kể. Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện và các tổ chức thành viên đã phối hợp với ngành Giáo dục và Đào tạo huyện tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân huy động trẻ em trong độ tuổi đến trường đạt tỷ lệ 98% trở lên. Công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân được quan tâm đúng mức, tỷ lệ người dân đến cơ sở y tế khám và điều trị ngày càng cao.

Hiện 100% thôn, buôn có đường bê tông, đường nhựa đến tận trung tâm; 100% hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% thôn, buôn có sân tập thể thao, nhà sinh hoạt cộng đồng; 90% hộ dân được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh... Đến nay, toàn huyện có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới (Phú Cần, Ia Mláh, Uar) và 5 làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số gồm: buôn Mlah, Bluk (xã Phú Cần), buôn Prong (xã Ia Mláh), buôn Tieng (xã Uar), buôn Ma Rôk (xã Chư Gu)).

Đại diện các gia đình buôn Chư Jut (xã Chư Gu) ký kết chương trình phối hợp thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Ảnh: K.N

Đại diện các gia đình buôn Chư Jut (xã Chư Gu) ký kết chương trình phối hợp thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”. Ảnh: K.N

Bên cạnh đó, phong trào “Cả nước chung tay vì người nghèo-không để ai bị bỏ lại phía sau” được triển khai thực hiện hiệu quả. Công tác vận động chăm lo, giúp đỡ người nghèo đã nhận được sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân. Phương thức vận động, giúp đỡ có nhiều đổi mới. Trong đó, Mặt trận các cấp vừa vận động trực tiếp các nguồn lực ủng hộ thông qua Quỹ “Vì người nghèo”, vừa chủ trì kết nối để các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động an sinh xã hội, giúp đỡ trực tiếp cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Nhiệm kỳ 2019-2024, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã huy động được trên 3,1 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng 33 nhà “Đại đoàn kết”; thăm hỏi, hỗ trợ 26 bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, bị tai nạn, thiên tai; trao học bổng cho 364 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ 51 hộ nghèo phát triển sản xuất, chăn nuôi.

Thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”, Mặt trận các cấp đã lựa chọn những việc làm cụ thể như: hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt; tư vấn việc làm; chuyển đổi cơ cấu cây trồng; vệ sinh môi trường; thực hành tiết kiệm trong chi tiêu, sản xuất; vận động người dân phát triển kinh tế rừng; hỗ trợ kinh phí mua cây-con giống…

Qua đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã biết cách chi tiêu hợp lý trong sinh hoạt gia đình, thay đổi cách phát triển sản xuất, chăn nuôi phù hợp với điều kiện, khả năng để ổn định đời sống, vươn lên thoát nghèo. Kết quả, trong 5 năm qua, toàn huyện có 487 hộ dân tộc thiểu số được hỗ trợ đã vươn lên thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã triển khai các mô hình sinh kế, mô hình buôn bán nhỏ lẻ, hỗ trợ phát triển chăn nuôi, sản xuất cho 51 hộ nghèo, cận nghèo với tổng kinh phí 301 triệu đồng. Cùng với đó, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện đã phối hợp với chính quyền các cấp vận động được 93 hộ đăng ký nhận khoán bảo vệ, chăm sóc trên 1.500 ha rừng.

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa đã có nhiều đổi mới, phát huy vai trò trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: K.N

Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa đã có nhiều đổi mới, phát huy vai trò trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Ảnh: K.N

Cũng trong nhiệm kỳ 2019-2024, Mặt trận các cấp phối hợp với các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tuyên truyền, thực hiện được 20 mô hình bảo vệ môi trường ở khu dân cư; 51 mô hình bảo đảm an toàn thực phẩm; 86 mô hình bảo đảm trật tự an toàn xã hội; 14 mô hình bảo đảm an toàn giao thông; cảm hóa, giáo dục tại cộng đồng 100 người; 31 khu dân cư có hòm thư tố giác tội phạm với 72 nguồn tin tố giác tội phạm; 23 khu dân cư không phát sinh tội phạm, tệ nạn xã hội…

Những mô hình này không chỉ góp phần tạo chuyển biến tích cực về ý thức cộng đồng mà còn gắn kết các gia đình, dòng họ, các dân tộc, tôn giáo, từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

Với tinh thần “Đoàn kết-Dân chủ-Đồng thuận-Đổi mới-Phát triển”, nhiệm kỳ 2024-2029, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Krông Pa xác định tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình hành động đề ra. Mặt trận các cấp trong huyện tiếp tục hướng mạnh về cơ sở thông qua việc triển khai các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước; thực hiện chức năng đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội, phát huy dân chủ; tích cực tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh; động viên các tầng lớp nhân dân thi đua sáng tạo, thực hiện hiệu quả các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, góp phần hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững cũng như thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh của địa phương.

KSOR NGAK

Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện

Có thể bạn quan tâm

Việt Nam nói về các bước đi của Philippines, Trung Quốc ở Biển Đông

Việt Nam nói về các bước đi của Philippines, Trung Quốc ở Biển Đông

Tổng thống Philippines gần đây ký ban hành Đạo luật Vùng biển và Đạo luật Đường biển của quần đảo. Trung Quốc công bố tên gọi tiêu chuẩn một phần các đảo, rạn san hô, bao gồm 64 cấu trúc ở Biển Đông. Việt Nam đề nghị các quốc gia khác tôn trọng đầy đủ chủ quyền của Việt Nam.

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

Từ kỳ vọng của cử tri đến trách nhiệm đại biểu dân cử - Kỳ cuối: Cần những quyết sách đúng đắn, kịp thời

(GLO)- Những năm gần đây, Trung ương và các cấp chính quyền của tỉnh đã quan tâm đầu tư nhiều công trình, dự án chống sạt lở bờ sông, suối. Tuy nhiên, do nguồn ngân sách có hạn nên chưa thể đầu tư rộng khắp, tình trạng sạt lở bờ sông, suối ở một số nơi vẫn xảy ra.

An Khê thắt chặt tình đoàn kết ở khu dân cư

An Khê thắt chặt tình đoàn kết ở khu dân cư

(GLO)- Những ngày qua, không khí rộn ràng của Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc lại lan tỏa khắp các khu dân cư trên địa bàn thị xã An Khê. Ngày hội là dịp để chính quyền địa phương triển khai các công trình ý nghĩa, thắt chặt tình đoàn kết và chung sức xây dựng khu dân cư ngày càng giàu đẹp.