Kông Chro khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 5-7, UBND huyện Kông Chro (tỉnh Gia Lai) đã chỉ đạo lực lượng vũ trang, đoàn viên, thanh niên cùng chính quyền thị trấn Kông Chro và các xã: Yang Trung, Yang Nam, Ya Ma, Chơ Long tổ chức giúp người dân khắc phục thiệt hại do mưa đá kèm theo lốc xoáy gây ra.

Vào lúc 16 giờ ngày 4-7, mưa đá trên diện rộng kèm theo lốc xoáy kéo dài hơn 45 phút bất ngờ trút xuống địa bàn thị trấn Kông Chro và các xã: Yang Trung, Yang Nam, Ya Ma và Chơ Long gây thiệt hại nặng về nhà cửa và cây trồng.

 Người dân làng Hle Hlang (xã Yang Trung) sửa chữa nhà giúp các gia đình bị thiệt hai sau trận lốc xoáy. Ảnh: Lê Anh
Người dân làng Hle Hlang (xã Yang Trung) sửa chữa nhà giúp các gia đình bị thiệt hai sau trận lốc xoáy. Ảnh: Lê Anh


Theo thống kê mới nhất, mưa đá kèm theo lốc xoáy đã làm 43 căn nhà bị tốc mái, sập tường. Thiệt hại nặng nề nhất là xã Yang Trung với 16 căn tại làng Hle Hlang, thôn 9 và thôn 10; 13 nhà rẫy bị sập hoàn toàn cùng với 45 ha bắp và 8 ha ớt đang vào vụ thu hoạch bị đổ ngã. Ngoài ra, mưa đá kèm theo lốc xoáy đã làm sập nhà rẫy tại xã Ya Ma khiến 1 người bị thương. Bên cạnh đó, mưa đá kèm theo lốc xoáy cũng đã gây sập tường rào, tốc mái tôn, hư hỏng một số hạng mục công trình tại Trường THCS Dân tộc Nội trú và Trường THCS Quang Trung (thị trấn Kông Chro). Ước tổng thiệt hại do mưa đá kèm theo lốc xoáy xảy ra tại các xã, thị trấn của huyện là gần 1 tỷ đồng.

Ngay sau khi xảy ra sự việc, UBND huyện Kông Chro đã triển khai các biện pháp giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả. Ông Võ Nguyên Nam-Chủ tịch UBND huyện Kông Chro-cho biết: “Ủy ban nhân dân huyện đã thành lập đoàn công tác đến hiện trường nắm bắt tình hình và chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự, Công an huyện, Huyện Đoàn và UBND các xã, thị trấn huy động lực lượng giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả. Đồng thời, chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phối hợp với Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội, Phòng Nông nghiệp và PTNT khẩn trương thống kê thiệt hại và đề xuất phương án hỗ trợ để các hộ dân sớm ổn định cuộc sống. Đối với 2 trường học bị hư hỏng, UBND huyện giao Phòng Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Phòng Tài chính-Kế hoạch, Phòng Kinh tế-Hạ tầng, Phòng Giáo dục và Đào tạo kiểm tra hiện trạng để đề xuất UBND huyện phương án sửa chữa”.

Cũng trong sáng 5-7, gần 100 người dân xã Yang Trung cùng đoàn viên, thanh niên làng Hle Hlang tổ chức dựng lại nhà cửa cho các gia đình bị thiệt hại. Ông Đặng Thế Quyền-Chủ tịch UBND xã Yang Trung-thông tin: “Ngay trong đêm 4-6, UBND xã đã cử lực lượng đến giúp đỡ người dân khắc phục một phần thiệt hại ban đầu và bảo vệ tài sản cho bà con. Đồng thời, trực tiếp vận động dân làng giúp dựng lại nhà cửa cho các gia đình bị thiệt hại do thiên tai để sớm ổn định cuộc sống. Bước đầu, xã đã xuất kinh phí mua tôn và vật dụng để sửa chữa lại nhà cho 10 hộ dân làng Hle Hlang và đề xuất UBND huyện hỗ trợ kinh phí khắc phục thiệt hại của nhà rông và gia đình ông Đinh Đin bị thiệt hại nặng nề. 4 gia đình bị thiệt hại nhẹ đã tự khắc phục nên xã cử lực lượng đến giúp đỡ. Đến trưa 5-7, cơ bản đã khắc phục được những hư hỏng về nhà cửa cho các hộ dân bị thiệt hại”.

Qua hiện tượng thời tiết cực đoan này, ông Võ Văn Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Kông Chro-cảnh báo: “Đây là giai đoạn chuyển mùa, người dân cần đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như: mưa đá, lốc xoáy, sét… trên diện rộng tiềm ẩn nguy cơ gây thiệt hại về người và tài sản. Đặc biệt, tại một số khu vực đang có nắng nóng cục bộ nên các hiện tượng thời tiết cực đoan nguy cơ xuất hiện cao. Chính quyền các xã, thị trấn cần tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của người dân về hiện tượng mưa giông, lốc xoáy, mưa đá nhằm phòng tránh và giảm thiểu thiệt hại”.

 

 HẠ VY
 

Có thể bạn quan tâm

Mẹ mất, em Thái Thị Mỹ Diệu (ở giữa) trở thành trụ cột gia đình và chăm sóc 2 em. Ảnh: N.N

Xót lòng 3 trẻ mồ côi

(GLO)- Mẹ qua đời, cha bỏ nhà đi , em Thái Thị Mỹ Diệu (SN 2006, hẻm 174 Nguyễn Văn Cừ, tổ 7, phường Diên Hồng, TP. Pleiku) phải bỏ dở việc học để chăm sóc 2 em nhỏ.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh làm việc tại huyện Đak Đoa về việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Đak Đoa: 42/148 hộ hỗ trợ nhà ở, đất ở được cấp giấy CNQSDĐ

(GLO)- Sáng 16-12, Đoàn giám sát HĐND tỉnh do bà Đinh Ly An-Trưởng Ban Dân tộc làm trưởng đoàn đã giám sát tại huyện Đak Đoa về “việc cấp giấy CNQSDĐ cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi”.

Nhờ nguồn vốn vay sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, bà Nguyễn Thị Nga (bìa trái, làng Sur B, xã Ia Hla, huyện Chư Pưh) đã đầu tư phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống. Ảnh: S.C

“Bà đỡ” của người dân vùng khó

(GLO)- Thông qua chương trình tín dụng ưu đãi, người dân các xã vùng khó khăn của Chư Pưh (tỉnh Gia Lai) được vay 100 triệu đồng để đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Chương trình này được ví như “bà đỡ” của người dân vùng khó.

Đoàn giám sát HĐND tỉnh giám sát tại thị xã Ayun Pa về “việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng được hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất thuộc Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ảnh: Lê Nam

Nhiều địa phương gặp khó trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ nghèo

(GLO)- Thực hiện Dự án 1-Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi các địa phương đã triển khai hỗ trợ nhà ở, đất ở cho hộ nghèo. Tuy nhiên, một số địa phương gặp khó trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đối tượng này.