Bị liệt cả 2 chân vì di chứng của chất độc da cam/dioxin nên anh Đinh Văn Ngọc (thôn Tân Lập, xã Ia Rsai) chỉ làm được những việc nhẹ trong nhà. Cuộc sống vì thế cũng gặp nhiều khó khăn.
Thấu hiểu hoàn cảnh gia đình anh, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện đã vận động Câu lạc bộ thiện nguyện “Ấm tình yêu thương” thuộc Công ty cổ phần Xây dựng Sài Gòn tài trợ xây dựng ngôi nhà mới.
Đầu tháng 7-2023, ngôi nhà có diện tích hơn 30 m2 cùng công trình phụ khép kín với tổng kinh phí đầu tư xây dựng là 120 triệu đồng được hoàn thành và bàn giao cho gia đình anh.
Vợ chồng anh Đinh Văn Ngọc (thôn Tân Lập, xã Ia Rsai) được hỗ trợ xây nhà tình nghĩa. Ảnh: L.N |
“Tôi xin chân thành cảm ơn sự quan tâm hỗ trợ của Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin huyện và Câu lạc bộ thiện nguyện “Ấm tình yêu thương”. Đầu năm 2024, gia đình tôi còn được hỗ trợ 3 con bò sinh sản. Từ nay, vợ chồng tôi sẽ cố gắng làm ăn, phát triển kinh tế”-anh Ngọc chia sẻ.
Tương tự, cuối tháng 9-2023, gia đình bà La O Thị Khô (buôn Ma Giai, xã Đất Bằng) cũng hưởng niềm vui khi được ở trong ngôi nhà sàn mới. Ngôi nhà có diện tích 45 m2 với kinh phí xây dựng hơn 93 triệu đồng. Trong đó, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên hỗ trợ 75 triệu đồng; gia đình góp thêm 15 triệu đồng; quỹ tình thương xã vận động hỗ trợ 3,5 triệu đồng làm nhà và hơn 7,7 triệu đồng mua sắm vật dụng sinh hoạt gia đình. Ngoài ra, đoàn viên, thanh niên giúp ngày công lao động, chính quyền địa phương hỗ trợ cho gia đình 1 cặp dê giống.
“Cuối năm 2023, gia đình tôi đã thoát nghèo. Tôi chân thành cảm ơn sự quan tâm của Bí thư Tỉnh ủy và chính quyền địa phương đã hỗ trợ để gia đình từng bước vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”-bà Khô bày tỏ.
Ông Rô Krik-Chủ tịch UBND xã Đất Bằng-cho hay: Thời gian qua, ngoài nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, UBND xã đã lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ người dân, gia đình chính sách phát triển kinh tế, làm nhà ở, nước sinh hoạt tập trung để giúp bà con ổn định cuộc sống. Hiện nay, xã không còn hộ gia đình chính sách thuộc hộ nghèo.
Anh Đinh Văn Ngọc chăm sóc đàn bò mới được Nhà nước hỗ trợ để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: L.N |
Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Văn Hường-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện-cho biết: Toàn huyện có 362 đối tượng hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng. Những năm qua, huyện luôn chú trọng triển khai các hoạt động nhằm chăm lo các đối tượng chính sách.
Năm 2023, thông qua nguồn Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” cùng với sự chung tay góp sức của các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, huyện đã triển khai hỗ trợ xây dựng 3 căn nhà tình nghĩa; tổ chức đưa 12 người có công đi điều dưỡng ngoài tỉnh, 2 người có công đi tham quan các tỉnh phía Nam; chi trả chế độ điều dưỡng tại nhà cho 88 đối tượng và trợ giúp dụng cụ, phương tiện chỉnh hình cho 3 đối tượng. Hàng năm, huyện thường xuyên tổ chức các hoạt động thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách, người có công trong dịp lễ, Tết.
“Năm 2024, huyện dự kiến hỗ trợ xây dựng 7-8 căn nhà tình nghĩa. Tiếp tục chú trọng công tác quản lý, theo dõi và giải quyết chế độ chính sách cho người có công. Đặc biệt, các cơ quan, ban ngành của huyện đã tổ chức kết nghĩa với các thôn, buôn.
Trên cơ sở đó, các đơn vị sẽ rà soát và triển khai hỗ trợ những gia đình chính sách khó khăn để phát triển kinh tế. Việc giúp các gia đình chính sách vươn lên thoát nghèo là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, do đó đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành trong toàn huyện”-Trưởng phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện nhấn mạnh.
Nhân kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh-Liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2024), huyện Krông Pa tổ chức thắp nến tri ân các anh hùng liệt sĩ, dâng hương, dâng hoa viếng các anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang Liệt sĩ huyện và Nhà bia tưởng niệm anh hùng liệt sĩ xã Đất Bằng. Ngoài ra, huyện thành lập 14 đoàn đến thăm và tặng 571 suất quà cho người có công, thân nhân liệt sĩ, thân nhân người có công trên địa bàn.