Kon Chiêng chú trọng tuyên truyền, giáo dục pháp luật

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Thời gian qua, xã Kon Chiêng (huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai) thường xuyên đổi mới, đa dạng các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, góp phần nâng cao nhận thức chấp hành pháp luật của người dân và giữ vững trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
Sáng sớm và chiều tối hàng ngày, tại các thôn, làng của xã vùng xa Kon Chiêng, thông qua cụm loa truyền thanh không dây và xe loa lưu động, các quy định về phòng-chống dịch Covid-19 được chuyển tải kịp thời đến người dân bằng 2 thứ tiếng Kinh và Bahnar. Các bản tin về tình hình dịch bệnh và những khuyến cáo dành cho người dân được cập nhật liên tục. Ông Võ Đình Huy-Chủ tịch UBND xã-chia sẻ: “Xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống với trình độ sản xuất và dân trí còn những hạn chế nhất định. Vì vậy, ngoài hình thức tuyên truyền miệng đến từng hộ, phát tờ rơi, thông qua các cuộc họp, công tác tuyên truyền qua hệ thống loa truyền thanh cố định và loa di động cũng rất hiệu quả”.
Xã Kon Chiêng có 1.446 hộ với 6.490 khẩu, trên 85% dân số là đồng bào DTTS, đời sống còn nhiều khó khăn, môi trường tiếp xúc và hiểu biết pháp luật còn giới hạn. Trước tình hình đó, để giúp người dân nâng cao nhận thức về pháp luật, ngay từ đầu năm, Đảng ủy, HĐND, UBND xã đã tập trung kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật của xã; tổ chức phổ biến, quán triệt, tuyên truyền các văn bản pháp luật đến toàn thể cán bộ, đảng viên và người dân gắn với thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, hệ thống chính trị từ xã đến các thôn, làng tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, vận động người dân tự giác tuân thủ, chấp hành các quy định pháp luật về phòng-chống dịch. Với hình thức tuyên truyền gần gũi, dễ hiểu đã giúp người dân hiểu rõ về nguy cơ, tác hại, cách phòng tránh cũng như quy định về phòng-chống dịch bệnh. Chị Hmen (làng Ktu) bộc bạch: “Được nghe tuyên truyền bằng tiếng Bahnar, mình hiểu rõ hơn tình hình dịch bệnh, từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và cộng đồng. Cán bộ xã, thôn thường xuyên hướng dẫn cách phòng-chống dịch Covid-19, không tụ tập đông người, không đi làm xa, chỉ ra đường khi thật cần thiết và phải đeo khẩu trang”.
Một buổi tuyên truyền pháp luật cho người dân xã Kon Chiêng. Ảnh: Hà Phương
Một buổi tuyên truyền pháp luật cho người dân xã Kon Chiêng. Ảnh: Hà Phương
Hiện nay, toàn xã có 8 tổ hòa giải với 76 thành viên. Từ đầu năm đến nay, xã đã tổ chức cuộc thi tìm hiểu pháp luật về tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS thu hút được 50 người tham gia; tổ chức các hội nghị lồng ghép để tuyên truyền các văn bản pháp luật mới của Nhà nước với hàng ngàn lượt người tham gia. Ngoài ra, xã còn chủ động phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức 13 buổi tuyên truyền Luật Đất đai, Luật Hôn nhân và Gia đình đến các thôn, làng với 1.235 lượt người tham gia.
Ông Suer-Trưởng thôn Ktu-thông tin: “Thông qua các buổi họp dân, mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nội quy, quy định của địa phương được truyền tải kịp thời đến với bà con, đồng thời người dân cũng phản ánh những vấn đề nảy sinh, vướng mắc ở cơ sở. Từ đầu năm đến nay, tại làng Ktu xảy ra 7 vụ tranh chấp liên quan đến lĩnh vực đất đai, uống rượu say gây rối trật tự công cộng, hôn nhân và gia đình. Sau khi nắm bắt thông tin, tôi báo lên UBND xã. Sau đó, cán bộ xã cùng tổ hòa giải trực tiếp đến nơi xảy ra mâu thuẫn để tiến hành hòa giải 7/7 vụ, đạt tỷ lệ hòa giải thành 100%”.
Đề cập đến kinh nghiệm tuyên truyền, Chủ tịch UBND xã thông tin: “Bà con đa phần là người DTTS nên phải hiểu rõ phong tục tập quán, thói quen, thời gian lao động để sắp xếp lịch tuyên truyền hợp lý. Có thể linh động, sắp xếp tuyên truyền vào sáng sớm để bà con còn đi làm rẫy hoặc vào buổi tối. Nội dung tuyên truyền tập trung vào những vấn đề thiết thân với họ, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện. Ngoài tuyên truyền trong các buổi họp thôn, làng, xã sử dụng hệ thống phát thanh, trên trang thông tin điện tử của xã, từ đó giúp bà con có thêm kênh thông tin tìm hiểu và tiếp nhận các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Đánh giá về công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn xã Kon Chiêng, ông Thân Văn Thái-Trưởng phòng Tư pháp huyện Mang Yang-nhìn nhận: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn xã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Số vụ vi phạm Luật Lâm nghiệp, Luật Hôn nhân và Gia đình giảm rõ rệt. Tình trạng phạm pháp hình sự cũng giảm mạnh. Các mâu thuẫn, tranh chấp xảy ra trong dân được các tổ hòa giải ở thôn, làng hòa giải kịp thời, không để nảy sinh điểm nóng. Nhờ đó, tình trạng khiếu nại, khiếu kiện vượt cấp không xảy ra, đồng thời duy trì, củng cố tinh thần đoàn kết nội bộ Nhân dân, phòng ngừa hạn chế vi phạm pháp luật, đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
HÀ PHƯƠNG

Có thể bạn quan tâm

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

Pleiku tập trung các nguồn lực góp phần giảm nghèo

(GLO)- Nhờ tích cực hỗ trợ về sinh kế, xây dựng nhà ở và các chương trình hỗ trợ thiết thực khác đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố Pleiku giảm còn 0,12%, vượt 0,04% so với chỉ tiêu giảm nghèo năm 2024 mà UBND tỉnh giao (kế hoạch giao 0,16%).

Sau khi được hỗ trợ làm nhà, gia đình anh Đàm Văn Kim (thôn 4, xã Ia Vê) yên tâm phát triển kinh tế và đã thoát nghèo. Ảnh: L.N

Chư Prông hỗ trợ hộ nghèo an cư

(GLO)- Triển khai Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021-2025, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã xây dựng hàng trăm căn nhà giúp hộ nghèo “an cư lạc nghiệp”.